Bắc Kạn: Hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm 2008

Thực hiện dự án trồng rừng 661, năm 2008, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn được giao chỉ tiêu kế hoạch trồng mới 240 ha rừng. Trong đó, gồm 100 ha rừng phòng hộ, 140 ha rừng sản xuất. Chăm sóc và bảo vệ 5778 ha rừng đã trồng những năm trước.

Để thực hiện thắng lợi kế hoạch này, ngay sau khi nhận kế hoạch, huyện đã có văn bản gửi UBND 10/10 xã để hướng dẫn người dân đăng ký nhu cầu trồng rừng năm 2008. Đã có 08 xã đăng ký nhu cầu trồng rừng, nhưng do địa hình xa và tương đối phức tạp nên dự án chỉ thiết kế được tại 06 xã là Công Bằng, Cao Tân, Giáo Hiệu, Bộc Bố, Xuân La, Nghiên Loan. Giao cho Ban QLDA trồng rừng của huyện tích cực chuẩn bị cây giống đủ tiêu chuẩn, bao gồm: 400.000 cây mỡ, 1.512 cây trúc sào (dân tự cung cấp cây giống), 50.000 cây lát, đáp ứng công tác trồng rừng mới và trồng dặm cho những lô trồng rừng năm trước. Đồng thời cử cán bộ kỹ thuật nông nghiệp xuống tận địa phương chỉ đạo bà con cách xử lý thực bì, cuốc hố theo đúng các quy trình trồng rừng cơ bản. Tăng cường công tác tuyên truyền vận động đoàn viên thanh niên các xã tích cực trồng rừng để gây quỹ,…

Nhờ sự chủ động trong chuẩn bị cùng sự nỗ lực của các ngành, đến nay cơ bản các địa phương đã xử lý xong thực bì, cuốc hố và đang tiến hành trồng cây. Trong đó, rừng sản xuất đạt 216, 40/140 ha KH với 100% là giống cây mỡ, hiện đang thiết kế bổ sung 13,90 ha tại xã Nghiên Loan; Rừng phòng hộ đạt 25,12/100 ha KH, bao gồm: rừng trồng hỗn giao (mỡ, lát, trám) là 24,01/30 ha, rừng trồng thuần loài cây trúc là 1,11/20 ha, rừng trồng thuần loại cây hồi là 0,00/50 ha. Hiện đang thiết kế bổ sung 75,58 ha tại 04 xã Công Bằng, Nghiên Loan, Cổ Linh và Nhạn Môn. Dự tính sẽ kết thúc công tác trồng rừng trong tháng 06/2008.

Cùng với công tác trồng rừng mới, huyện còn chỉ đạo Ban Quản lý trồng rừng, các đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ cùng địa phương trong việc quản lý, bảo vệ rừng, chống cháy rừng; tăng cường nâng cao trách nhiệm của lực lượng cộng tác viên cơ sở; chỉ đạo các phòng chuyên môn hướng dẫn cơ sở xây dựng và hoàn chỉnh quy ước bảo vệ rừng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án 661 vẫn gặp phải một số vướng mắc, khó khăn ảnh hưởng đến công tác trồng rừng.

Ông Bùi Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện- Trưởng Phòng Nông lâm nghiệp huyện cho biết: “Hiện nay, mặc dù nhiều diện tích nương rẫy còn bỏ hoang nhưng tâm lý nhiều người dân cũng không muốn trồng rừng phòng hộ. Nguyên nhân do trồng rừng phòng hộ đều ở những nơi đất dốc, xa khu dân cư, công tác trồng rừng gặp nhiều khó khăn mà kinh phí hỗ trợ cho rừng phòng hộ lại không đáng kể (trên 3 triệu đồng/ ha, tùy theo rừng)”.

Sau khi trồng rừng, người dân được hưởng lợi thấp hơn so với trồng rừng sản xuất. Chính vì vậy, diện tích rừng sản xuất vượt 165% KH đề ra, diện tích rừng phòng hộ bị chậm lại và đang phải tăng cường vận động người dân tham gia để hoàn thành đúng chỉ tiêu kế hoạch. Bên cạnh đó, công tác triển khai trồng mới rừng theo dự án 661 cũng gặp khó khăn do mặt bằng dân trí không đồng đều, khó khăn trong việc tuyên truyền cũng như áp dụng những tiến bộ khoa học vào thực tế sản xuất. Lợi ích kinh tế từ rừng chưa thật sự tạo động lực khuyến khích các hộ tham gia trồng rừng. Tập quán canh tác lạc hậu, thả rông gia súc gây ảnh hưởng đến công tác chăm sóc và bảo vệ rừng…

Mục tiêu thiết thực của dự án 661 nhằm góp phần đảm bảo môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, sử dụng có hiệu quả diện tích đồi núi trống, tạo việc làm và đáp ứng nhu cầu về gỗ cho nhân dân. Do vậy, để thực hiện đúng mục tiêu và hoàn thành đúng kế hoạch dự án 661 năm 2008, thiết nghĩ, chính quyền các cấp cần tăng cường vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ lâm nghiệp đã được quy định trong Luật bảo vệ và phát triển rừng. Để khuyến khích người dân tham gia trồng mới và bảo vệ rừng, việc xem xét điều chỉnh lãi suất đầu tư trồng, chăm sóc rừng trên cơ sở định mức và đơn giá hiện tại là cần thiết. Bên cạnh đó, cần có biện pháp chỉ đạo trực tiếp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đồng thời thường xuyên đôn đốc, kiểm tra phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu, kế hoạch đã đề ra./.