ThienNhien.Net – Ngày 09/07/2008, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã tổ chức lễ giới thiệu cuốn sách “Hướng dẫn nhận dạng các loài thú ở Việt Nam”, với sự hỗ trợ của Câu lạc bộ báo chí Hà Nội (Hanoi Press Club). Có thể coi cuốn sách là một từ điển sống động về các loài thú ở Việt Nam, một nguồn tham khảo quý đối với giới nghiên cứu cũng như đông đảo những người yêu mến và bảo vệ thiên nhiên.
Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có tầm quan trọng cao nhất trong việc bảo tồn các loài thú. Cho đến nay đã có khoảng 300 loài đã được phát hiện và mô tả trên toàn bộ lãnh thổ, cả trên đất liền và ngoài biển khơi.
Đặc biệt, trong những năm 90 của thế kỷ 20, 5 loài thú lần đầu tiên được phát hiện gồm sao la, mang lớn, mang Trường Sơn, thỏ vằn và chà vá chân xám đã thu hút thêm nhiều sự quan tâm của cộng đồng khoa học đối với khu hệ thú của Việt Nam.
Bên cạnh đó, còn một số loài thú khác đang cần thêm những cứ liệu khoa học để chứng minh đó là loài mới, gồm cầy giông Tây Nguyên, cầy nước Đông Dương. Tuy nhiên, cũng như các loài sinh vật khác, số lượng quần thể của các loài thú ngoài hoang dã ở Việt Nam đã và đang bị suy giảm nghiêm trọng từ các hiểm họa săn bắt, buôn bán, tiêu thụ và phá hủy hay làm phân mảnh sinh cảnh sống của chúng.
Mặc dù trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực ngăn cản làn sóng suy giảm các loài sinh vật, nhưng do nhận thức của đại bộ phận công chúng về tầm quan trọng và sự cần thiết của việc bảo tồn các loài còn hạn chế, làm cho công việc của các cơ quan chức năng và những nhà bảo tồn còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc thực thi các luật pháp còn chưa hiệu quả do việc thiếu những công cụ và tư liệu cần thiết cho việc nhận dạng chính xác các loài để có những quyết định đúng đắn có lợi cho việc bảo tồn.
Theo Giáo sư Võ Quý, Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội: “Hiểu biết về các các loài thú và tầm quan trọng của chúng trong thiên nhiên của đa số nhân dân còn hết sức hạn chế, một phần quan trọng là do sách về các loài thú Việt Nam còn ít và chưa có cuốn nào có đầy đủ các thông tin cơ bản, nội dung và hình thức hấp dẫn để thu hút sự chú ý của độc giả.
Việc các tổ chức phi chính phủ tham gia biên soạn tài liệu là rất đáng khích lệ và các nhà khoa học luôn hỗ trợ để truyền tải những kiến thức khoa học chuyên sâu thành những kiến thức phổ thông cho rộng rãi các đối tượng công chúng nhằm tăng cường nhận thức của họ trong việc bảo tồn chúng ngoài hoang dã ”.
Với mong muốn góp phần truyền tải tình yêu và sự quý trọng thiên nhiên, mà cụ thể là về các loài thú ở Việt Nam cho đông đảo công chúng, đồng thời cung cấp tài liệu tham khảo cho sinh viên, giới nghiên cứu và lực lượng chuyên trách trong việc nhận dạng các loài thú, hơn hai năm qua PanNature đã hợp tác với Tiến sĩ John Parr, một chuyên gia bảo tồn quốc tế, biên soạn cuốn “Hướng dẫn nhận dạng các loài thú ở Việt Nam”.
Dự án đã tập hợp trên 30 các nhà nghiên cứu và chuyên gia bảo tồn thú có uy tín và kinh nghiệm ở trong nước, khu vực và thế giới đóng ý kiến để hoàn thiện nội dung cho cuốn sách này.
Cuốn sách gồm 3 phần, với nội dung chính giới thiệu chi tiết nhận dạng của 127 loài thú điển hình của Việt Nam.
“Thông qua cuốn sách này, chúng tôi hy vọng độc giả sẽ có thêm nhiều thông tin bổ ích về nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước, nhờ đó sẽ có ý thức và trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn và bảo tồn chúng” Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên, đại diện cơ quan phát hành phát biểu.
Nguồn kinh phí thu được từ việc phát hành cuốn sách này sẽ giúp PanNature thiết lập nên nguồn ngân quỹ để duy trì công tác phát hành các ẩn phẩm mang nội dung tuyên truyền công tác bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam một cách lâu dài.
Ấn phẩm được phát hành song song bằng hai phiên bản, tiếng Việt và tiếng Anh, với hỗ trợ tài chính từ Chương trình Đa dạng Sinh học của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ môi trường Sida (SEF).