Trong tình hình giá lương thực tăng cao, nhiều cư dân ở những đô thị lớn bắt đầu cầm cuốc, gieo hạt như nhà nông thứ thiệt. Nông nghiệp đô thị đã trở thành xu thế nổi bật trong quá trình phát triển ở nhiều quốc gia.
Tại Việt Nam, tốc độ đô thị hoá nhanh đến chóng mặt, việc giúp bà con nông dân chuyển nghề cho phù hợp với quá trình làng dân phố, xã dân phường chưa được các cơ quan chức năng thực hiện tốt nhưng bản thân từng người dân đã có những cách làm hiệu quả. Vấn đề là các cơ quan chuyên môn định hướng bà con như thế nào?
Do nhu cầu phát triển đô thị và công nghiệp – dịch vụ, quỹ đất nông nghiệp ở Việt Nam ngày càng eo hẹp. Thực tế này đòi hỏi lãnh đạo các địa phương, ngành nông nghiệp cũng như các hộ nông dân phải thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng-vật nuôi, mở ra hướng phát triển cho nông nghiệp đô thị.
Nông nghiệp giữa lòng thành phố Đà Nẵng
TP. Đà Nẵng là một trong những địa phương có những mô hình nông nghiệp đô thị khá độc đáo. Mấy năm gần đây, nhất là khi Chỉ thị 12/2006/CT-UBND của UBND TP. Đà Nẵng về cấm nuôi gia súc, gia cầm ở khu vực nội thị có hiệu lực, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng -vật nuôi diễn ra khá sôi động.
Thành quả đáng kể nhất là nghề làm sinh vật cảnh, trồng rau mầm, nấm ăn phát triển nhanh, nông dân không chỉ tạo ra sản phẩm có giá trị mà còn có cơ hội làm giàu. Ông Nguyễn Văn Quý ở phường Hoà Cường Bắc (quận Hải Châu) là người tiên phong trong lĩnh vực hoa cây cảnh. Do nhạy bén với cơ chế thị trường, nắm bắt kịp thời nhu cầu khách hàng, ông thành lập Công ty TNHH cây cảnh Văn Khoa và trở thành cơ sở sản xuất cây cảnh lớn nhất Đà Nẵng. Tại đây, liên tục có gần 30 nhân công chăm sóc hoa, cây cảnh, mang lại lợi nhuận trên 1 tỷ đồng/năm.
Cũng từ đây, hàng trăm nông dân tiếp cận với nghề trồng hoa, cây cảnh. Trung tâm Khuyến ngư-nông -lâm TP. Đà Nẵng cùng Phòng Kinh tế quận Hải Châu đã mở hàng chục lớp tập huấn kỹ thuật ngay tại khu vực sản xuất của Văn Khoa. Nhờ vậy, mô hình trồng hoa cây cảnh ở Đà Nẵng phát triển rất nhanh. Hiện, quận huyện nào cũng có Hội Sinh vật cảnh và khu trưng bày sản phẩm. Có hộ trồng tới 10.000 chậu cúc/vụ, hơn 5.000 gốc mai cảnh, thu nhập 300-400 triệu đồng/năm. Trên địa bàn thành phố có khoảng 300 hộ hoạt động trong lĩnh vực này, tạo ra lượng của cải trị giá 30-40 tỷ đồng/năm.
Ông Nguyễn Minh Trường, ở tổ 12, phường Bình Thuận (Hải Châu) có cách làm khá độc đáo khi sản xuất rau sạch ngay tại ngôi nhà của mình trong hẻm sâu, đường Hoàng Diệu. Đầu năm 2007, trong một lần vào TP.Hồ Chí Minh, ông được tiếp cận với công nghệ sản xuất rau mầm. Không ngờ loại rau ngắn ngày ấy đã đem đến cho ông cơ hội làm giàu. Hiện mỗi ngày ông xuất bán 20-30kg, thu 600.000-700.000 đồng.
Nhận xét về mô hình nông nghiệp đô thị, ông Võ Đắc Tín, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm TP. Đà Nẵng cho biết: “Không cứ gì ở nông thôn mới làm nông nghiệp mà ngay cả vùng nội thị cũng có thể làm rất thành công, nếu biết tận dụng không gian hẹp ở mỗi gia đình, nuôi trồng các cây-con phù hợp”.
Những vườn chậu ở Hà Nội
Có một xu thế đang diễn ra rất mạnh hiện nay là nhiều gia đình ở Hà Nội cũng bắt đầu trồng rau để phục vụ bữa ăn gia đình. Để có rau sạch, nhiều hộ đã trồng rau vào chậu cảnh, hộp xốp, thậm chí cải tạo cả tầng thượng thành một vườn rau.
Gia đình bà Kim Ngân ở ngõ 553, đường Giải Phóng, có vườn rau trồng trên sân thượng, tiết lộ: “ý tưởng trồng rau trên tầng
thượng là của ông xã tôi. Có được vườn rau như thế này cũng vất vả, tốn kém lắm. Nhưng bây giờ mua rau ngoài chợ không yên tâm nên đành tự cung tự cấp”.
Để có được vườn rau xanh tốt 80m2 trên tầng thượng, ngoài việc dùng tời kéo lên mái nhà khoảng 10 tấn đất, kỳ công xây bệ trồng rau, gia đình bà Ngân phải bỏ ra hàng triệu đồng làm hệ thống thoát nước, chống thấm. Bà tiết lộ: “Các loại rau được trồng đa phần đều dễ chăm sóc như rau muống, rau lang, cải cúc kèm với rau ăn sống như xà lách, rau diếp, rau má, tía tô, mùi tàu…”.
Ông Nguyễn Thái Quang ở A101, ngõ 466, La Thành, lại chọn cách khác, đó là trồng rau vào chậu cảnh. Những chậu cảnh cao chừng 40cm, đường kính 60cm, chứa đầy các cây rau tươi mướt. Với 20 chậu cải cúc, 10 chậu xà lách… ông Quang tận dụng mọi góc ngõ để các chậu rau. “Trồng rau kiểu này tuy mất công chăm sóc nhưng đổi lại cả gia đình không phải băn khoăn về chất lượng”, ông tâm sự.
Một kiểu trồng rau thú vị khác là của chị Nguyễn Phương Lan ở ngõ 72, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân. Nhà trong ngõ, không có đất vườn, chị Lan tận dụng khoảng lan can tầng 2, những hộp xốp thừa để trồng su su, cà chua, cải ngọt, ớt, hành, xà lách. Nhìn những hộp rau xanh tốt, chị cười, nói: “Chỉ mất có vài nghìn mua cây giống cộng với hộp xốp đựng hoa quả, chỉ sau 3 tuần là cả nhà có bữa rau sạch, không khí cũng thêm trong lành. Mình dự định sẽ trồng thêm một số hộp rau nữa trên tầng 3”.
Nông nghiệp công nghệ cao ở TP. Hồ Chí Minh và Đà Lạt
TP. Hồ Chí Minh là nơi có tốc độ đô thị hoá nhanh nhất cả nước. Nhận thức rõ, phát triển nông nghiệp đô thị rất phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, thuỷ văn… mang lại hiệu quả kinh tế cao, lãnh đạo thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm phát triển nông nghiệp các vùng ngoại thành theo hướng công nghệ cao.
Theo ông Trương Hoàng, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Phát triển nông thôn TP.Hồ Chí Minh, kết quả bước đầu của việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở ngoại thành thời gian qua là tạo việc làm cho nhiều lao động tại chỗ, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện môi trường, đóng góp vào sự tăng trưởng của nông nghiệp thành phố.
Có thể thấy, “Chương trình phát triển hoa, cây cảnh, chim, cá cảnh” ở TP. Hồ Chí Minh cho hiệu quả kinh tế rất cao. Từ đầu năm 2008 đến nay, các doanh nghiệp và hộ nuôi cá cảnh đã xuất khẩu 1.280.000 con cá cảnh các loại sang thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… với kim ngạch trên 1,5 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2007.
Không chỉ mang lại lợi ích xã hội, nông nghiệp đô thị còn mang lại lợi ích kinh tế khá lớn. ở vị trí cửa ngõ thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), xã Hiệp An có lợi thế về giao thông thuỷ lợi, đất đai phì nhiêu… Thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao, từ năm 2004, xã Hiệp An được tỉnh đầu tư xây dựng các mô hình thí điểm trồng rau, hoa trong nhà kính, nhà lưới.
Với kinh nghiệm sản xuất rau, hoa hàng chục năm cộng với vị trí gần đường giao thông, gia đình chị Hoàn Thị Nhàn được chọn làm nơi triển khai mô hình. Chị Nhàn cho biết: “Nhà kính được Nhà nước đầu tư kinh phí 300 triệu đồng. Việc tưới nhỏ giọt rất tiện lợi, nước không bị bốc hơi, cây trồng ít bị sâu bệnh, năng suất cao hơn. Mỗi năm thu nhập từ khu vườn này đạt hơn 80 triệu đồng”.
Ông Lê Hồng Vũ, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp An cho biết, hàng trăm hécta đất trồng lúa của xã trước đây đã được chuyển sang trồng rau, hoa. Có những hộ chuyên trồng các loại hoa cao cấp như layơn, hồng, đồng tiền, địa lan, … thu nhập mỗi năm vài trăm triệu đồng. Trước đây, bà con chỉ trồng rau để bán cho thị trường nội địa, nhưng nay đã có rau thương phẩm chất lượng cao phục vụ xuất khẩu.
Như vậy, có thể thấy rõ, ưu điểm của nông nghiệp đô thị là không chỉ tạo ra nguồn nông sản tươi sống, giá rẻ cung ứng tại chỗ cho cư dân đô thị, mà còn có tác dụng bảo vệ môi trường, tạo việc làm cho người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống.