Vẫn biết nguồn nước ô nhiễm trầm trọng nhưng hàng chục năm nay, hơn 10 ngàn dân ở xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đành bấm bụng sử dụng.
Khổ cảnh của những người dân “chạy nước” từng ngày (Kỳ 1)
“Nguyên nhân dẫn đến bệnh thận ở xã Cam Tuyền tăng cao những năm gần đây là do người dân sử dụng nguồn nước có vôi” – ông Nguyễn Thanh Trung, Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) khẳng định như “đinh đóng cột”.
Một con số thống kê gần đây khiến nhiều người trong vùng phải giật mình: số bệnh nhân mắc bệnh thận của địa phương này chiếm từ 25- 30% trong tổng số người đã được khám bệnh và siêu âm.
Ám ảnh nguồn nước vôi!
Vượt qua quãng đường dài, lô nhô đá, bụi bay mù mịt, chúng tôi đến thôn Tân Hòa, Tân Hiệp – nơi mà người dân đang đối mặt với tình trạng nước ô nhiễm.
Kéo chúng tôi về phía bể nước sinh hoạt, bà Trần Thị Tháp than: “Định cư ở đây gần cả đời người thì cũng chừng đó thời gian, ba thế hệ nhà tui phải sử dụng nước vôi”.
Rót cốc nước trong mời khách vừa được đun sôi. Chỉ trong giây lát, chúng tôi đã thấy ở dưới đáy ly xuất hiện lớp vôi dày đặc. Nước khi uống vào sằng sặc mùi siêu và lờ lợ. “Hầu hết, khách lạ đến làng được mời nước đều không dám uống vì sợ mắc bệnh” – bà Tháp nói.
Vừa đi chơi ngoài xóm về, cháu bé Trần Văn Bi ở thôn Tân Hòa, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ chạy nhanh về phía bể nước chưa được đun sôi, núc ừng ực một lúc 2 ly.
“Cứ mỗi lần nghe tin trong xã có thêm một người mắc bệnh thận, tui lo lắm vì trước sau gì các thành viên trong gia đình mình cũng sẽ dính bệnh đó. Nhà đã nghèo khổ, nếu đau ốm không biết lấy tiền mô ra để đi bệnh viện”- bà Trần Thị Lé ở xã cam Tuyền, huyện Cam Lộ nói chua xót.
Khi nghe chúng tôi tìm hiểu về nguồn nước sinh hoạt nơi đây, bà Trần Thị Lãnh ở xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ bước thấp, bước cao kéo chúng tôi về phía nhà mình: “Mấy cô thấy đó, mấy cái phích đựng nước uống đều trở thành màu đỏ. Nước chưa đun thì còn có màu trong, chứ khi đun sôi rồi thì đỏ lòm. Đôi khi uống nước mà bị ám ảnh vì mùi vôi sặc sụa”.
“Thời gian gần đây, ở trong xã có nhiều người chết vì bệnh ung thư, mà họ nói là do sử dụng nước vôi. Tui cũng không biết có chính xác không nhưng với nước ô nhiễm trầm trọng thì người dân nơi đây rất lo lắng” – bà Lãnh tiếp lời.
Trước khi rời xã Cam Tuyền, chúng tôi đến thăm bản Chùa, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, nơi mà hàng trăm người dân dân tộc Vân Kiều đang sinh sống. Cùng với 11 thôn trên địa bàn xã, hàng ngày người dân ở bản Chùa cũng phải cắn răng sử dụng nước sinh hoạt ô nhiễm trầm trọng.
“Mấy ngày ni nắng gắt quá, nước nấu chín thì vôi đóng lớp nhiều hơn. Bà con trong xóm phải lặn lội ra suối mót từng gánh nước về uống”- bà Klan gánh nước từ suối trở về mệt nhọc nói.
Nước sạch – ước mơ quá xa xỉ!
Với mong muốn có được nguồn nước sạch, người dân nơi đây đã nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan chức năng.
Dự án nước ngoài đã hỗ trợ cho xã 2 giếng khơi với độ sâu chỉ có 5- 7m. Đối với giếng khơi, mực nước đào cạn hơn nên ít bị nhiễm vôi hơn, nhưng các giếng nước này lại bị nhiễm phèn, đóng váng.
Bí thư Đảng ủy xã Cam Tuyền, Lê Văn Ty cho biết: “Nguồn nước bị nhiễm vôi là đề tài nóng được nhiều lần đưa ra bàn luận trong các đợt tiếp xúc cử tri. Chính quyền địa phương và người dân rất tha thiết, mong cấp trên tìm giải pháp nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả”.
Ông Nguyễn Thanh Trung, Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) cho hay: “Năm 2006, Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng đã có chuyến khảo sát nguồn nước tại thôn Tân Hiệp, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ. Sau khi khảo sát và kiểm tra mẫu nước, Bộ cũng đã kết luận hàm lượng vôi trong nước ở trên địa bàn xã là đúng”.
“Sử dụng nguồn nước vôi đã dẫn đến số người mắc bệnh thận ở địa phương tăng cao. Đến nay trong tổng số người đã được đi khám bệnh, siêu âm, số người mắc bệnh thận chiếm khoảng 25- 30% và nhiều người mắc bệnh đường ruột. Bệnh tật giáng lên đầu người dân nghèo, khiến chính quyền cũng rất trăn trở. Nhưng để giải quyết nước sạch cho bà con thì đó là việc làm ngoài tầm tay của cấp xã”- Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền nói với giọng nghẹn ngào.
Xã Cam Tuyền có gần 30% số hộ nghèo, đây là một địa phương mà sống kinh tế rất khó khăn, thu nhập thất thường vào nông nghiệp. Tuy nhiên, do nguồn nước vôi hóa ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất trồng trọt, khiến đời sống người dân vốn đã khó khăn càng khó gập bội lần.
Trong khi chờ đợi cấp trên tìm phương án giải quyết nước sạch cho hàng chục ngàn người dân ở các xã: Cam Tuyền, Cam Thanh, Cam Thủy…của huyện Cam Lộ (Quảng Trị) thì hàng ngày, người dân nơi đây vẫn tiếp tục uống loại nước ô nhiễm này, và bệnh tật thì đang ở ngay trước mắt họ.