Dân số thế giới: Nguy cơ nghèo đói gia tăng

Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc (LHQ) – UNFPA cho biết, dân số thế giới đang tăng 78 triệu người/năm, kéo theo những hậu quả nặng nề về bệnh tật, nghèo đói và thảm họa môi trường. Vì thế, “Kế hoạch hóa gia đình” là chủ đề chính của Ngày dân số thế giới 11/07 năm nay.

Báo động tốc độ gia tăng dân số

Theo báo cáo của LHQ, tổng dân số thế giới sẽ tăng từ 6,7 tỷ gnười hiện nay lên 9,2 tỷ người vào năm 2050. Trong khi đó, Cục điều tra dân số của Mỹ vừa dự báo, dân số toàn cầu sẽ lên tới 7 tỷ người vào năm 2012. Hiện nay, dân số Mỹ đứng thứ 3 thế giới với 304 triệu người, sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Dân số thế giới đã đạt 6 tỷ người vào năm 1999 và nếu dự báo trên trở thành hiện thực, chỉ trong vòng 13 năm dân số thế giới đã tăng thêm 1 tỷ người.

Ông Carl Haub, nhà dân số học của Cục điều tra dân số Mỹ nhận xét: “Người ta có thể dễ dàng nhận thấy những tác động của việc gia tăng dân số nhanh chóng ở những đang phát triển”. Ông nhấn mạnh, điều kiện tiến bộ về dinh dưỡng và y tế ở những nước đang phát triển đã dẫn đến cuộc bùng nổ dân số sau Chiến tranh thế giới thứ 2.

Tuy nhiên, hiện đang diễn ra những thay đổi về văn hóa, nhận thức với việc ngày càng có nhiều phụ nữ ở các nước đang phát triển được đến trường và tham gia vào lực lượng lao động xã hội. Điều này sẽ giúp làm giảm tốc độ gia tăng dân số, mặc dù vẫn còn cao.

Hiện nay, dân số thế giới đang gia tăng với tỷ lệ trung bình là 1,2%/năm. Cục điều tra dân số Mỹ dự báo, tốc độ này sẽ giảm xuống còn 0,5% năm 2050. Khi đó, Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc trở thành nước đông dân nhất thế giới. Đồng thời, dân số thế giới cũng sẽ già đi nhanh chóng. Đến năm 2050, số người từ 80 tuổi trở lên sẽ chiếm 5% dân số, so với 1,5% hiện nay.

Theo ông William Frey, nhà dân số học thuộc Viện nghiên cứu Brookings (Mỹ), cho đến nay chưa có một điều tra nào về việc liệu Trái đất có thể cưu mang được bao nhiêu con người, nhưng điều đó phụ thuộc vào việc con người sử dụng các tài nguyên thiên nhiên của Trái đất như thế nào.

Nguy cơ nghèo đói gia tăng

Cùng với việc dân số tăng nhanh, nhu cầu về tài nguyên lương thực, nước ngọt và đô thị hóa cũng tăng theo, đặt nhân loại trước nhiều thách thức lớn. Hãng tin Reuters dẫn một báo cáo của LHQ cho biết, vào cuối năm nay, phân nửa dân số thế giới sẽ sống ở các thành phố. Đến năm 2050, có 6,4 tỷ người sống ở các đô thị. Các khu vực phát triển nhất thế giới, châu Âu, Bắc Mỹ và châu Đại dương, hiện có nhiều người sống ở đô thị. Châu Phi và châu Á là những ngoại lệ khi dân số đô thị ít hơn nông thôn, nhưng lại là nơi có dân số đông nhất thế giới. Khi quá trình đô thị hóa mở rộng, dân số nông thôn được dự đoán sec bắt đầu giảm trong vòng một thập kỷ và sẽ giảm từ 3,4 tỷ người năm 2007 xuống 2,8 tỷ người năm 2050.

Để có đủ lương thực và nhiều nhu cầu khác cho số người ngày càng tăng, nhiều diện tích rừng đã bị phá hủy, diện tích đất bạc màu gia tăng do bị khai thác quá mức. Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO) và một số tổ chức khác vừa cho biết, hơn 20% diện tích đất canh tác, 30% diện tích rừng và 10% diện tích đồng cỏ đang bị xuống cấp, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống khoảng 1,5 tỷ người, tức là ¼ dân số toàn cầu.

Báo cáo nhấn mạnh, bất chấp cam kết của các nước tham gia Công ước chống sa mạc hóa của LHQ, diện tích đất thoái hóa trên toàn cầu vẫn tiếp tục tăng lên ngày càng nghiêm trọng hơn.

Trong khi đó, dầu lửa – nguồn nhiên liệu quan trọng của nhân loại đang cạn kiệt và giá dầu tăng phi mã do thiếu nguồn cung, đang đẩy hàng trăm triệu gnười trên thế giới vào cảnh nghèo đói.

Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), Strauss Kahn mới đây cảnh báo, tình trạng nghèo đói ở những nước nghèo, đặc biệt là các quốc gia châu Phi sẽ trầm trọng hơn do ảnh hưởng của cơn bão giá dầu và lương thực hiện nay.