ThienNhien.Net – Một nghiên cứu lớn nhất từ trước tới nay về cấu trúc gen của các loài chim đã làm thay đổi hệ thống phân loại khoa học hiện tại. Kết quả của nghiên cứu đồ sộ này đã được cống bố trên tạp chí nổi tiếng Science.
Nghiên cứu dựa trên sự phân tích cấu trúc gen của 169 loài chim được tiến hành trong 5 năm, đã cho ra một kết quả bất ngờ về mối quan hệ trong sơ đồ phả hệ của các loài chim. Kết quả nghiên cứu này có thể sẽ buộc các nhà khoa học phải thay đổi tên Latin của rất nhiêu loài chim khác nhau.
Sushma Reddy, một trong những tác giả chính của nghiên cứu, và là một nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Chicago cho biết: “Với nghiên cứu này, chúng ta thu được hai kết quả chính: Thứ nhất, các đặc điểm bề ngoài có thể đánh lừa các nhà phân loại. Thứ hai, nhiều sự phân loại và hiểu biết thông thường về các loài chim trong tiến hoá hiện nay không đúng, cần phải điều chỉnh lại”
Đồng tác giả Chris Witt đến từ trường Đại học New Mexico cho biết thêm: “Kết quả nghiên cứu đã tạo nên một sự tiến bộ vượt bậc giúp chúng ta có thể xác định chính xác mối quan hệ tiến hoá của các chi chính trong sơ đồ phả hệ của các loài chi. Nghiên cứu này sử dụng các chuỗi ADN để suy luận ra các sự kiện chính xảy ra trong hàng chục triệu năm tiến hoá của các loài chim”.
Một số kết quả rút ra từ nghiên cứu cho thấy, loài chim nhiều màu sắc và kiếm ăn ban ngày lại có nguồn gốc tiến hoá từ loài cú muỗi ăn đêm có màu xám đen; chim cắt không có quan hệ gần gũi gì với diều hâu hay đại bàng; hay các loài chim biển nhiệt đới không có quan hệ thân thuộc với bồ nông hay các loài chim nước khác.
Nghiên cứu này cũng bác bỏ thuyết cho rằng tất cả các loài chim hiện đại đều tiến hoá từ loài chim biển. Đồng thời, nó cũng chỉ ra rằng các loài chim đã có những biến đổi để thích nghi với sự thay đổi của môi trường.
Chim có một lịch sử tiến hoá phức tạp, biến động lớn sau một vụ phóng xạ xảy ra cách đây khoảng 65 đến 100 triệu năm. Kết quả là trong lịch sử tiến hoá của các loài chim có rất nhiều nhóm chim có những đặc điểm bên ngoài giống nhau (ví dụ: cú, vẹt và chim bồ câu) nhưng lại không có quan hệ thân thuộc trong tiến hoá mà đó chỉ là những đặc điểm do quá trình thích nghi với điều kiện sống tạo ra. Chính điều này đã làm cho các nhà phân loại rất khó có thể xác định một cách chính xác mối quan hệ giữa các loài trong cây tiến hoá.
Các nhà nghiên cứu cho biết những kết quả nghiên cứu mới này sẽ giúp họ rất nhiều trong việc giải thích và làm rõ lịch sử tiến hoá phức tạp của các loài chim.