Sông đau vì vàng

Những con tàu cuốc khổng lồ như những "lô cốt" sắt lù lù án ngữ gần 100 kilômét trên sông Cả và sông Hiếu. Tiếng máy nổ, tiếng dây chuyền lưỡi cuốc sắt kêu xào xạo cùng tiếng đá sỏi đổ xuống tạo nên âm thanh hỗn độn trong khói dầu sực mùi khét lẹt. Đó mới chỉ một góc náo loạn trên thượng nguồn hai dòng sông vốn rất êm đềm, nay đang bị phong toả bởi những giàn tàu đào vàng suốt ngày đêm.

Sông phơi xác

Từ năm 2000, khi tiếng “khúc sông vàng” trên thượng nguồn sông Cả (dọc quốc lộ 7A) và sông Hiếu (dọc tỉnh lộ 48) của tỉnh Nghệ An rộ lên thì những “chiến tàu” cuốc của một số đầu nậu trong và ngoài tỉnh tập kết, khai thác lẩn lút. Nhiều lá đơn kêu cứu của người dân vùng cao bảy huyện miền tây gửi khắp các cơ quan chức năng; nhiều tờ báo đã lên tiếng cảnh báo, nhưng những “chiến tàu” lậu vẫn không chịu lùi.

Ngược lên con suối Nậm Quàng thuộc xã Mường Noọc (huyện Quế Phong) đổ về sông Hiếu và hai nhánh sông Nậm Nơn, Nậm Mộ – bắt nguồn từ phía thượng Lào chảy qua huyện Kỳ Sơn đổ về sông Cả, tận mắt nhìn thấy sự tàn phá tanh bành khi những vòi rồng “bắn” nước xối xả vào hang hốc, khiến những bìa rừng xanh tốt nối nhau sạt đổ mang theo cây lá chặn đứng cả dòng sông.

Hỏi thì chính quyền địa phương huyện, xã nêu đủ lý do và “ra tay đẩy đuổi”. Nhưng đuổi khỏi đoạn sông này, các “chiến tàu” lại “xông trận” khúc sông khác, chẳng khác cảnh “đá ném ao bèo”.

Ngày 27/06, dưới bầu trời nóng khô dọc tuyến sông Cả thuộc địa phận các xã Tam Thái, Tam Đình, Thạch Giám (huyện Tương Dương), lại gặp các “lô cốt” sắt đang hối hả guồng đá sỏi từ lòng sông lên. Cách đây một tháng, có hàng trăm ngàn khối đá sỏi đổ xuống chất cồn, chất đống khiến những khúc sông dài nay biến thành con lạch nhỏ chảy men theo phía bờ lở.

Nay đang mùa mưa tiểu mãn phía thượng nguồn, nhưng nước sông vẫn không làm ngập nổi những “con đê” đá khổng lồ chắn ngang giữa sông. Đi ngược lên, tôi gặp khúc sông đâm vào taluy âm quốc lộ 7A – đoạn khu vực Khe Kiền (xã Lưu Kiền), bản Mon (xã Thạch Giám), Khe Xình (xóm Hoà Đông) thuộc thị trấn Mường Xén, huyện Tương Dương, khiến hành lang đường có nguy cơ bị sạt lở nghiêm trọng.

Rời thị trấn Mường Xén, đi thuyền ngược nhánh sông Nậm Nơn. Dọc 18 kilômét từ cầu Cửa Rào lên cầu Bản Vẽ (thuộc khu vực công trình thuỷ điện Bản Vẽ) hiện lên chi chít cồn đá sỏi đang chất cao lên mỗi giờ từ mười tàu đào vàng. Có tàu tiến sát chân cầu Bản Vẽ, đang nổ máy rầm rầm và “nhả” ra những cồn sỏi mới. Lòng sông trơ xác, biến thành những bãi đất đá tan hoang.

Đây là lý do khiến một số người dân ở bản Cửa Rào 1, Cửa Rào 2 (xã Xá Lượng) và bản Làng Mỏ (xã Tam Quang, huyện Tương Dương) lo sợ khi biết sắp tới, số tàu này mở rộng địa bàn khai thác xuống đây. Một người dân ở bản Cửa Rào 1 bức xúc: “Không biết mỗi năm ngân sách huyện, tỉnh thu được bao nhiêu tiền thuế từ những con tàu này? Sông thuộc địa phận các xã xác xơ, nước bị đổi dòng nên dân bản ở đây kiên quyết không cho tàu cuốc vào, mặc cho địa phương cứ ép”.

Rẽ vào bản Cây Gạo và bản Nông trang 12-9 thuộc xã Lạng Khê (huyện Con Cuông), lại nghe sự phẫn nộ tương tự của ông Phạm Hà (nguyên Trưởng ban Tổ chức Huyện uỷ Con Cuông) về tệ nạn tàu đào vàng. Ông nói: “Tàu đào vàng khiến sông lở cuốn theo cây cối, hoa màu của bà con nông dân. Ngày trước, khi chiều buông, người dân vùng cao chèo thuyền ra sông thả lưới, quăng chài kiếm con tôm, con cá cải thiện bữa ăn”.

Bây giờ mùa nắng sông cạn khô, mùa mưa nước đỏ đục lại pha lẫn hoá chất độc hại xianua, thuỷ ngân… Kiếm được gánh nước trong cũng hiếm, huống chi mong tìm được con tôm, con cá. Vậy nên, dù huyện cứ ép dân để cho tàu đào vàng khai thác, nhưng ba lần đại hội xã viên, dân bản đều kiên quyết không để tàu cuốc bén mảng. Một đêm, tàu cuốc bí mật ập đến đây liền bị dân làng phát hiện. Bà con cùng nhau kéo tàu lên bờ rồi chặt đứt dây cáp tàu. Thế là bọn họ xin xỏ, rồi kéo tàu xuống sông, nổ máy chuồn.

Nếu huyện, tỉnh cứ tiếp tục bắt ép dân bản thì toàn bộ chi bộ này sẽ xin ra khỏi Đảng”. Từ sự bức xúc này, hỏi ông Hoàng Đình Tuấn – Chủ tịch UBND huyện Con Cuông. Ông Tuấn cho biết: “Huyện đã báo cáo tình hình với tỉnh và đề nghị tỉnh không cho tàu đào vàng vào khu vực bản Cây Gạo và bản Nông trang 12-9”.

 
Những ngôi nhà ở xóm 2 xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn bị sông sạt lở tấn công.

Xóm sạt lở

Đến xóm 2 xã Đỉnh Sơn (huyện Anh Sơn), men theo đoạn quốc lộ 7A đang nằm bên bờ vực do khúc sông bị đổi dòng, xoáy sâu vào hành lang giao thông, đâm thẳng vào khu vực nhà dân. Sau số phận đoạn đường là hơn 60 hộ dân xóm 2 đang chuẩn bị di dời, trong đó 5 hộ dân bị sông lở tấn công tận gần sát móng nhà, phải di dời khẩn cấp.

Chị Trần Thị Xuân – một trong năm nạn nhân có nhà bị sông lở tấn công, đang ngồi buồn trong căn nhà cấp bốn mới dỡ xuống một nửa – kể: “Một năm sông “ăn” mất 10 mét. Nay mép sông sạt lở cách móng nhà chưa đầy 3 mét. Một vệt nứt cách nhà 2 mét ngày càng vỡ to ra. Đêm nằm nghe đất đổ ầm ầm xuống sông, lo không ngủ được. Đêm mưa to thì cả nhà đội nilông ra đứng bên đường để phòng bất trắc”.

Trong 5 hộ phải di dời khẩn cấp, chỉ còn lại nhà chị Xuân và ông Đỗ Hữu Quảng vì “nhà chỉ đủ ăn, nay huyện chỉ cấp 2 triệu, làm sao có thể dỡ nhà vận chuyển đi và dựng lại”.

Men theo dây thừng lần xuống từng bậc thang, nhờ thuyền người dân đi dọc tuyến sông đang xoáy nước vào bờ, thấy từng mảng đất đá đang đổ ùm ụp xuống. Ngước nhìn lên dãy nhà xóm hai của chị Xuân, ông Quảng mà kinh hãi, bởi thấy những chân tường, mái ngói đã sát kề mép sông đang lở.

Tàu lậu

Đầu năm 2008, có gần 100 tàu cuốc của Công ty TNHH Hữu Yến và Công ty khai khoáng xuất nhập khẩu Lạng Sơn được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép khai thác, tận thu vàng sa khoáng trên sông Cả, sông Hiếu.

Nhưng ngoài số tàu từng “tác oai, tác quái” gây ô nhiễm môi trường, làm xác xơ dòng sông thì ông Lương Thanh Hải – Chủ tịch UBND huyện Tương Dương – lại phê “đồng ý” vào lá đơn của UBND xã Tam Quang “xin khai thác vàng trên địa bàn xã để có kinh phí mua sắm nội thất của trụ sở uỷ ban xã”. Ngay sau đó, xã Tam Quang “bán” quyết định này cho Công ty TNHH Hữu Yến để công ty này điều thêm ba tàu lậu từ Hà Tây vào khai thác suốt ngày đêm – đoạn Khe Mú xuống sát chân cầu Khe Bố (giống như cảnh khai thác dưới chân cầu Bản Vẽ).

Trưa 14/06, khi tiếp cận chiếc tàu đang guồng đá ầm ĩ mặt sông dưới chân cầu Khe Bố, ông Nguyễn Cò (chủ tàu) tỏ vẻ bực bội, nhất là khi tôi tìm hiểu về giấy phép khai thác. Ông Cò ngồi xổm trên sàn tàu, nói nhát gừng:

– Bọn tôi đi làm thuê, ăn lương, chỉ biết nổ máy đào vàng, cơm ăn ba bữa, tiền công tuỳ theo sản phẩm. Giấy phép khai thác do sếp (ông Hữu Yến) giữ.

– Tàu đào gần sát chân cầu mới xây, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến móng những trụ cầu. Đá sỏi chắn ngang sông như một con đê đá khi chìm, khi nổi sẽ là cái “bẫy” đá rất nguy hiểm trên sông đối với thuyền bè ngược xuôi?

Ông Cò nheo mắt, tỉnh bơ:

– Chuyện đó sếp đã làm việc chu tất với huyện rồi. Bọn tôi từ Hà Tây được điều vào đây từ năm 2006. Nhiệm vụ ba con tàu này của bọn tôi là chỉ biết làm theo lệnh của sếp.

Rời ba con tàu lậu của ông Cò, sau chừng 20 phút đi thuyền cánh én về xuôi, gặp một khoảng sông thuộc địa phận lưu không giữa xã Tam Quang (huyện Tương Dương) với xã Lạng Khê (huyện Con Cuông). Đoạn sông này không được tỉnh cấp phép khai thác, nhưng vẫn xuất hiện tàu của Công ty TNHH Hữu Yến đào vàng suốt ngày đêm.

Quay về UBND huyện Tương Dương hỏi chuyện tàu lậu, ông Hoàng Đình Hợi – Phó Trưởng phòng Công Thương huyện Tương Dương – lý giải như chuyện đã rồi: “Không giấu giếm gì đâu, tàu này mới làm được vài ngày thì bị huyện đình chỉ ngay. Còn ba tàu ở dưới chân cầu Khe Bố làm được vài tháng cũng bị huyện đình chỉ rồi”.

Chắc ông Hợi không nghĩ rằng, trước khi vào uỷ ban huyện tìm hiểu lý do vì sao ông Chủ tịch huyện Tương Dương lại tự ý làm “phao” cho tàu khai thác lậu hoạt động, gây bao nỗi bức xúc trong lòng dân, chúng tôi đã bám sát các điểm “nóng” và ghi hình bốn con tàu lậu. Được biết, bốn tàu lậu này đã khai thác bừa bãi từ đầu năm 2006, nay vẫn còn tiếp tục.