Kỳ 2: Những tiếng kêu xé lòng lúc nửa đêm

Không chỉ bị đe dọa bởi vòi rồng, bão dữ… mà ngay cả những đợt triều cường bình thường của biển cả, khối người dân phải thập tử nhất sinh… Câu chuyện của người dân xóm Rạch Miễu, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau là vậy !

Kỳ 1: Cư dân ven biển và nỗi ám ảnh vòi rồng

Làm chính quyền đã khá nhiều năm, ông Tám Dũng, Bí thư chi bộ khóm 6, thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) khổ nhất là cái chuyện đi vớt đồ cho người dân. Ông nói: “Vớt thau, soong, thùng, gà, vịt, heo và cả con nít. Đó là công việc thường xuyên của chính quyền chúng tôi. Nhưng chúng tôi cực 1, chứ người dân khổ tới 10!”

Trôi cả con nít

Đó là chuyện có thật ở xóm Rạch Miễu, thuộc địa bàn khóm 6 thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau. Cái xóm dân cư nghèo trên 30 mái nhà lá xập xệ này nằm chơi vơi ngoài bìa rừng phòng hộ biển Tây, giáp biển. Cư dân nơi đây sống bằng nghề mò sò, bắt ốc và đánh lưới bắt cá tôm ở bãi biển.

“Cứ thấy bầu trời nổi mây đen là chúng tôi lo lắng cho bà con ngoài ấy! Vì đã quá nhiều lần họ bị trôi theo triều cường. Mà đâu dễ gì chúng tôi tiếp họ vớt đồ như những xóm dân cư bên trong đê. Vì khi triều cường nổi lên cộng thêm chút gió thì chúng tôi khó lòng mà ra được với bà con ngoài ấy” – ông Nguyễn Tuấn, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc nói.

Để ra đến Xóm Miễu chỉ có một con đường duy nhất là thuê đò bao. Từ cửa Sông Đốc, chạy dọc theo con đê Trung ương khoảng 500m mới tới đầu kinh Rạch Miễu. Men theo con Rạch Miễu, xuyên rừng phòng hộ 300m mới đến xóm Rạch Miễu. Xóm Rạch Miễu đối mặt với biển, suốt ngày tiếng sóng vỗ rì rầm.

Nghe hỏi đến chuyện bị trôi, bà con xúm nhau kể. Anh Út Voi, một cư dân nơi đây nói: “Bị trôi hoài, nhất là vào mùa mưa như thế này. Có khi đang ngủ nửa đêm, nghe dưới lưng ướt nhẹp, thức dậy thì thấy nước ngập lênh láng tứ bề. La lên để cả xóm thức dậy cùng đi vớt đồ đạc”.

Chị Lê Thị Nga, một cư dân của Xóm này nói tiếp: “Sau khi bị trôi 3 ngày, vào rừng phòng hộ thấy gà vịt chết sình nhóc nhách”. Anh Út Voi kể rằng, từ gần 10 năm về sống ở Xóm Miễu này, anh đã bị trôi không biết bao nhiêu gà vịt, soong, thau. Nhưng đó là chuyện bình thường, nếu đã chấp nhận sống nơi đây. Anh Út Voi chỉ tiếc con trăn nái gần chục ký lô của mình. Nó bị trôi hồi tháng 07/2006.

Chị Nga lại tiếp: “Ông trôi có con trăn, tôi mất cả đàn heo con gần 30 con còn chưa nói…”. Anh Nguyễn Bằng, Anh Tư Lịnh và mấy thanh niên trong xóm nghe chị Nga nói tới bận trôi đàn heo đều cười nghiêng ngả. Mọi người thúc chị Nga kể chuyện ngày hôm ấy.

 
Cảnh ngập nước ở một khu dân cư ven biển thuộc thị trấn Sông Đốc vào một buổi triều cường dâng cao.

Chiều đó, mưa thật to, gió mạnh. Nước biển dâng lên cuồn cuộn. Ai cũng hiểu là lại bị trôi nên người nào cũng phải tập trung bắt gà vịt treo lên trần nhà, niềng đồ vật lại để chống trôi. Giao cho thằng rể và đứa con gái lo việc niềng soong nồi, quần áo, mùng màn lại, còn chị Nga thì di dời đàn heo con mới đẻ.

Chị bưng từng thúng heo từ ổ đẻ lên cái giường ngủ của vợ chồng đứa con gái Út mới cưới nhau được vài ngày. Mới bưng được 4 thúng, 22 con thì ổ heo bị ngập, 6 con còn chưa kịp dời bị trôi theo nước. Chị kịp vớt thêm 3 con, 3 con còn lại bị chìm theo dòng nước đang chảy xiết. Chị vừa khóc, vừa mò. Bỗng nghe phía bên kia sông tiếng ai đó hoảng hốt la làng “Bà Nga ơi, hai đứa cháu nội của bà trôi rồi”.

Chị Nga bỏ mấy con heo chạy ra sân. Hai đứa cháu nội, con của thằng con trai lớn đang trôi phăng theo dòng nước, lóp ngóp. “May mà chúng nó trôi đúng vào cái vách nhà đứa con gái út của tôi nên mới kịp cứu. Bằng không thì tiêu đời tụi nó rồi!”. Chị ngoắt hai đứa cháu nội đang đứng nhìn khách lạ ở gốc nhà lại, vò đầu nói tiếp: “Là hai đứa này nè. Con này là Lê Thị Trúc Linh, lúc đó nó 4 tuổi. Còn thằng này là Lê Tấn Lợi, năm đó nó 3 tuổi. Mạng chúng nó thật lớn!”

Những tiếng kêu xé lòng lúc nửa đêm

 
Xóm Rạch Miễu.

Xóm Rạch Miễu được hình thành ngót 20 năm, nhưng ít nhất mọi người đã phải 3 lần nghe tiếng kêu trời rùng rợn lúc nửa đêm. Bà con nhớ rõ từng tiếng kêu ấy. Một là của Út Voi, hai là của Trần Văn Lịnh và tiếng kêu thứ 3 là của ông Trần Văn Ngọc, đều kêu lúc nửa đêm.

Nghe hỏi tới câu chuyện kêu trời, anh Trần Văn Ngọc lưng tròng mắt. Anh lặng thinh rất lâu mới gạt nước mắt kể câu chuyện đau buồn ấy.

Trong một cơn bão năm 1997, con gái đầu lòng của anh – Trần Thị Lũng, 4 tuổi – bị nóng sốt, ho khò khè. Tưởng con bệnh cảm xoàng, nên anh chỉ cạo gió, xức dầu, đợi mai hết bão sẽ đi khám bác sỹ ngoài thị trấn Sông Đốc.

Đến chiều, lúc gió to, sóng nhồi dữ dội, nước ngập tứ bề, không còn có thể đi đâu được thì cơn sốt của con gái tăng cao. Và nó đã chết lúc 12 giờ đêm, trên cái giường ngủ còn ướt sũng do sóng biển vùi dập. Và tiếng kêu trời của anh đã xé cả tiếng sóng vỗ ì ầm, vang rền khắp xóm.

Đến Út Voi kể: “Tôi thì kêu trời vì tức giận. Hôm đó, khoảng 2 giờ đêm, tôi với vợ tôi chở hai khạp ba khía muối (ba khiá – một loại cua đồng) đi qua thị trấn Sông Đốc bán. Nước dưới kinh Rạch Miễu cạn quá, không đặt chân vịt được, nên phải nhảy xuống kinh đẩy xuồng đi. Đẩy một chút quá mệt, lại nghĩ đến việc nếu không đem cho kịp để bán cho người đặt hàng, ngày mai không có gạo cho con ăn. Rồi lại nghĩ sao mình cực quá… càng nghĩ càng thấy đời mình khốn nạn nên tôi la trời cho bớt khổ”.

 
Người dân Xóm Miễu nuôi gà trong hồi hộp, vì chỉ sau một trận giông gió thì gà có thể bị trôi vào rừng rũ xác.

Còn anh Trần Văn Lịnh vì sau cũng kêu trời? Anh Lịnh gãi đầu, cười bẽn lẽn trước khi bắt đầu kể chuyện: “Đó là cái lần thằng con anh – Trần Văn Thích, khi ấy 8 tuổi – bị té trúng bộ phận sinh dục, bí đái. Nhà nghèo, anh không đủ tiền đưa con đi bệnh viện, chỉ nghe theo lời những người lớn tìm cây thuốc nam nấu cho nó uống, hy vọng may thầy phước chủ. Đến khoảng nửa đêm, khi nước ròng sát đáy Rạch Miễu, thằng con trai anh không còn chịu nổi, ôm bụng lăn nhào.

Anh Lịnh xót xa, bồng con xuống xuồng máy đuôi tôm để đưa đi bệnh viện. Đi được một đoạn thì mắc cạn, anh nhảy nguyên người xuống kinh định đẩy xuồng đi thì bị lún sình đến ngang ngực, không tài nào xoay trở được nữa. Trên xuồng, con trai anh càng rên la. Lòng người cha cháy bỏng. Rồi anh khóc thét lên như một đứa trẻ và kêu trời vang động cánh rừng phòng hộ. Khi anh tuyệt vọng gục đầu vào be xuồng thì không còn nghe con trai mình rên nữa. Anh ngỡ nó chết, không dám ngẩng đầu lên xem. Cũng may thằng bé lúc đó lại tự “đi” được để thoát khỏi cái chết.

Trong khi đó, ông Tám Dũng, Bí thư chi bộ khóm 6 thị trấn Sông Đốc cho biết, ngoài Xóm Rạch Miễu còn có xóm nhà sàn Hồng Phát, nằm thoi loi ngoài cửa biển Sông Đốc và hai xóm dân cư ở hai bờ cửa biển Sông Đốc tiếp giáp với đê biển Tây – đều ba chìm bảy nổi mỗi khi có những cơn thủy triều dâng cao.

Chính quyền hết sức cực khổ đi lượm đồ cho dân. “Nhưng vận động bà con vào đất liền không được. Bà con nói vào đất liền không có chỗ ở, không có kế mưu sinh. Chúng tôi cũng đành bó tay” – ông Tám Dũng nói.