Hội nhập thương mại quốc tế bằng sản phẩm sinh thái

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Năng suất Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo Lường Chất lượng) cho rằng: “Các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm đến sản phẩm sinh thái, bởi với sự hình thành và phát triển của nền kinh tế thị trường cùng với áp lực khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới đòi hỏi các nhà sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam cần có nhận thức cao hơn về chất lượng hàng hóa, nâng cao năng suất kết hợp với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường”.

Cùng với sự cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, các yếu tố môi trường đang có nguy cơ bị lợi dụng để làm các rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế. Nhiều quốc gia đã và đang triển khai chương trình sử dụng các sản phẩm sinh thái (SPST), và việc cam kết thực hiện chương trình này đang dần trở thành xu hướng của các nước trên thế giới.

Đồng thời, nhu cầu của thị trường trong nước cũng chuyển dần từ cung cấp đủ hàng hóa sang những yêu cầu cao hơn về chất lượng. Chính vì vậy, việc nâng cao hiểu biết về các SPST là vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp Việt Nam, bởi nó sẽ giúp cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu nắm bắt được các thách thức về thương mại tại các thị trường nhập khẩu để có chiến lược kinh doanh thích hợp, khắc phục được các khó khăn tiềm tàng xảy ra trong tương lai có liên quan đến vấn đề môi trường.

Ngoài ra, việc xoá bỏ các hàng rào thuế quan, tự do hoá thương mại làm cho các doanh nghiệp muốn tồn tại, phát triển phải chú trọng đến các yếu tố môi trường. Mặc dù SPST không mang tính chất bắt buộc nhưng lại hướng đến mục tiêu rộng lớn, đó là thông qua nó sẽ làm biến đổi hành vi của toàn xã hội theo hướng thân thiện với môi trường.

Thực tế cho thấy, quá trình hội nhập đã, đang và sẽ dần loại bỏ các hàng rào thuế quan, như thế các nước nhập khẩu hàng Việt Nam đã, đang và sẽ đưa ra hàng rào môi trường để khống chế hàng nhập khẩu. Ví dụ, đối với ngành dệt may nước ta, để xuất khẩu sang EU được 700 triệu USD /năm đã phải rất vất vả vượt qua rào cản “nhãn sinh thái”.

Theo đó, sợi, vải và quần áo thành phẩm xuất khẩu không được phép chứa những loại hoá chất (sử dụng trong công nghệ nhuộm sợi) mà EU cấm. Hay trong việc thực hiện Công ước CITES (Công ước về buôn bán quốc tế những loài động, thực vật có nguy cơ bị đe doạ) mà Việt Nam tham gia, ngành thuỷ sản không được khai thác những loài nằm trong Sách đỏ nếu muốn thâm nhập thị trường EU và Mỹ.