Thành tựu nổi bật trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp khơi dậy những tiềm năng to lớn, tạo nên sự đổi thay sâu sắc ở đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL). Là vựa lúa lớn nhất của cả nước, vùng ÐBSCL góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh lương thực và xuất khẩu.
Bước vào thời kỳ mới, vấn đề đặt ra là làm thế nào để phát triển kinh tế nông nghiệp ổn định và hiệu quả, cải thiện đời sống của nông dân trong vùng, xây dựng nông thôn mới trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa?
Ấn tượng mạnh mẽ khi đến đồng bằng sông Cửu Long là sự trù phú. Những cánh đồng trải rộng xa tít tắp. Dọc theo các con lộ và những dòng kênh, vườn cây trái quanh năm xanh mướt. Ðất mầu nâu sẫm và mát vị phù sa. Ðể có cảnh sắc ấy không chỉ nhờ vào sự ưu đãi hào phóng của thiên nhiên mà do công sức của nhiều thế hệ, bằng khát vọng và ý chí, mồ hôi và cả máu để khai phá, cải tạo vùng đất hoang trở nên màu mỡ, lập ấp dựng nên làng quê ấm áp.
Cũng phải khẳng định sự quan tâm đầu tư của Ðảng và Nhà nước đối với khu vực này. Ðó là các công trình thủy lợi lớn giúp thau chua rửa mặn, biến những cánh đồng hoang trở thành đất lúa thuần thục mỗi năm ba vụ. Hệ thống điện, đường, trường, trạm, trong đó đáng chú ý nhất là giao thông nông thôn, xe hơi đã đến được cả những vùng sâu nơi rốn lũ.
Nhờ vậy đã góp phần đổi thay diện mạo nông thôn miền Tây Nam Bộ, tác động tích cực vào việc phát triển kinh tế hàng hóa trong khu vực.
Vĩnh Long là điển hình tỉnh thuần nông ở đồng bằng sông Cửu Long, trong những năm qua mức tăng trưởng GDP bình quân 11,86%/năm, riêng sáu tháng đầu năm 2008, mức tăng trưởng ước đạt 13,95%. Giá trị sản phẩm trồng trọt, nuôi trồng thủy sản bình quân đạt 62,31 triệu đồng/ha/năm.
Thành phố Cần Thơ là trung tâm kinh tế của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn, với 90.500 ha đất trồng lúa, sản lượng lương thực năm 2007 đạt hơn 1,1 triệu tấn, bình quân 983 kg/người.
Về huyện Tân Thạnh, một huyện vùng sâu của tỉnh Long An, chứng kiến thành quả của công cuộc khai phá Ðồng Tháp Mười đưa đến sự đổi thay mạnh mẽ của một vùng quê cách mạng. Bí thư Huyện ủy Huỳnh Văn Thừng cho biết: “Ðây là vùng căn cứ trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, giao thông cách trở, nhà ở và ruộng vườn bị ngập lũ hàng năm, chỉ gieo trồng một vụ lúa cũng bấp bênh, năng suất thấp”.
Công cuộc khai phá Ðồng Tháp Mười, với sự đầu tư của Nhà nước và đóng góp của nhân dân, hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, trong đó có 70 km kênh cấp một gồm các kênh Dương Văn Dương, kênh Năm Ngàn, Bảy Chín, kênh Mười Hai, hệ thống kênh cấp hai dài 102 km và hệ thống kênh cấp ba tổng chiều dài 120km làm hồi sinh và đổi thay cuộc sống của người dân vùng lũ. Nông dân trong huyện đã sản xuất mỗi năm ba vụ lúa.
Sản lượng lương thực năm 2007 đạt 242 nghìn tấn, bình quân lương thực đầu người đạt tới 2.920 kg. Anh Trương Văn Vinh, Chủ nhiệm HTX Hậu Thạnh Ðông dẫn chúng tôi đi thăm ruộng lúa. Anh cho biết, HTX có 340 ha đất trồng lúa, bình quân mỗi hộ có hai ha, năng suất ba vụ lúa đạt từ 15 đến 18 tấn/ha. Ðiều đó cho thấy cuộc sống ổn định, no đủ của người dân.
Cơ sở hạ tầng nông thôn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long những năm gần đây được quan tâm đầu tư không chỉ tạo thuận lợi cho giao lưu hàng hóa, nâng cao trình độ dân trí mà còn làm thay đổi cả quan niệm về cách sống ăn ở tạm bợ vốn có từ lâu nay. Ở các vùng nông thôn tỉnh Vĩnh Long đã có gần 145 nghìn ngôi nhà ở kiên cố, chiếm 60,9%, nhà gỗ chắc chắn chiếm 9,7%, chỉ còn gần 69 nghìn nhà lá, chiếm 29,3%. Ðiện lưới quốc gia đã phủ khắp 107 xã, phường trong tỉnh, tỷ lệ hộ dùng điện đạt 98%.
Vùng ngoại thành thành phố Cần Thơ có 96,26% số hộ được dùng điện, 78% số hộ dùng nước sạch, 94,29% số xã có trạm y tế và 100% số xã có trường tiểu học, nhà mẫu giáo, điểm bưu điện-văn hóa xã. Từ năm 2001 đến năm 2007, tỉnh Bạc Liêu đầu tư hơn 815 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 184 tỷ đồng để xây dựng 3.143 công trình giao thông nông thôn, gồm 1.109 công trình đường trải nhựa và bê-tông, xây 4.205 cây cầu.
Cần nói thêm rằng, đồng bằng sông Cửu Long vốn nền đất yếu, vật liệu xây dựng từ nhựa đường, xi-măng, cát, sỏi đều phải chở từ nơi khác đến, xây dựng các công trình giao thông, nhà ở đều tốn kém, khó khăn hơn, vì vậy những kết quả đạt được thể hiện sự nỗ lực lớn của Ðảng, Nhà nước và nhân dân.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, hệ thống hạ tầng nông thôn miền Tây Nam Bộ, mặc dầu có sự cải thiện đáng kể, nhưng vẫn còn yếu kém, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế hàng hóa và dân sinh. Cho đến thời điểm này, nhiều xã ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa có đường ô-tô về trung tâm xã. Tỉnh Bạc Liêu trong tổng số 47 xã, mới có 29 xã có đường ô-tô về đến trung tâm.
Tỉnh Vĩnh Long vẫn còn 13 xã chưa có đường ô-tô, tỉnh Long An còn 22 xã. Khi giao thông chưa thuận thì việc giao thương hàng hóa, tiêu thụ nông sản còn khó, nói gì đến việc thu hút đầu tư. Hệ thống thủy lợi mới chủ yếu là nền đất, chưa được kiên cố hóa, nhiều nơi đang xuống cấp, từ khi thực hiện chính sách không thu thủy lợi phí, một số địa phương không tìm đâu ra nguồn kinh phí để tu bổ, nạo vét kênh mương.
Hệ thống thủy nông nội đồng tỉnh Bạc Liêu mới chỉ đáp ứng khoảng 80% đối với vùng ngọt ổn định, 50% đối với vùng nuôi trồng thủy sản, việc lấy nước và tiêu thoát nước mới chỉ phục vụ sản xuất nông nghiệp theo kiểu truyền thống, chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất thâm canh, sản xuất hàng hóa. Với điều kiện như vậy cộng với những biến động của thị trường, giá nông sản lên xuống thất thường, giá vật tư nông nghiệp tăng, làm cho sản xuất nông nghiệp nhất là trồng lúa không có lãi.
Gần đây, giá lương thực tăng nhưng nông dân không được hưởng lợi đáng kể. Chúng tôi đã gặp ông Dương Văn Châu, ở ấp Cây Dương, xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, một nông dân làm ăn giỏi, người đã ba lần được các tổ chức quốc tế mời đến Malaysia, Thái-lan, Italia để trao đổi kinh nghiệm về công tác chọn lọc, khảo nghiệm giống lúa. Ông Châu đưa ra cách tính: Vụ đông xuân vừa rồi, làm ruộng có thể còn lời được 40%; vụ hè thu này giảm so với trước.
Cụ thể là lúa vụ đông xuân bán được 2.600 – 3.000 đồng/kg; phân DAP 520.000 đồng/bao, ka-li đỏ 420.000 đồng/bao, dầu 7.800 đồng/lít…, trừ chi phí còn lời từ 500.000 đến 700.000 đồng/công. Vụ hè thu này lúa bán được 4.700 – 5.000 đồng/kg, tăng khoảng 2.000 đồng/kg nhưng giá vật tư nông nghiệp cũng tăng. Phân DAP lên đến 1.300.000 đồng/bao, ka-li đỏ 700.000 đồng/bao, dầu 13.800 đồng/lít, thuốc bảo vệ thực vật tăng bình quân 30%…, trừ chi phí lợi nhuận chẳng còn là bao.
Trong câu chuyện với Bí thư Ðảng ủy xã Phước Hưng, huyện Trà Cú Thạch Nang, nơi có điều kiện sản xuất nông nghiệp tốt nhất huyện, có hơn 57% là đồng bào dân tộc Khmer, chúng tôi biết giá lúa tăng, nhưng nông dân không thật vui. Bí thư Thạch Nang nói: Nông dân bây giờ không có mấy người còn giữ lúa. Năm rồi tổng sản lượng lương thực của xã tính bình quân đầu người đạt 1.554 kg/năm, trừ tất cả các chi phí thì chẳng còn bao nhiêu, mà mọi thứ đều phải trông chờ vào cây lúa. Bây giờ, bán lúa non không còn phổ biến, nhưng tình trạng vay lúa để ăn trước khi lúa chín thì còn nhiều.
Thực tế ở nông thôn đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao. Trong đó phần đông là nông dân ở các vùng sâu, vùng xa, thiếu đất sản xuất và đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh Sóc Trăng đến nay, tỷ lệ hộ nghèo còn 20,66%; riêng tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer là 32,14%. Hiện toàn tỉnh còn 16.916 hộ Khmer không có đất, 9.190 hộ thiếu đất sản xuất. Mặc dù tỉnh rất quan tâm các đối tượng nghèo, nhưng do địa phương không có quỹ đất nên mới chỉ giải quyết cấp đất cho 335 hộ, mỗi hộ 3.000m2.
Ðối với những hộ chưa được cấp đất, thiếu đất sản xuất thì thông qua các chương trình, dự án xóa đói, giảm nghèo ngân hàng hỗ trợ vốn vay để chăn nuôi bò, trồng nấm rơm, buôn bán nhỏ… Tuy nhiên, phần lớn những hộ nghèo sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, cho nên ý chí vươn lên cũng như trình độ tiếp thu và áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều mặt hạn chế, sử dụng vốn kém hiệu quả, từ đó tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Ông Lý Suôl ở xã Tuân Tức, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) than thở: “Ðất trồng lúa của gia đình chỉ có 1 ha trong khi nhà có tới mười miệng ăn”. Ông Suôl cho biết, trước đây làm lúa còn có lời, bây giờ giá vật tư nông nghiệp cái gì cũng tăng khiến người nông dân đã nghèo lại khó khăn hơn. Chẳng hạn với 1 ha đất canh tác của gia đình ông mỗi năm làm hai vụ lúa (thu đông và hè thu), nếu trúng mùa năng suất đạt 5 tấn/vụ/ha, sản lượng cả năm đạt 10 tấn.
Gia đình ông phải bỏ ra gần 20 triệu đồng chi phí công cày xới, mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu, công chăm sóc, công gặt, vận chuyển… Nếu không có tiền trả trước cho đại lý thì phải chịu lãi suất 3%. Giá lúa tại thời điểm này là 4.000 đồng/kg thì tổng thu nhập được 40 triệu đồng, trừ tất cả chi phí đầu tư, lãi suất, còn lại 14 triệu đồng, chưa kể công lao động của mười thành viên trong gia đình.
Như vậy, bình quân mỗi người trong gia đình thu nhập được 1,4 triệu đồng/năm. Tính ra mỗi tháng chỉ có hơn 100 nghìn đồng/người. Với mức thu nhập này, chỉ tính tiền mua gạo còn không đủ, chưa nói tới các khoản chi tiêu khác như mắm muối, thức ăn, tiền cho con đi học, thuốc trị bệnh… trong gia đình. Vì vậy, người nông dân cứ luôn trong vòng lẩn quẩn, khó thoát cảnh nghèo.
Có tỉnh có điều kiện sản xuất nông nghiệp tốt hơn nhưng thu nhập của nông dân vẫn ở mức thấp. Tỉnh Bạc Liêu có 80,35% số hộ ở nông thôn làm nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người năm 2005 đạt 4,3 triệu đồng/năm, năm 2007 tăng lên 7,2 triệu đồng/năm, nhưng đang có sự phân hóa mạnh.
Toàn tỉnh có 614 hộ sử dụng diện tích đất canh tác từ 5 đến 9 ha; 40 hộ có diện tích đất sản xuất từ 10 ha trở lên trong khi đó nhiều hộ không có đất phải đi làm thuê, làm mướn. Sự chênh lệch về thu nhập giữa nhóm có thu nhập cao và nhóm có thu nhập thấp nhất ở nông thôn, năm 2005 là 5,1 lần, năm 2006 là 6,8 lần, năm 2007 tăng lên 7,1 lần.
Là vựa lúa lớn nhất của cả nước, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long giữ vai trò quan trọng về an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu gạo, nhưng là thuần nông khó tính chuyện làm giàu. Biết rằng “Phi nông bất ổn” nhưng không vì thế mà để nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long sống trong cảnh trù phú nhưng lam lũ, nhọc nhằn.