Từ ngã ba Khe Ve nổi tiếng trong chiến tranh, nơi đường Hồ Chí Minh cắt đường 12A, hướng ra phía Bắc chừng 15km, bắt gặp một bản nhỏ phía phải đường. Đó là bản Chuối, một trong bốn bản định cư của người Mã Liềng ở vùng này.
Kỳ 1: Nguy cơ quay lại hang đá
Kỳ 2: Gập ghềnh đường đến với cộng đồng
Kỳ 3: Chim đại bàng đã có tổ
Rụng rơi giữa rừng thẳm
Khi phát hiện ra tộc người Mã Liềng thì các nhà quản lý cũng như các nhà nghiên cứu chưa biết cũng như chưa quan tâm nhiều lắm đến tộc người này. Không như người Rục, người A Rem sống quần tụ trên một địa bàn, người Mã Liềng sống trên vùng đất Quảng Bình rải rác trên cả 2 huyện Minh Hóa và Tuyên Hóa.
Vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, người ta phát hiện ra tộc người này khi họ đã suy kiệt và dân số của cả tộc người đang giảm dần trong những cánh rừng già. Trưởng bản Cao Châu ngày đó nói về tộc người mình qua lời truyền miệng của các già làng rằng, người Mã Liềng trước đây nhiều như lá rừng.
Họ thường chọn chỗ có địa thế cao hơn các tộc người khác để làm nơi sinh sống. Có thể thế chăng, nên tộc người này lấy tên Mã Liềng làm tục danh cho tộc người mình. Tiếng Mã Liềng (Mơ Leng) có nghĩa là con chim đại bàng. Loài chim thường chọn đỉnh cao nhất trên núi đá để làm tổ?
Khi những cán bộ của Ban Định canh định cư vào tận những bản hun hút xa trong những cánh rừng nguyên sinh tìm người Mã Liềng thì toàn bộ tộc người này chỉ còn 486 nhân khẩu. Họ vàng bủng và mướt xanh lê bước cùng cán bộ Ban Dân tộc – Miền núi rời những nơi du canh, du cư mà muốn đi được đến đó phải 2 ngày bền bỉ cắt rừng lội suối.
Những nơi mà người Mã Liềng chọn để ở như bản Mã Đao, bản Bịn, bản Quạt… người dưới xuôi đã từng lên đến đó chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Và họ đều là những người “săn” trầm dó chuyên nghiệp…
Khác với tộc người A Rem và Rục, người Mã Liềng không ở hang, nhưng họ cứ thế, theo quán tính, như chim chuyền cành, cứ bị hút mãi vào mê hồn trận rừng xanh. Họ dựng nhà tạm để sống, đốt rừng làm rẫy gieo trồng ngô, lúa, sắn, kê…vài ba vụ. Đến khi đất đã bạc màu, cây không còn lên được nữa là họ bỏ bản đi tìm vùng đất mới tươi tốt hơn. Bao đời nay người Mã Liềng duy trì thói quen du canh du cư như thế…
Ngày đầu vận động và đưa họ từ Mã Đao, Bịn, Quạt trở về chọn điểm định cư cạnh đường 15 lịch sử, các nhà hoạch định mong muốn rằng, sự thuận lợi về giao thông phần nào giúp cho người Mã Liềng cũng như cộng đồng đến gần được với nhau hơn.
Nhưng với người Mã Liềng lúc đó thì không nghĩ vậy. Họ nhớ lắm những cánh rừng già, mà ở đó những thứ họ cần, thiên nhiên đã quá ưu đãi cho họ. Vì thế, cả một thời gian dài ra định cư, bản mới thường vắng hoe vì người dân suốt ngày lang thang vào rừng, chỉ đêm đến họ tìm về bản để tá túc.
Những người làm công tác dân tộc đã kiên trì bám bản “3 cùng” với dân. Bền bỉ như thế hàng năm trời cho đến hôm nay, những cán bộ tâm huyết với tộc người này mới có thể yên tâm để khẳng định lối đi cho người Mã Liềng là đúng hướng.
Chim đại bàng đã có tổ
Chúng tôi ghé vào ngôi nhà to và vững chãi ngay đầu bản. Đây là nhà của bà Hồ Thị Lượng. Bà Lượng đi vắng. Đứa con trai tên là Hồ Văn Tiến, một thanh niên 20 tuổi khỏe mạnh, vạm vỡ và săn chắc như một phách gỗ lim, đang ngồi mở dàn âm thanh khá “xịn” nghe nhạc.
Tiến mời chúng tôi vào nhà. Có lẽ đây là ngôi nhà sàn to và đẹp nhất mà tôi chưa từng thấy khi đến Rục và A Rem. Nhà sạch sẽ tinh tươm. Một góc nhà chất đầy lương thực, dù lúc này đây người Mã Liềng đang vào thời kỳ giáp hạt. Tiến khoe: “25 hộ ở bản Chuối của em không có nhà nào thiếu ăn cả.
Nhóm thanh niên bọn em vào rừng khai thác các sản vật phụ như lá nón và mây song bán cho thương lái, được bao nhiêu mua lương thực dự trữ hết. Mỗi chuyến chúng em vào rừng khoảng 1 tuần. Mỗi người khai thác chừng 1-2 tạ mây song. Mỗi cân mây 3 ngàn. Thế là đủ mua cái ăn cầm cự chờ mùa…”.
Chỉ tay vào dàn âm thanh, Tiến bảo: “Tụi em góp tiền mua dàn âm thanh này gần 4 triệu đồng. Nghe chung cả bản cũng đỡ buồn…”. Đứa em của Tiến là Hồ Thị Thiện vừa đi học về bước chân lên bậc nhà sàn, được dịp để cho Tiến khoe: “Nó học lớp 8 ngay trường trong xã. Em thất học lỡ rồi, giờ lo làm để nuôi nó học sao cho vào được đại học. Nó là đứa học cao nhất của bản Chuối này đó…”.
Bản Chuối có 25 hộ dân người Mã Liềng. Dự án 135, 134 đã tập trung đầu tư nơi đây thành một bản kiểu mẫu. Người dân bản Chuối đã có nước từ một công trình thủy lợi và đã có thâm niên làm được lúa nước hơn chục năm nay. Những ngôi nhà sàn vững chãi nằm chênh chếch chân đồi của người Mã Liềng bản Chuối đẹp như một bức tranh. Người dân nơi đây đã có một bước dài trên con đường hòa nhập với cộng đồng.
Rời bản Chuối, chúng tôi vào bản Cà Xen. Đây được coi là bản đầu tiên làm mô hình định cư cho người Mã Liềng. Bao nhiêu công sức của những cán bộ dân tộc đã tâm huyết đổ vào đây thực không hề uổng phí. 35 hộ quần tụ giữa một thung lũng bằng phẳng.
Những ngôi nhà sàn nép mình dưới những tán lá mướt xanh. Sức sống đang bời bời hồi sinh nơi mảnh đất mà chỉ mấy năm trước thôi, người giàu trí tưởng tượng cũng khó hình dung được. Ông Cao Viên, Trưởng bản Cà Xen cười rạng rỡ đón khách từ ngoài ngõ.
Một ngôi nhà sàn vững chãi được bố trí một diện tích lớn dùng cho việc cất giữ lương thực. Lúa và ngô đầy lên tận nóc nhà. Đưa tay chỉ 2 ngôi nhà khang trang “hàng xóm”, ông Cao Viên bảo đó là nhà của 2 đứa con lớn của ông ra ở riêng. Ông bảo, để làm được 2 ngôi nhà này ông phải hỗ trợ các con bằng cách bán bớt đi 4 tấn thóc.
Người Mã Liềng như ông Cao Viên đây dù đang là mùa giáp hạt nhưng đã thừa của ăn của để. Họ đang nghĩ đến chuyện làm giàu. Nhiều hộ đã vay vốn đầu tư vào chăn nuôi gia súc và đào ao thả cá.
Chỉ tay ra 2 hồ cá rộng, ông Cao Viên khoe: Cả bản Cà Xen bây giờ có 4 chiếc xe máy, thì nhờ 2 hồ cá này gia đình tôi đã có 3 chiếc rồi… Cứ thế ông Cao Viên say sưa bày tỏ những dự định của mình sao cho bản Cà Xen trở thành bản điển hình của nhiều hộ người Mã Liềng sản xuất và kinh doanh giỏi.
Ông đang dự định cùng với người dân trong bản đắp một con đập nhỏ trữ nước để mở rộng diện tích lúa nước và phục vụ cho trồng trọt và chăn nuôi. Vợ của Cao Viên là bà Hồ Thị Liệu, đang là Chủ tịch Hội Phụ nữ của thôn, nghe chồng nói về dự định làm giàu cũng góp chuyện: Phụ nữ Mã Liềng bây chừ cũng chăm làm lắm. Nhưng họ đang khát vốn. Có vốn, ít thôi, thì họ cũng có thể nuôi lợn, nuôi gia cầm làm hàng hóa được…
Có lẽ khi đến Cà Xen, ấn tượng lớn nhất là thảm rừng ngút xanh bao bọc quanh bản. Ông Cao Viên quản bản chặt chẽ đến mức không có một thanh niên nào dám tự tiện vào rừng đốn cây phát rẫy. Ông Cao Viên giải thích cho dân bản rằng, rùng trọc thì kiệt nước, mà kiệt nước thì người chết, trâu bò chết, cây trồng chết.
Đưa ra một con số thống kê tài sản của bản, ông Cao Viên đầy tự hào: “Bản có đến 12 chiếc ti vi, radio thì nhà nào cũng có, 21 con trâu kéo giúp việc cày bừa… Tới đây bản sẽ mua một vài máy cày, máy kéo nhỏ nữa…”.
Đến 2 bản định cư còn lại của người Mã Liềng là bản Kè và bản Cáo mới thấy sức sống mãnh liệt của những con chim Đại Bàng-Mơ Leng. Ở đó đang bừng lên màu xanh của sự hồi sinh và sức sống.
Ông Đặng Văn Đệ, Trưởng ban Dân tộc của tỉnh nhận xét rằng, cùng hưởng lợi từ dự án “Bảo tồn và phát triển 3 tộc người có nguy cơ bị biến mất” so với Rục và A Rem thì người Mã Liềng có những bước chuyển mình hòa nhập mạnh mẽ hơn cả.
Họ đã tự thân giải quyết vấn đề của tộc người mình. Những mô hình, dự án đưa vào áp dụng ở đây đều mang lại hiệu quả cao. Người Mã Liềng đã tiếp thu rất nhanh cái mới. Chính điều đó đã hạn chế được những ảnh hưởng của những hủ tục lạc hậu.
Nhớ ngày đầu tiên người Mã Liềng ra bản Cà Xen, ông Cao Châu được phân công làm Trưởng bản lúc đó cứ nằng nặc đòi dự án làm cho mình một ngôi nhà trệt, gần đường như người Kinh. Hỏi vì sao, thì ông Châu chỉ bảo, để tao xem sống nhà trệt có sướng hơn nhà sàn không để còn tuyên truyền giáo dục dân bản học theo, làm theo.
Chúng tôi dừng cuộc hành trình sau hơn 10 năm trở lại với 3 tộc người có nguy cơ bị biến mất khi hòang hôn vùng rừng đang đỏ ối phía sau lưng. Cái cảm giác Cà Xen đã phần nào làm dịu lại tâm trạng bần thần, thấp thỏm không yên khi rời A Rem và Rục.
Vẫn còn đó những thử thách và gian khó cho 3 tộc người này trên đường hòa nhập với cộng đồng. Nhưng dù sao đã có một bài học Mã Liềng ở Cà Xen, bản Chuối…