Là quận nội thành, nhưng gần 50% dân số quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) chưa được sử dụng nước máy. Điều đáng báo động hơn là, hàng ngàn hộ dân vẫn đang từng ngày sử dụng nguồn nước giếng khoan gần khu vực các nghĩa trang. Vấn đề này đã tồn tại hơn 10 năm nay, trong khi người dân liên tục kêu cứu thì chính quyền địa phương cũng không thể làm gì hơn, khi mà đơn vị cấp nước vẫn chưa có động thái tích cực nào, vì nguồn vốn đầu tư đang gặp nhiều khó khăn.
Chưa có nước máy nên mạnh ai nấy khoan và cũng chưa có bất cứ một khuyến cáo của các ngành chức năng về chất lượng nguồn nước. Theo cán bộ y tế dự phòng quận Tân Phú, để an toàn cho sức khoẻ, bà con phải mang mẫu nước đến Viện Pasteur xét nghiệm. Và nguồn nước chỉ có chất lượng khi các giếng khoan ở độ sâu trên 100m, nhưng rất hiếm có hộ dân nào khoan ở độ sâu này.
Đáng báo động hơn cả là nhiều phường xung quanh nghĩa trang Bình Hưng Hoà như Tân Quý, Sơn Kỳ, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước máy chỉ dao động khoảng 20%. Khảo sát ở một vài khu vực cho thấy, kết quả thí nghiệm sinh hóa mẫu nước từ các giếng khoan cho thấy, các chỉ số nhiễm bẩn từ chất hữu cơ mai táng thẩm thấu qua đất là rất cao.
Bác sĩ Nguyễn Thái Hiệp, Trưởng khoa Tư vấn cộng đồng, Trung tâm Y tế dự phòng quận Tân Phú cho biết: “Tầng sâu 20-30m cũng có khả năng nhiễm chất thải độc hại như nhiễm chì, thuỷ ngân, thạch tín, asen… về lâu dài dễ dẫn đến ung thư”.
Hàng ngày, người dân vẫn tiếp tục sử dụng giếng nước khoan, trong khi phần lớn các dự án phát triển mạng lưới nước máy đều triển khai rất chậm chạp. Theo lý giải của ngành chức năng, do giá vật tư tăng cao, một số quy định trong đấu thầu xây dựng thay đổi, phải chờ hướng dẫn.
Thậm chí, có dự án cấp nước đấu thầu mãi không xong, phải chỉ định thầu. Nhiều tuyến đường ở quận Tân Phú đang lâm vào tình cảnh: đường đã xong nhưng phải ngưng phần tráng nhựa để đợi các dự án của ngành cấp nước cùng triển khai.