Mặc dù hiện nay tình trạng các hộ dân ở Đắk Lắk đang ồ ạt phá rừng, lấn chiếm đất để trồng các loại cây nông nghiệp, cây công nghiệp (chủ yếu là cao su, cà phê, sắn) nhưng số liệu công bố của mỗi nơi một khác và theo hình tháp. Càng lên cao thì số liệu diện tích rừng bị thiệt hại càng teo tóp lại, theo kiểu “ông nói gà, bà nói vịt”.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, 6 tháng đầu năm nay, ngành lâm nghiệp tuy đã triển khai nhiều biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, nhưng tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng vẫn còn xảy ra nghiêm trọng.
Tỉnh đã phát hiện 919 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, với diện tích rừng bị phá 34,36 ha, tịch thu 1.363,37 mét khối gỗ các loại…, tăng 64% số vụ vi phạm, tăng 30% diện tích rừng bị phá so cùng kỳ này năm ngoái…Rừng bị phá, lấn chiếm trái phép diễn ra nhiều nhất là ở các huyện Ea Súp, Ea HLeo, Buôn Đôn, Cư MGar.
Làm việc cũng vấn đề này với Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đắc Lắc, ông Y Rít Buôn Yă cho biết thêm: “Số vụ vi phạm, cũng như số diện tích rừng bị phá, lấn chiếm theo báo cáo của UBND tỉnh là không đúng, thấp hơn nhiều so với báo cáo của ngành kiểm lâm. Cụ thể, toàn tỉnh xảy ra 1.151 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, với diện tích rừng bị thiệt hại 52,33 ha, tịch thu gần 1.800 mét khối gỗ các loại…Địa bàn vi phạm cũng chủ yếu ở các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Ea HLeo, Cư MGar, Ea Kar, Krông Bông”.
Nhưng số liệu thực tế còn cao hơn nhiều lần, bởi chỉ tính ở huyện Ea Súp và một xã của huyện Ea HLeo số diện tích rừng bị tàn phá để lấy đất sản xuất nông nghiệp đã hơn 347 ha.
Theo ông Y Manh Adrơng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea HLeo cho biết: “Qua kết quả kiểm tra, xác minh, tổng hợp của Đoàn kiểm tra liên ngành, phá rừng ở huyện Ea HLeo tập trung tại 4 tiểu khu rừng 125, 126, 127, 128 của Công ty Lâm nghiệp Thuần Mẫn (nằm trên địa bàn xã Ea Tir), đối tượng phá rừng chủ yếu là đồng bào dân tộc di dân ngoài kế hoạch. Đồng bào chặt phá, sau đó sang nhượng lại cho người khác thu lời bất chính. Chỉ riêng tại tiểu khu 125, 126 đã có tới 52 hộ tham gia chặt phá, lấn chiếm rừng, đất rừng trái phép, gây thiệt hại cho 160,2 ha rừng”.
Ông Hoàng Văn Ngọc, thôn 12, xã Ea Tir, phá trái phép gần 6 ha rừng tại khoảnh 1, tiểu khu 125, sau đó nhượng lại cho ông Nguyễn Văn Truyền, ở thôn Hoà Bình, xã Bình Thuận, huyện Krông Búk với giá 400 triệu đồng…Phòng Nông nghiệp huyện Ea Súp thống kê, chỉ tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã xảy ra 43 vụ phá rừng làm thiệt hại 186,92 ha rừng, tập trung ở các xã Cư MLanh, Cư KBang, Ia Lốp, Ea Lê, Ia RVê, Ea Rốc.
Không chỉ có người dân mà cả cán bộ xã, huyện cũng tham gia lấn chiếm, sang nhượng đất rừng trái phép. Cụ thể, Chủ tịch UBND xã Cư MLanh Huỳnh Bá Chấn đã bao chiếm 7,3 ha đất lâm nghiệp, sau đó sang nhượng trái phép thu lợi bất chính trên 350 triệu đồng…UBND huyện Ea Súp cũng vừa ra các quyết định kỷ luật đối với các Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các xã Cư MLanh, Ea Rốc, cán bộ địa chính xã vì đã buông lỏng công tác quản lý rừng, đất rừng…
Với báo cáo thành tích kiểu này thì liệu nay mai rừng Đắk Lắk có còn không, nên nhiều người mỉa mai rằng, nói như thế không khác nào như chuyện “ông nói gà, bà nói vịt”.