ThienNhien.Net – Cơ chế Phát triển sạch (CDM) của Nghị định thư Kyoto là Chương trình “trao đổi cacbon” lớn nhất thế giới, nhằm mục đích giảm phát thải khí nhà kính. Nhưng trong một báo cáo mới đây của Tổ chức Sông ngòi Quốc tế, sự thất bại của chương trình này đã bị phơi bày.
Theo bản báo cáo: “Giải pháp tồi tệ cho Trái đất: Tại sao trao đổi Cacbon không đem lại hiệu quả” của Tổ chức Sông ngòi quốc tế (International River), CDM vốn được xem là một giải pháp để các nước công nghiệp hoá san sẻ và giảm thiểu phát thải khí nhà kính bằng cách hỗ trợ cho các chương trình, các dự án giảm phát thải ở các nước đang phát triển. Nhưng thực chất, dưới “cái danh” phát triển bền vững, CDM đang làm tăng lượng phát thải khí nhà kính.
CDM hiện nay chủ yếu dành cho các đập thuỷ điện trị giá hàng tỷ đô la, các dự án về nhiên liệu hoá thạch và công nghiệp hoá học. Chương trình “trao đổi cacbon” không hề có hiệu lực trong việc giảm phát thải khí nhà kính một cách toàn diện. Đúng như ý nghĩ của “sự trao đổi” – nghĩa là chỉ có sự trao đổi phát thải giữa các khu vực khác nhau mà thôi.
Nếu như một mỏ khai thác than ở Trung Quốc cắt giảm phát thải khí mê-tan theo các dự án của CDM thì tín dụng cacbon đó sẽ được những công ty khác mua lại để tránh việc phải chịu trách nhiệm về sự phát thải mà nó gây ra. Và như vậy, xét trên tổng thể thì Trái đất của chúng ta chẳng được lợi gì.
Patrick McCully, tác giả của bản báo cáo đồng thời là giám đốc của Tổ chức Sông ngòi quốc tế cho biết: “Nếu chúng ta thực sự muốn thực hiện những hành động thiết thực để cứu lấy Trái đất khỏi tai hoạ biến đổi khí hậu, thì chúng ta không thể mạo hiểm với một chương trình mà ngay từ những nguyên tắc cơ bản đã không hoàn thiện. Trong ngắn hạn, CDM có thể đem lại những cải thiện đáng kể, nhưng về lâu dài CDM cần phải được thay thế bằng một chương trình khác bền vững hơn”.
Báo cáo của Tổ chức Sông ngòi Quốc tế đã vạch trần một sự thật rằng có quá nhiều đơn xin nhận hỗ trợ CDM cho các dự án vừa mới hoàn thành hoặc còn đang trong quá trình xây dựng. Trong khi đó, một trong những nguyên tắc của CDM là dành cho các dự án giảm phát thải được xây dựng mà không có bất kỳ sự hỗ trợ tài chính nào. Nếu dự án vừa chưa vận hành hoặc mới đang xây dựng mà được nhận hỗ trợ thì nguyên tắc này của CDM đã bị vi phạm.
Ngoài ra, Chương trình này còn bị ngầm phá hoại bởi những “kẻ tay trong” của ngành công nghiệp, những người môi giới và những công ty tư vấn. Họ đã thừa nhận rằng, những điều khoản dối trá đã trở thành thông lệ tiêu chuẩn trong các đơn xin dự án CDM.
Thậm chí, những phát hiện được nêu ra trong bản báo cáo của Tổ chức Sông ngòi Quốc tế đã chỉ trích nặng nề cả những ứng cử viên cho chức chủ tịch của các kế hoạch về khí hậu cũng như là các quy ước biến đổi khí hậu.
Vậy, thực chất của CDM với chương trình “trao đổi Cacbon” là gì? Liệu nó có thực sự góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính hay không? Đó còn là điều cần được các chuyên gia nghiên cứu một cách nghiêm túc.