Cảnh sát môi trường và an ninh du lịch

ThienNhien.Net – Những năm gần đây, du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Năm 1990, khách nội địa mới chỉ đạt 2,16 triệu lượt khách, khách quốc tế 0,25 triệu lượt thì năm 2007, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 4,2 triệu lượt người, khách nội địa ước đạt 19,2 triệu người, thu nhập xã hội về du lịch năm 2007 đạt 56.000 tỷ đồng.

Ngành du lịch với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm hơn 10%, xếp ở “top” đầu về mang lại doanh thu cho ngân sách quốc dân hiện nay, nhưng việc bảo vệ cảnh quan môi trường lại chưa được chú ý đúng mức. Sự gia tăng ngày càng nhanh lượng khách du lịch kéo theo việc xuất hiện tràn lan các cơ sở dịch vụ du lịch nhằm đáp ứng đòi hỏi của du khách đã dẫn đến việc sử dụng quá mức tài nguyên, năng lượng…gây tác động xấu đến môi trường: nguồn nước, đất bị ô nhiễm, rừng bị chặt phá, đa dạng sinh học suy giảm, bệnh tật gia tăng…đã tác động rất lớn đến cuộc sống, sức khoẻ của người dân.

Tình trạng ô nhiễm ở hầu hết các khu du lịch của nước ta hiện nay rất đáng báo động. Việc chính quyền tỉnh Khánh Hoà “bật đèn xanh” cho nhà máy tàu biển Hundai Vinashin, đóng tại vịnh Vân Phong (cách biển Nha Trang 30km về phía Bắc), từ năm 1999 – 2007 sử dụng tới 750.000 tấn xỉ đồng (hạt nix) để làm sạch thân vỏ tàu gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người dân là một minh chứng cho việc các địa phương còn quá chú trọng phát triển công nghiệp mà chưa tính đến yếu tố môi trường.

Tại Vịnh Hạ Long, dù đang trong thời điểm “chạy đua nước rút” để được bầu chọn trở thành 1 trong 7 kỳ quan của thế giới vẫn tồn tại hàng loạt công trình xây dựng với đủ qui mô, hạng mục, tạo nên khung cảnh ngổn ngang như “đại công trường”. Tình trạng dầu thải, dầu máy từ các phương tiện xây dựng và chuyên chở chảy ra làm ô nhiễm môi trường nước Vịnh Hạ Long.

Ngoài ra, việc xây dựng nhà bè, nhà hàng nổi dọc theo bờ vịnh và gần hang động cũng góp phần làm ô nhiễm mặt nước Vịnh Hạ Long, khi tất cả chất thải từ sinh hoạt và hoạt động kinh doanh, dịch vụ đều xả thẳng xuống biển.

Canh sat du lich 
 Căm-pu-chia có lực lượng Cảnh sát du lịch riêng để bảo vệ du khách và các điểm du lịch. Ảnh: PanNature

Bãi biển Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Bãi Cháy…hiện đang phải chịu nạn ô nhiễm môi trường do rác thải từ các hộ buôn bán hàng rong, khách du lịch và người dân thiếu ý thức xả rác bừa bãi trên bãi biển và do nước thải của các khu dân cư ven biển, các xí nghiệp sản xuất không qua xử lý, đổ thẳng ra bãi biển.

Tại các khu danh thắng như Yên Tử, chùa Hương, Tam Đảo, núi Bà Đen (Tây Ninh)… tình hình ô nhiễm do nước thải, rác thải sinh hoạt, tình trạng buôn bán hàng rong, xả rác bừa bãi do thiếu ý thức và kinh doanh du lịch theo kiểu “chộp giật”, chạy theo thời vụ, chưa được qui hoạch, quản lý hợp lý cũng góp phần làm suy giảm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến tính hấp dẫn các khu du lịch đó.

Đó là chưa kể tình trạng “lạm phát” các quán thịt thú rừng, nhà hàng đặc sản, nạn buôn bán chim, thú và các sản phẩm từ động, thực vật quí hiếm tại các khu du lịch, điểm di tích, danh thắng kể trên; họ cũng chính là nguyên nhân làm suy giảm sự đa dạng sinh học tại các điểm du lịch trên. Ngoài ra, nạn “cò” du lịch, cảnh đeo bám, chèo kéo, “chặt, chém” khách ở hầu hết các điểm du lịch cũng gây khó chịu không ít cho các du khách, nhất là tạo ra sự phản cảm đối với khách nước ngoài về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Thực tế đó chứng minh nếu làm tốt công tác bảo vệ môi trường ở những điểm du lịch sẽ thúc đẩy du lịch phát triển. Về lí thuyết, nếu huy động được sự tham gia của toàn xã hội, các ban, ngành, đoàn thể, của mỗi cộng đồng, khu dân cư và của mỗi người dân vào công tác bảo vệ môi trường sinh thái khu du lịch là điều lý tưởng và có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Để làm được điều này, công tác tuyên truyền, phát động toàn dân bảo vệ môi trường sinh thái khu du lịch phải được đặt lên hàng đầu và cần phải làm thường xuyên.
 
Ngoài ra, việc Tổng cục du lịch và chính quyền địa phương mở nhiều lớp tập huấn cho các cán bộ thuộc các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường du lịch, các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng dân cư, tăng cường sự tham gia của cộng đồng dân cư vào các hoạt động du lịch để họ tự ý thức trách nhiệm với công tác bảo vệ môi trường tại khu du lịch nhằm cũng góp phần nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng tiên tiến, phổ biến những cách làm hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường khu du lịch.

Ở Việt Nam, tuy chưa xuất hiện lực lượng cảnh sát du lịch như Thái Lan và một số quốc gia châu Á khác nhưng việc nâng cao chất lượng công tác xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ở các khu du lịch lại rất cần có sự tham gia của các đơn vị hành pháp mạnh, trong đó có lực lượng Cảnh sát môi trường.

Thực tế, thời gian qua, sự tham gia của các lực lượng Cảnh sát đã đóng vai trò tích cực trong việc giữ gìn trật tự trị an, phòng chống cướp giật, tai nạn…tại các khu du lịch như tại các lễ hội đền Hùng, trảy hội chùa Hương, về nguồn Yên Tử, nhưng công tác xử lý trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đấu tranh với các hành vi như xả rác bừa bãi, không xử lý rác trước khi thải ra môi trường, tình trạng doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm nằm trong khu du lịch.v…vẫn còn bỏ ngỏ, chưa được phân công, phân cấp cụ thể, rõ ràng nên chưa có đơn vị chuyên trách tiến hành đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường du lịch.

Hiện nay, khi lực lượng Cảnh sát môi trường đã ra đời công tác xử lý những vi phạm về bảo vệ môi trường tại khu du lịch nên được Công an các địa phương giao cho lực lượng này để tăng cường thêm lực lượng phối hợp với thanh tra của Tổng cục du lịch và Thanh tra Sở Tài nguyên môi trường xử lý nghiêm các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có vi phạm trong hoạt động du lịch, đồng thời chủ động điều tra, đấu tranh với các hành vi: phá hoại đa dạng sinh học (săn bắt chim, thú; chặt phá, huỷ hoại rừng), kinh doanh buôn bán ĐVHD và các loài thực vật quí hiếm trái phép; xả rác, nước thải chưa qua xử lý bừa bãi…

Ngoài ra cần xây dựng lực lượng Cảnh sát môi trường phù hợp về tổ chức, đủ quyền năng pháp lý để tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường trong lĩnh vực du lịch