Cà Mau: Khôi phục rừng tràm U Minh Hạ

Năm 2008, Cà Mau đầu tư 14 tỷ đồng nhằm khôi phục rừng tràm U Minh Hạ, bao gồm vốn từ dự án trồng mới 5 triệu ha rừng của Chính phủ là 8,8 tỷ đồng và vốn tự có từ các đơn vị quản lý rừng và vốn của nhân dân là 5,3 tỷ đồng. Bằng số tiền trên, Cà Mau sẽ trồng 3.000 ha rừng mới, 7.000 ha rừng đặc dụng, đồng thời trồng thêm hơn 3 triệu cây phân tán nhằm bảo vệ toàn bộ diện tích lâm phần. Đây là năm mà tỉnh Cà Mau dành nhiều vốn để đầu tư khôi phục, phát triển rừng.

Theo con số chính thức từ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hiện nay tỉnh Cà Mau có 38.000 ha đất rừng tràm U Minh Hạ, trong đó có khoảng 30.000 ha đất có cây rừng, số còn lại là đất hoang, đất trống và đất cây tạm.
 
Tuy gọi là đất rừng, nhưng ở đây hoàn toàn không có cây rừng. Nhiều năm qua, năm nào Cà Mau cũng huy động lực lượng để trồng mới từ 2.000 – 3.000 ha rừng, song số trồng mới chỉ vừa đủ với số diện tích rừng bị hao hụt như cháy, bị tàn phá…

Rừng tràm U Minh Hạ Cà Mau thực tế không có giá trị kinh tế nhiều, nhưng có giá trị về bảo vệ môi trường sinh thái, nghiên cứu khoa học, nên đa số hộ dân cư trú trong lâm phần có cuộc sống khó khăn. Chính quyền địa phương đã có nhiều cố gắng để hỗ trợ nhưng với những điều kiện như nêu trên, cuộc sống của lâm dân khó được cải thiện, một khi cơ chế quản lý rừng hiện nay không thay đổi.

Có rất nhiều ý kiến tâm huyết đề xuất, nơi nào cây tràm phát triển tốt thì giữ lại, bảo vệ và phát triển, đối với những vùng đất hoang, vùng cây tạm, nên tổ chức trồng các loại cây khác, có giá trị kinh tế, không nhất thiết phải là cây tràm.

Cà Mau đang chuyển đổi hình thức quản lý rừng, đó là từ mô hình lâm ngư trường công ích sang công ty lâm nghiệp. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi đang gặp khó khăn, phương thức hoạt động của công ty còn lúng túng, chưa phát huy hiệu quả.