Các bãi biển ở Thanh Hóa đã ô nhiễm nghiêm trọng do các tàu thuyền đánh bắt hải sản, tàu thuyền nội địa Việt Nam và nguyên nhân không thể bỏ qua đó chính là rác từ các khu dân cư, khách du lịch.
Phế phẩm từ các tàu thuyền
Theo số liệu thống kê của ngành thủy sản Thanh Hóa hiện có trên 4.800 phương tiện đánh bắt thủy sản, với công suất 163,9 nghìn CV. Các thuyền có công suất lớn, khả năng đánh bắt xa bờ chủ yếu tập trung ở Ngư Lộc, Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc), Hải Ninh, Hải Châu (huyện Tĩnh Gia), Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa)…
Hàng ngày, có hàng chục nghìn lượt tàu thuyền ra vào cảng và phương tiện thủy nội địa hoạt động gia tăng trong tỉnh, mỗi năm thải ra sông, biển hàng nghìn tấn chất thải sinh hoạt, nhiên liệu, cặn dầu, nước rửa tàu lẫn chất thải rắn, mạt kim loại, sơn và các chất tẩy rửa trong quá trình đóng mới, sửa chữa và hoạt động.
Tại các bãi biển, nguồn rác thải đã chất thành đống cao như Ngư Lộc, Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc), Hải Châu, Hải Ninh (huyện Tĩnh Gia). Rác thải cũng rất đa dạng từ các tàu chuyên đánh bắt cá, tàu cung cấp nguyên liệu, tàu làm hàng…họ đang “chung vai” hủy hoại môi trường.
Tại các cơ sở đóng và bão dưỡng tàu thuyền, hầu hết không có bãi rác thải hay hệ thống xử lý rác thải. 100% các điểm sửa chữa tàu thuyền đều có dấu hiệu vi phạm luật bảo vệ môi trường.
Khu dân cư là tác nhân gây ô nhiễm
Theo thống kê sơ bộ, hàng ngày người dân xã Ngư Lộc thải rác tự do ra biển khoảng 3-4 tấn. Khi triều cường lên, rác sinh hoạt không được xử lý bị cuốn trôi sang các bãi biển lân cận. Tại đây, không có đất xây dựng khu xử lý rác thải. Không riêng gì xã Ngư Lộc mà huyện Hậu Lộc còn có các xã Hòa Lộc, Minh Lộc…cũng đặt trong tình trạng báo động về ô nhiễm môi trường.
Được biết, UBND huyện Hậu Lộc đã đầu tư 17 tỷ đồng để xây dựng bãi xử lý rác thải rộng 3,3 ha tại xã Minh Lộc, nhưng do nguồn vốn hạn hẹp nên dự án vẫn đang “bí” đường hoàn thiện.
Chỉ riêng bãi biển Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia cũng có hàng nghìn mét khối rác thải được chồng chất tại đây, hàng ngày khối lượng không ngừng tăng lên. Hơn nữa, đây là vùng rốn của sông Cầu Ghép, nên lượng rác thải từ dòng sông đổ về và gặp thủy chiều dâng lên rác dạt vào ven bãi biển, biến bãi biển thành những đống rác to bùng nhùng.
Tình trạng này nếu kéo dài rất có thể nhiều xã ven biển sẽ bị xóa sổ trên bản đồ những xã có tiềm năng phát triển du lịch biển. Không lẽ, chính quyền tỉnh Thanh Hóa không biết vấn đề này, hay khó khắc phục được nên đã làm ngơ?!.