Từ khi Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, nhiều nông dân đã năng động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng nhiều mô hình sản xuất phù hợp với nền nông nghiệp đô thị. Nhiều nông hộ đã thành công và làm giàu với những mô hình mới…
Từ Quốc lộ 91, rẽ trái vào đường về xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, hỏi chú Bảy Thọ (Phạm Văn Thọ) chuyên trồng huệ ở ấp 1, nhiều người gật đầu, chỉ đường. Có người còn giới thiệu chú Bảy Thọ là “sư phụ trồng huệ”. Bởi vì, biết trồng huệ có thu nhập cao, nhưng không mấy người trồng thành công, còn chú Bảy Thọ thì trồng vụ nào trúng vụ đó.
Đã 59 tuổi, nhưng chú Bảy Thọ còn rất nhanh nhẹn. Lau vội những giọt mồ hôi, chú Bảy cho biết ý tưởng trồng huệ xuất hiện tình cờ từ một chuyến thăm người thân ở quận Bình Thủy vào năm 2000. Về nhà, chú lên liếp, mua giống trồng thử nghiệm trên diện tích 2 công đất. Năm đầu, do chưa có kinh nghiệm, chưa có thị trường tiêu thụ nên kém hiệu quả, nhưng chú nhận ra đây là cây trồng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Liên tiếp những năm sau đó, năm nào chú cũng trồng huệ, năm trồng ít nhất là 5 công, lúc nhiều đến 15 công. Chú gọi đó là cây làm giàu.
Hỏi bí quyết trồng huệ, chú Bảy Thọ nói: “Cái khó nhất của nghề trồng huệ là khâu chăm sóc, người trồng phải thường xuyên ở trên đồng để kịp thời điều chỉnh lượng nước, phân bón, phát hiện sâu bệnh để điều trị…”. Khi thấy cây trồng có biểu hiện lạ, ngoài tầm xử lý, chú liền liên hệ với các Viện, Trường của thành phố để nhờ các nhà khoa học hướng dẫn. Nhờ vậy, đã gần chục năm trồng huệ, năm nào chú cũng gặp thuận lợi. Năm vừa rồi, 15 công huệ của chú cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng, trong khi đó chi phí đầu tư chỉ chiếm khoảng 30%. Tuy nhiên, trồng huệ chỉ là nghề “tay trái” của chú Bảy Thọ, còn trồng lúa mới là nghề chính. Ngoài cây huệ, hàng năm 3 ha lúa đem về cho gia đình chú hơn 30 tấn lúa cao sản. Đó là chưa kể khoản thu nhập hàng chục triệu đồng/năm từ vườn xoài cát Hòa Lộc trên bờ đê bao và nuôi cá trên ruộng lúa.
Anh Tô Mười Hai đang cho cá ăn. |
Những nông dân ít vốn, đất sản xuất nhỏ lẻ lại chọn cho mình cách làm ăn phù hợp với túi tiền, như anh Tô Mười Hai ở rạch Ông Tạc, ấp Trường Trung A, xã Tân Thới, huyện Phong Điền. Cũng như nhiều người dân ở Phong Điền, khởi nghiệp của anh Mười Hai cũng nhờ vào cây cam. Thế nhưng, có lúc cây cam bị bệnh, mất giá nên gia đình gặp khó khăn về kinh tế. Được sự hướng dẫn của một người quen, anh mua những tấm bạt ni-lông, rồi tạo thành những cái ao nổi trên đất vườn để nuôi cá lóc.
Theo anh Mười Hai, ao nổi có ưu thế là chủ động được nguồn nước, không tốn chi phí đào, nạo vét ao mương, diện tích nhỏ nên dễ quan sát, chăm sóc. Từ một cái ao ban đầu, đến nay anh đã sở hữu 4 ao nổi, mỗi cái có diện tích 28m2, thả được 1.500 cá giống. 4 ao nổi này có tổng mức đầu tư khoảng 5,5 triệu đồng, sau khi trừ chi phí mua bạt, cá giống, hằng năm mỗi ao lãi 3,5-4 triệu đồng. Anh cho biết thêm, do ít vốn và để tiêu thụ cá, anh đầu tư theo kiểu “cuốn chiếu”. Theo đó, khi cá ở ao thứ nhất thả được khoảng 1 tháng thì anh bắt đầu mua cá giống về thả ở ao thứ hai… Cứ như thế, khi cá ở ao thứ nhất bán xong thì cũng là cá ở ao thứ hai bắt đầu tới lứa thu hoạch. Nhờ đó, 4 ao nổi của anh lúc nào cũng có cá bán. Mặt khác, anh còn chủ động xuất cá “né” cá đồng thu hoạch rộ ở tháng 9,10. Do vậy, đồng vốn đầu tư không nhiều, nhưng lúc nào cũng bán được giá cao.
Việc đầu tư vài triệu đồng để làm ao nổi nuôi cá lóc như anh Mười Hai không nằm ngoài tầm tay của nhiều người. Thế nhưng, theo anh Mười Hai, cái khó nhất là khâu chăm sóc. Cá gần xuất hầm thì cần phải cho ăn thúc để cá “ú”, dễ bán và thường xuyên thay nước. Lúc cá còn nhỏ thì phải nghiền thức ăn cho nhuyễn, cho ăn từ từ, nếu không cá sẽ bị chết. Cực nhất là khoảng thời gian mới thả cá bột, chỉ cần lơ là thiếu để ý, không phát hiện kịp những biểu hiện thất thường của cá khi dị ứng với thức ăn, nước… thì coi như mất toi tiền giống.
Từ thành công bước đầu, anh Tô Mười Hai đã xây dựng thêm 1 ao nổi để nuôi cá bố mẹ. Anh cho biết đã thử nghiệm ép thành công cá giống, sắp tới sẽ ép đại trà để chủ động nguồn con giống và cung cấp giống cho thị trường, mở rộng quy mô sản xuất. Vườn cam cũ được anh cải tạo thành vườn trồng sầu riêng. Anh nói: “Nuôi cá, nuôi heo là lấy ngắn nuôi dài. Còn 4 công sầu riêng kia sẽ là cây dưỡng già”.
Xu hướng làm ăn tập thể ngày càng được nhân rộng với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Nhờ làm ăn tập thể, được sự hỗ trợ của ngành chức năng, người sản xuất đã dần tiếp cận được với khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ canh tác. CLB trồng rau khu vực Bình Yên A, phường Long Hòa là một trong những mô hình như thế.
Nông dân CLB trồng rau khu vực Bình Yên A, phường Long Tuyền chăm sóc lứa dưa hấu mới xuống giống. |
CLB trồng rau khu vực Bình Yên A có 21 thành viên, với 8,5 ha chuyên trồng rau. Ông Phạm Văn Thiện, Thư ký CLB trồng rau khu vực Bình Yên A, cho biết: “Dù là nông dân, nhưng do ở gần đô thị trung tâm nên diện tích đất sản xuất của nông dân ở đây không nhiều. Do đó, anh em phải chọn cho mình cách làm ăn sao cho hiệu quả nhất”.
Ban đầu, CLB chọn cây dưa hấu là cây trồng chủ lực, giờ đây với sự hỗ trợ của Hội Nông dân, Trung tâm Khuyến nông,… nhiều thành viên CLB đã mở rộng ra trồng rau ăn lá, đậu phộng, dưa leo,… Khi chúng tôi đến tham quan CLB, cũng là lúc nhiều nông hộ đã thu hoạch vụ dưa hấu đầu tiên trong năm. Ông Phạm Văn Thiện cho biết, năng suất thu hoạch được 2,5-3 tấn/công, với giá bán 3.300 đồng/kg, nhiều người lãi bạc triệu.
Nhiều nông dân ở CLB cho biết, trước khi vào CLB, “mạnh ai nhà nấy làm”, không ai hỗ trợ cho ai, đôi khi do tập trung trồng cùng một giống trên cùng một thời điểm nên việc bán hàng gặp khó khăn. Bây giờ, mỗi kỳ sinh hoạt CLB, các nông hộ thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, lại được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật canh tác nên làm ăn hiệu quả hơn.
Ngoài việc hỗ trợ kỹ thuật, các thành viên CLB còn được Trung tâm Khuyến nông quận Bình Thủy hỗ trợ 40% tiền mua cây giống, màng phủ nông nghiệp… CLB còn gây được quỹ tương trợ, để các nông hộ thành viên vay với lãi suất ưu đãi, nhiều người thoát cảnh khó khăn. Quan trọng hơn, qua các buổi sinh hoạt, tình làng nghĩa xóm thêm thắt chặt, cùng nhau chia sẻ khó khăn nên ai nấy đều vui.
Ông Phạm Văn Tường, Chủ tịch Hội Nông dân phường Long Hòa, cho biết: “Hiện nay, Hội Nông dân phối hợp với phòng Kinh tế quận xúc tiến các công việc để nâng CLB lên thành hợp tác xã chuyên trồng rau sạch để cung cấp cho thị trường, đồng thời mở ra hướng làm ăn mới cho nông dân trong vùng đô thị”.