Lão từng vỗ ngực tự hào rằng, trên đời này chắc chỉ có lão mới đủ kiên trì bám nghề nuôi ong kiểu… “du canh du cư” như thế. Quanh năm, lão cùng đàn ong lang thang qua khắp các tỉnh thành, dọc bên đường Xuyên Á, sống cảnh “màn trời chiếu đất”…
Duyên phận với ong
Tôi tìm đến lão khi buổi chiều đã chập choạng. Giữa những vườn tràm đang mùa rộ hoa ngút ngàn dọc theo tuyến đường lộ thuộc huyện Thạnh Hóa (Long An) là những dãy thùng ong vuông được xếp từng hàng nằm dưới gốc tràm. Hình như đã đến “cữ”, lão bắt đầu đi lật từng khay cầu ong lên rồi đảo chiều ngược lại.
Lão giải thích: “Cả ngày chúng đã phải đi làm về mệt (ong đi lấy phấn, hút nhụy, mật hoa) mình làm như vầy để giúp ong thuận tiện nhả mật ngay miệng khay không cần chui vào tận trong thùng sẽ hao tổn nhiều sức hơn!”. Tôi dõi mắt nhìn bàn tay lão, đàn ong mật bay rào rào, bậu đen đặc trên khay cầu.
Thấy tôi vội kéo áo trùm kín đầu sợ ong đốt, lão cười khà khà trấn an: “Không sao đâu, chưa quen thấy cảm giác ghê vậy thôi chứ chúng hiền khô à!”. Nói rồi lão quay sang nhẹ nhàng lật tiếp những khay cầu ong khác, từng động tác kỹ thuật của lão gọn gàng, rất… “nhà nghề”.
Lão là Lê Quang Xuyên, người gốc Lý Nhân, Hà Nam Ninh (nay là tỉnh Hà Nam) nguyên làm cán bộ kỹ thuật ở Công ty Ong Hà Nam Ninh. Năm 1990, công ty mở rộng thị trường lập chi nhánh tại Sài Gòn, dịp đó gia đình lão cũng cuốn gói chuyển vào sống tại quận Gò Vấp (TP.HCM).
Năm 2004, lão về hưu với “thâm niên” 24 năm trong ngành nuôi ong mật. Sẵn có kinh nghiệm, lão về bàn bạc với vợ quyết định đầu tư vào nghề nuôi ong. Gom góp vốn lương hưu và được công ty tạo điều kiện thanh lý cho đàn ong giống, từ đó lão tiếp tục lao vào “nghiệp” nuôi ong mật.
Lão kể, để nuôi ong mật thành công, người nuôi phải biết tìm nguồn hoa và có vốn từ 50 triệu đồng trở lên mới lập được trại nuôi với quy mô khoảng 200 đàn (tức 200 thùng ong mật). Nuôi ong mật cũng dễ mà khó, đòi hỏi người nuôi phải vững kỹ thuật cơ bản mới chọn ong chúa chất lượng để tạo ra được nguồn ong thợ tốt. Trong quá trình nuôi phải biết cách chăm sóc, cho ăn, nhân đàn…
Nếu phát hiện ong bị bệnh phải cách ly, trị bệnh hoặc chuyển ngay ong đi để thay đổi môi trường và tìm nguồn nuôi khác cho phù hợp. Do vậy, người nuôi cũng phải có “duyên” với… ong, đồng thời phải kiên trì, nhẫn nại, cần cù như “con ong chăm chỉ” thì mới trụ được với nghề này. Lão cho rằng: “đây là những yếu tố cực kỳ quan trọng để quyết định sự thành công hay không đấy!”.
Cuộc sống người du mục
Trong tay lão quản lý tới trên 400 đàn ong mật, 2 trại nuôi… “di động” đi khắp Bắc-Trung-Nam. Mỗi năm đàn ong giống tăng dần, lão phải huy động người nhà đi theo phụ giúp, nhất là vào mùa khai thác mật (như trong thời điểm này). Hành trình nuôi ong cũng khá bôn ba, cứ 6 tháng lão “ôm” ong ra Bắc, 6 tháng sau lại lên đường vào Nam.
Lịch trình thường niên của mùa “đánh mật” bắt đầu vào tháng 3 tại vùng trồng vải ở Bắc Giang, nhãn ở Hà Nam, sú vẹt ở Giao Thủy. Tháng 5, lão ngược lên Mộc Châu, Sơn La, rồi quay về Hòa Bình.
Đến tháng 9 lại vào Nam “tập kết” ở Đồng Nai, Bảo Lộc để dưỡng ong (cho ong nghỉ ngơi không phải đi lấy mật mà tập trung nhân đàn). Lão tâm sự: “Mỗi khi cho ong nghỉ dưỡng, mình lại phải đi mua đường về nuôi ong. 400 đàn sơ sơ cũng ăn hết khoảng 15 tấn đường các loại đấy!”.
Kết thúc mùa nhân đàn (khoảng đến tháng 12) lại bắt đầu vào mùa “đánh mật” điều, cao su ở Bình Phước, mật tràm, nhãn ở Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp…, xong lại kéo ngược ong lên vùng nhãn ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai…
Nghề nuôi ong dạo vất vả, hàng ngày lão vẫn phải thức khuya dậy sớm để vệ sinh đàn, đảo cầu, cắt ong nhộng đực bỏ đi và thường xuyên kiểm tra ong chúa… Cách đánh mật đòi hỏi kỹ thuật khéo léo, lấy cầu ong ra nhẹ nhàng dũ ong xuống để không làm tổn thương cho đàn ong mật.
Xếp khay ong vào máy quay ly tâm cho mật văng ra, xong phải vệ sinh sạch sẽ rồi mới đặt vào cầu ong. Lão cho biết mỗi đợt đánh mật thường kéo dài từ 10-15 ngày, thu được khoảng 2,5-3 tấn mật. Trước khi chuyển ong đến những vùng cây đang
mùa hoa trái, lão phải “tiền trạm” cả tuần hoặc có thể cả tháng trước.
Đồng thời, phải chờ đến tối mịt khi ong “đi làm” về, thuê mấy chuyến xe ô tô tải chở mới hết. Không ít lần lão đã gặp “sự cố” vì người dân địa phương cho rằng ong sẽ ăn hết phấn, nhụy của hoa màu và lúa… nên nhất định không đồng ý cho lão đặt ong.
Lão tỉ mỉ giải thích: “Con ong sẽ giúp cây thụ phấn, giúp tăng năng suất, chỉ có lợi cho nông nghiệp chứ không hại cây trồng của bà con…!”. Vậy mà có người vẫn lắc đầu nguây nguẩy, đưa bình thuốc trừ sâu ra dọa phun cây, lão đành ngậm ngùi kéo đàn ong đi.
Nhưng hiếm khi gặp cảnh “độc” như thế, mà phần lớn các nhà vườn khi thấy bóng lão kéo ong đến, họ vui vẻ mời về đặt ong tại vườn chôm chôm, nhãn, hay bầu, bí… nhà mình để nhờ ong thụ phấn.
Theo lão, nghề nuôi ong nhiều lúc cũng đắng cay lắm chứ không ngọt mãi như mật. Có khi thị trường mật ong không ổn định, mỗi năm một giá, bị lỗ khiến lão sất bất sang bang, muốn “giải nghệ”. Nhưng nguyên nhân thắng thua cũng một phần phụ thuộc vào… ông trời. Thời tiết thay đổi, mưa bão bất ngờ, ong không “làm ăn” gì được thì sản lượng mật kém.
Dưới ánh trăng của những đêm hè thanh khiết, tôi ngồi với lão bên những thùng ong nằm im lìm trong khu vườn tràm âm u lạnh lẽo, chỉ nghe tiếng côn trùng kêu rả rích. Lão khơi thêm bấc đèn dầu, như muốn xua tan bầu không khí ảm đạm… đầy muỗi, rồi rót ra một ly dẻo kẹo: “Mật hương tràm đấy, chú mày dùng thử xem.
Mùa nào mật ấy, có người thích mật tràm (hương tràm), nhưng có người lại thích mật nhãn (màu hổ phách), mật vẹt (trắng vàng) hay mật bạc hà (trắng như mỡ lợn)…”. Nhưng theo lão thì mật nhãn vẫn là ngon nhất. Suốt những năm tháng cùng đàn ong lang thang qua khắp các vùng miền, lão gặp đủ mọi dạng người và chứng kiến biết bao chuyện bi hài cười ra nước mắt.
Lão ngộ ra một điều: “Con ong khác với người ở chỗ, nó sinh ra để làm việc chứ không phải để hưởng thụ. Chúng sống như một xã hội cộng đồng, phân chia công việc rất rõ ràng, đây chính là bản năng của ong…”. Chia tay lão, tôi nhớ mãi vị ngọt thơm ngon của chén mật hương tràm và điều ai đó đã nói: “người nuôi ong cũng cần mẫn như con ong…”!