Gia Lai: Khai thác cát, băm vằm những dòng sông

Giá cát đang ở mức khá cao, những dòng sông chảy qua địa bàn tỉnh Gia Lai như đang oằn mình trước nạn khai thác cát bừa bãi. Cùng với việc quản lý tài nguyên cát theo kiểu “cha chung không ai khóc” của cơ quan chức năng, mỗi năm nhiều diện tích đất ven dòng sông Ba, Sê San… bị sạt lở vào mỗi mùa mưa.

Quản lý tài nguyên cát – nói hoài, nói mãi

Nạn khai thác cát trái phép dọc theo các dòng sông Ba, Sê San… chảy qua địa phận tỉnh Gia Lai đã diễn ra tự do từ nhiều năm nay. Hàng ngày, trên những nhánh sông lớn như sông Ba (chảy qua địa phận các huyện Phú Thiện, Ayun Pa, Krông Pa, thị xã An Khê…), sông Sê San (qua địa phận các huyện Ia Grai) và một hệ thống các nhánh sông nhỏ thường xuyên hứng chịu những đoàn người khai thác cát trang bị máy hút cùng hàng chục chiếc xe độ chế hoạt động ven sông. Ở đâu có cát ở đó có dấu chân của họ.

Ông Nguyễn Nhản, phường An Bình, Thị xã An Khê, một người dân sống ven sông Ba cho biết: “Mỗi ngày chỉ ven khúc sông quanh nhà tôi thường có hàng chục xe tải vào chở cát được khai thác dưới sông. Sau khi khai thác xong họ lại bỏ đi nơi khác. Những năm gần đây, đất trồng của người dân ven sông đều bị sạt lở dần theo từng năm mỗi khi mưa lũ đến”.

Cũng theo ông Nhản, người khai thác cát ở An Khê thường trang bị phương tiện bè gỗ gắn máy hút cùng hàng chục mét ống lớn thuận cho việc di chuyển trên sông. Sau khi khai thác hết nguồn cát tại bãi đã thăm dò và đưa về nơi tập kết, họ lại tìm bãi mới và tiếp tục khai thác một cách bừa bãi mà người dân chẳng ai dám ngăn cản.

Mặc dù không được tổ chức quy mô như An Khê nhưng tại các huyện Phú Thiện, Ayun Pa, Krông Pa, Ia Grai… người khai thác cát trái phép thường sử dụng xe độ chế lội xuống sông và bố trí người xúc cát lên ben xe. Tuy nhiên, với những phương tiện trang bị khá dễ dàng nên nạn khai thác cát tại đây diễn ra trên diện rộng và rất khó quản lý.

Gặp chúng tôi khi đang khai thác cát dưới dòng sông Ayun, anh Lý Thanh Nga, một người khai thác cát tại thị trấn Phú Thiện, nói như biện minh: “Chúng tôi cần cát để xây dựng nên mới khai thác thôi. Nhưng thú thật chúng tôi chỉ khai thác bằng xe độ chế nên không gây ảnh hưởng đến dòng sông!”. Tuy nhiên, theo người dân thị trấn Phú Thiện, các xã Ia Yeng, Ia Sol, Ia Yeng… những chiếc xe độ chế chở cát khai thác trái phép không chỉ mặc sức băm vằm dòng sông Ayun mà còn chạy thục mạng phá nát những tuyến đường liên xã.

Hiện nay, cát xây có giá 70.000 đồng/m3, cát tô tường giá 90.000 đồng/m3. Với giá cả như thế nên theo ông Nguyễn Nhản, mỗi chiếc máy hút cát dạng tầm trung đã có thể hút hơn 30m3/ngày. Nếu tìm được bãi cát mới, mỗi máy hút đem về cho chủ khai thác từ 2.100.000 đến 3.000.000 đồng/ngày! Trước nguồn lợi trên, nhiều người đã sắm máy hút cát thi nhau “giày xéo” các dòng sông tại Gia Lai.

 
Việc khai thác cát vô tội vạ đã làm nhiều diện tích đất ven sông sạt lở.

Tài nguyên cát – “cha chung không ai khóc”!

Việc khai thác một cách vô tội vạ đã làm thay đổi một phần dòng chảy của các con sông đồng thời làm nhiều diện tích cây trồng của nông dân sống ven sông sạt lở. Tuy nhiên, việc quản lý hoạt động khai thác cát của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng trong suốt nhiều năm qua cũng chẳng đi đến đâu.

Ông Mai Thanh Sơn, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường Thị xã An Khê thừa nhận, việc khai thác cát trái phép đang là vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý. Theo ông Sơn, mặc dù Phòng Tài nguyên Môi trường đã nhiều lần triển khai phương án hình thành các bãi khai thác cát tập trung, rồi tiến hành đấu thầu để quản lý tài nguyên cát sông Ba nhưng không thực hiện được!

Đơn cử, năm 2004, doanh nghiệp tư nhân Yang Trung (huyện Kông Chro) đã đến đặt vấn đề đấu thầu khai thác cát trên sông Ba thuộc địa phận An Khê, lãnh đạo thị xã ủng hộ, nhưng rồi doanh nghiệp không thực hiện vì xét thấy không hiệu quả.

Mới đây, cũng có một vài đơn vị trên địa bàn thị xã đặt vấn đề đăng ký khai thác cát, song chờ mãi chẳng thấy động tĩnh gì. Một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp, cá nhân “quay lưng” với nguồn tài nguyên cát sông Ba là khối lượng cát dưới lòng sông quá ít, lại nằm rải rác.

Sau những “động thái” tích cực trên, sự quan tâm của các cơ quan chức năng trên địa bàn thị xã An Khê đối với nguồn tài nguyên cát sông Ba xem như bỏ ngỏ.

Hiện nay, việc quản lý tài nguyên cát trên sông Ba được giao cho các xã, phường. Nơi nào có cát thì nơi đó tự quản lý và thu thuế khai thác. Tuy nhiên, sự “phân cấp” quản lý trên chưa mang lại hiệu quả.

Với cách quản lý theo kiểu “cha chung không ai khóc”, những người làm nghề khai thác cát lại có “đất” sống. Họ tung hoành khắp dòng sông Ba, đặt máy nổ giữa sông hút cát mà không phải lo lắng gì.

Trước tình trạng khai thác cát đang diễn ra ồ ạt, UBND tỉnh Gia Lai đã ra quyết định phê duyệt đề án một cửa liên thông trong việc cấp phép khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản được uỷ quyền cho các huyện, thị xã, thành phố cấp giấy phép khai thác, chế biến đối với các loại khoáng sản là: đá xây dựng, cát, sỏi, đất sét sản xuất gạch ngói cho các hộ cá thể có diện tích không quá 1ha, công suất khai thác không quá 1.000m3/năm… Song, bất chấp quyết định của UBND tỉnh Gia Lai, việc khai thác cát trái phép tại Gia Lai đang là vấn nạn khiến chính quyền cơ sở bất lực trong quản lý.

Ông Lương Thành Công, Phó Chủ tịch UBND phường Tây Sơn, Thị xã An Khê bày tỏ: “Địa bàn phường tôi người ta khai thác cát trái phép rất nhiều nhưng phần lớn là tự phát, không cố định thời gian. Chính vì vậy, việc thu thuế khai thác khoáng sản theo chỉ đạo của UBND tỉnh rất khó thực hiện”.

Có một thực tế là khi người dân có trách nhiệm nhìn thấy hoạt động khai thác cát trái phép, báo cáo về UBND phường, lúc đó, đội thu thuế của phường mới xuống hiện trường lập biên bản thu thuế, còn không phát hiện thì đành chịu!