Tỉnh Đồng Nai đang lên kế hoạch nghiên cứu trình Thủ tướng về xin chuyển đổi công năng Khu công nghiệp (KCN) Biên Hoà 1- KCN ra đời sớm nhất nước- thành trung tâm thương mại dịch vụ. Nguyên nhân bởi KCN này đã quá cũ kỹ, lại nằm trong khu dân cư thành phố Biên Hoà và kề sông Đồng Nai – đoạn chảy qua Biên Hoà- sự ô nhiễm rất nguy hiểm cho không khí lẫn nguồn nước.
Doanh nghiệp lo lắng
KCN Biên Hoà 1 với tổng diện tích 335ha là KCN ra đời sớm nhất nước (năm 1963- tên gọi lúc này là Khu kỹ nghệ Biên Hoà- TP. Biên Hoà- Đồng Nai). Năm 1990, Cty phát triển KCN Biên Hoà (Sonadezi) được giao nhiệm vụ khôi phục, nâng cấp và quản lý hạ tầng KCN. Đến nay, theo ông Nguyễn Mạnh Văn (Phó BQL các KCN Đồng Nai), có 94 doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đang hoạt động ở đây (lấp đầy 100% diện tích).
Ngay từ tháng 08/2007, cơ quan chức năng Đồng Nai đã họp các DN trong KCN để trưng cầu ý kiến về phương án chuyển đổi công năng và di dời. ẹt nhất khoảng 8-10 DN đã có văn thư cho rằng trong bối cảnh đất đai hiện nay, họ rất khó khi tìm địa điểm mới; khó tìm được lực lượng lao động ở nơi mới trong tình cảnh “khát” lao động hiện nay.
Khoảng tháng 03/2008 tại buổi tiếp xúc với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai- Đinh Quốc Thái – ông Satsuo Hirayama, Phó Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM cũng tỏ ý lo lắng về việc sẽ chuyển đổi công năng của KCN, sẽ khiến các nhà máy của họ đang hoạt động trong KCN này sẽ phải di dời đi nơi khác, có thể ảnh hưởng đến sản xuất và gây thiệt thòi cho nhà đầu tư.
Ông Thái đã khẳng định, việc tồn tại của KCN Biên Hoà 1 là không còn phù hợp so với yêu cầu hiện tại do không đáp ứng tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường. Vì thế, trường hợp KCN Biên Hoà 1 được phép chuyển đổi công năng thì tỉnh Đồng Nai sẽ không để bất kỳ nhà đầu tư nào đang có nhà máy hoạt động tại KCN này bị thiệt thòi và đảm bảo về quyền lợi cho nhà đầu tư khi phải di dời.
“Sau khi nghiên cứu kỹ các tác động, phương án di dời, lộ trình thực hiện (khoảng từ 5-7 năm) Đồng Nai sẽ báo cáo chính thức với các bộ ngành trung ương, xin phép Thủ tướng”. Ông Nguyễn Mạnh Văn khẳng định như vậy tại buổi họp báo đánh giá 6 tháng đầu năm mà tỉnh Đồng Nai vừa được tổ chức.
Ô nhiễm đến mức nào
Vừa qua, Sở TNMT đã có khảo sát, nghiên cứu và khẳng định KCN Biên Hoà 1 có lượng nước thải khoảng 15.000m3/ngày đêm, nhưng mới có 16 nhà máy ký hợp đồng đưa nước thải về xử lý ở nhà máy xử lý nước thải tập trung với khoảng 200m3/ngày đêm, còn lại đều đổ thẳng ra sông Đồng Nai… Hàm lượng chì trong nước thải của KCN Biên Hoà 1 vượt 4 lần quy định.
Ngoài ra, theo quy định Chính phủ, mỗi nhà máy trong KCN phải dành ít nhất 10-15% quỹ đất cho cây xanh, thảm cỏ để làm mát, chống bụi, hấp thu khí thải độc hại và làm nơi giải trí cho công nhân. Tuy nhiên, KCN này hiện tồn tại nhiều nhà máy với công nghệ cũ nên mức độ gây ô nhiễm môi trường rất lớn, nhưng lại rất ít cây xanh để điều hoà và lọc không khí, nên môi trường ở đây bị ô nhiễm cao.