ThienNhien.Net – Theo các nhà khoa học thuộc Tổ chức Bảo tồn Chim quốc tế (BirdLife International) và Đại học Cambridge, các nỗ lực bảo vệ của họ đang làm giảm tốc độ tuyệt chủng của các loài. Các hoạt động bảo vệ trực tiếp đã cứu hộ được 16 loài chim khỏi họa tuyệt chủng từ năm 1994 và làm giảm tỷ lệ suy giảm số lượng của hơn 33 loài chim khác đang nằm trong diện bị đe dọa đặc biệt.
Tiến sĩ Stuart Butchart, Điều phối chương trình về loài trên toàn cầu của BirdLife, nói: “Các hoạt động bảo vệ có thể giúp các loài đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng thoát khỏi sự biến mất mãi mãi. Tuy nhiên, các nỗ lực lại kém hiệu quả đối với một số loài đang bị đe dọa.”.
Gần đây, BirdLife tập trung nghiên cứu tỷ lệ các loài chim được bảo vệ trên toàn thế giới, và đã lập được danh mục các loài từ mức đe dọa thấp nhất đến mức bị đe dọa đặc biệt và cuối cùng là tuyệt chủng trong Sách Đỏ của Tổ chức Bảo tồn Thiên Nhiên quốc tế (IUCN).
Các nghiên cứu của BirdLife cũng chỉ ra rằng, các sáng kiến bảo vệ – như bảo vệ nơi cư trú, tiêu diệt các loài xâm chiếm và kiểm soát áp lực săn bắt…, ngày càng kém hiệu quả, thậm chí có tác dụng ngược lại đối với tỷ lệ một số loài chim đang trong tình trạng đáng báo động, có thể bị đẩy đến tuyệt diệt.
Loài vẹt đặc hữu ở đảo Norfolk, Island đang bị đe dọa có tên khoa học là Cyanoramphus cookii, là một ví dụ về sự ngăn chặn tuyệt chủng. Việc phát quang các khu rừng đã làm giảm diện tích cư trú của các loài chim và sự cạnh tranh của chúng với các loài chim khác đã gây ra hậu quả xấu. Năm 1994, số lượng của loài chim sặc sỡ này trên toàn thế giới có khoảng 32-37 con, trong đó chỉ có 4 con mái gây giống, tất cả được tìm thấy trên đảo Norfolk bé xíu. Việc bảo vệ những nơi làm tổ, các chương trình gây giống trong lồng và kiểm soát các loài ăn thịt đã mang đến kết quả là số lượng loài đã tăng lên khoảng 200 đến 300 cá thể trong vòng 10 năm.
Câu chuyện bảo tồn thành công loài vẹt này gây được tiếng vang lớn trên thế giới. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động bảo vệ khác đã thành công trong việc đưa nhiều loài từ mức bị đe dọa đặc biệt về mức bị đe dọa thay vì tuyệt chủng.
Điều thú vị là, các nghiên cứu tập trung vào Úc đã cho thấy những ảnh hưởng tích cực từ các hoạt động bảo tồn thậm chí còn rõ ràng hơn ở quy mô toàn cầu. “Điều này có lẽ phản ánh cơ cấu các bộ phận bảo tồn được tổ chức và hoạt động tốt hơn của Úc so với các nơi khác trên thế giới”, Tiến sĩ Mike Brooke thuộc Đại học Cambridge, UK, bình luận.
Thông điệp hoàn toàn rõ ràng. Khi một loài ở ranh giới của sự tuyệt chủng, các hoạt động bảo tồn trọng điểm và việc tài trợ thỏa đáng có thể tạo nên sự khác biệt lớn. Tuy nhiên, rất nhiều loài thậm chí vẫn phải đối mặt với hiểm họa tuyệt chủng sắp xảy ra.
Tổng số 189 loài chim vẫn còn nằm trong nhóm bị đe dọa đặc biệt – mức nguy hiểm tuyệt chủng cao nhất. Chương trình Ngăn chặn Tuyệt chủng của Tổ chức BirdLife đã hướng đến việc tăng 19 triệu bảng Anh trong vòng 5 năm để cải thiện vận mệnh của những loài chim này.
Với mạng lưới toàn cầu gồm các tổ chức thành viên tại từng quốc gia để thực hiện các hoạt động bảo tồn cần thiết, Chương trình Ngăn chặn Tuyệt chủng của BirdLife đã tạo ra những thành công bước đầu trong nỗ lực bảo vệ các loài chim thoát khỏi bờ vực của sự tuyệt chủng.