Củ mài còn gọi là khoai mài, có tên khoa học là <i>Rhizoma Dioscoreae</i>. Khi dùng làm thuốc củ mài được gọi là hoài sơn hay sơn dược.
Củ mài rất lành, khi ăn không bị “nóng ruột” như khoai lang hay củ sắn. Theo các tài liệu của y học cổ truyền, củ mài có vị ngọt, tính bình, đi vào 4 kinh: tỳ, vị, phế, thận; được coi là một vị thuốc bổ dùng trong các trường hợp cơ thể suy nhược, ăn uống kém, viêm ruột mãn tính, di tinh, trẻ con ra mồ hôi trộm, tiêu khát (tức bệnh tiểu đường), tăng sinh tân dịch (dùng cho những người mới ốm dậy, cơ thể suy nhược).
Cách dùng: Đối với trẻ con gầy còm, đái dầm, đái đêm nhiều lần: hoài sơn và bạch linh (liều lượng tương đương nhau) tán mịn, mỗi ngày cho trẻ dùng 10-20g (tùy trẻ lớn hay nhỏ), chia làm 2 lần sáng-chiều. Người lớn bị hư lao, di mộng tinh, tiểu đường, nam giới tiểu đêm (do u xơ tiền liệt tuyến), ăn uống kém, phân sống, có hai cách dùng: độc vị hoài sơn: 20-30g, tán thành bột mịn chia làm 2 lần (sáng, chiều): hòa trong nước ấm để uống. Hay cũng có thể kết hợp với một số vị thuốc khác: hoài sơn 20g, bạch truật 10g, bạch linh 10g, kỹ tử 10g, đỗ trọng 10g: sắc uống trong ngày (sáng, trưa, chiều), uống kéo dài 20-30 ngày.
Cách thu hái chế biến và gieo trồng: thu trong tự nhiên vào mùa khô, vì củ mài hay mọc ở các hẻm núi và “ăn” rất sâu (có khi đến 1m, một gốc lâu năm có thể đào đến 10 kg), nên khi đào cần lưu ý phải bới từ ngoài vào và phải làm rất nhẹ nhàng (để khỏi gãy). Củ mài sau khi đào lên nếu không biết chế biến rất dễ bị hư. Khi đào được, rửa sạch đất, cạo vỏ, đem thái nhỏ rồi phơi hay sấy khô, phải làm nhanh (phơi khi nắng to) hoặc dùng lò sấy, nếu không rất dễ bị hư. Muốn chế làm thuốc hoặc để dành thì phải sấy với diêm sinh (lưu huỳnh).
Củ mài có thể trồng được ở đồng bằng. Cách trồng: Làm đất thật tơi, trộn mùn (cây cỏ mục nát), rắc vôi bột (để trừ nấm), đánh luống thật cao (tới 1m) vì củ mài sâu. Lấy “dái” củ mài để trồng vì trong tự nhiên “dái” củ mài chính là hạt giống tự gieo trồng của khoai mài (khi còn ở trên cây, “dái” củ mài sẽ dài dần dần cho đến khi chạm đất rồi ăn sâu vào đất và mọc thành cây khác).
Khi mua hoài sơn cần chú ý, vì hiện nay có nhiều người đã dùng củ khoai mì (củ sắn) giả hoài sơn.