Vấn đề nan giải nhất của Hội nghị thượng đỉnh G8 dường như đã có lối thoát khi các nhà lãnh đạo 8 nước Anh, Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Nga và Mỹ đã đạt được sự đồng thuận hướng tới việc ấn định mục tiêu cắt giảm 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050.
Thủ tướng Nhật Bản Y. Fukuda cho biết, các nhà lãnh đạo đã nhất trí gọi kế hoạch trên là “mục tiêu cho toàn thế giới”. Trong khi đó, Mỹ chủ trương ủng hộ đưa thêm những nước thải ra nhiều khí thải như Trung Quốc và Ấn Độ vào khuôn khổ ấn định mục tiêu trên. Mỹ là quốc gia đã từng từ chối thẳng thừng việc “cân nhắc nghiêm túc” cắt giảm lượng khí thải và chỉ chấp thuận cắt giảm khi các nước như Trung Quốc, Ấn Độ cùng cam kết tham gia hành động.
Về vấn đề châu Phi, các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-8 tuyên bố khẳng định lại cam kết hỗ trợ sự phát triển của châu Phi, đặc biệt là giúp các nước châu Phi thoát khỏi cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay thông qua việc tăng sản lượng lương thực, thu hút đầu tư, đồng thời thực hiện các “Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ” của Liên Hiệp Quốc (LHQ).
Các nhà lãnh đạo G-8 nhất trí nỗ lực thực hiện các cam kết viện trợ đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh năm 2005 ở Anh, trong đó có nội dung đến năm 2010 tăng viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho châu Phi thêm 25 tỷ USD/năm. Các nhà lãnh đạo cũng xem xét sự cần thiết của việc tăng thêm viện trợ ngoài những cam kết hiện nay, đặc biệt là giai đoạn sau năm 2010, đồng thời tiếp tục nỗ lực hoàn thành cam kết chi ít nhất 60 tỷ USD nhằm ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm và tăng cường hệ thống y tế ở châu Phi trong vòng 5 năm tới.
Ngoài ra, trong ngày làm việc thứ 2 này, các nhà lãnh đạo G8 cũng bày tỏ lo ngại sâu sắc về việc giá dầu và lương thực tăng cao, đồng thời cam kết phối hợp các biện pháp nhằm đối phó với “các vật cản” đối với sự tăng trưởng kinh tế ổn định trên toàn cầu. Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí về sự cần thiết của việc tăng cường đầu tư khai thác dầu và năng lực lọc dầu, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tăng cường phát triển các mỏ năng lượng thay thế cũng như các công nghệ mới nhằm đảo ngược xu thế giá dầu tăng như hiện nay.