Hơn một trăm người đã dùng gậy gộc, dao búa tấn công lực lượng quản lý bảo vệ rừng Lán Tranh ở Lâm Hà (Lâm Ðồng). Máu của những người giữ rừng đã đổ. Việc chống người thi hành công vụ không phải bây giờ mới xảy ra, nhưng quả thực cuộc chiến giữ rừng đang thật sự bị thách thức bởi một số người quá khích.
Những hành vi coi thường pháp luật
9 giờ sáng ngày 02/07, lực lượng giải tỏa của huyện Lâm Hà gồm Ban quản lý rừng Lán Tranh (đơn vị chủ rừng), Hạt kiểm lâm, các hộ nhận khoán và công an, xã đội, Ban lâm nghiệp xã Phúc Thọ vào tại tiểu khu 251 thuộc thôn Băng Pá, xã Phúc Thọ (giáp ranh với xã Ðạ K’Nàng, Ðam Rông) để họp tuyên truyền công tác bảo vệ rừng và thực hiện giải tỏa đất rừng do người dân xã Ðạ K’Nàng sang phá rừng trái phép để trồng cà-phê.
Ðoàn giải tỏa gồm 34 thành viên, khi đang tiến hành giải tỏa được ba ha cà-phê trên diện tích rừng bị phá tại lô d, khoảnh 1, tiểu khu 251 thì có khoảng hơn 100 người ngụ tại xã Ðạ K’Nàng đến bao vây. Họ đã dùng gậy gộc, dao búa tấn công lực lượng giải tỏa ngay tại hiện trường với thái độ rất hung hãn. Không những thế, những người này còn tiếp tục kéo đến UBND xã Ðạ K’Nàng để vây đánh những cán bộ đang thực hiện công tác tuyên truyền bảo vệ rừng tại đây.
Trong quá trình bị những người quá khích tấn công, Hạt trưởng hạt kiểm lâm Lâm Hà Ðinh Ngọc Lý, cho biết: “Lực lượng giải tỏa chỉ rút lui chứ không tiến công lại”. Có chín cán bộ và người nhận khoán bị đánh. Những người quá khích đã trói hai người dân nhận khoán lại để đánh, bắt một số người phải ăn lá cà-phê nếu không sẽ đánh chết.
17 xe mô-tô đã bị đập phá và thu giữ, hai xe u-oát của đoàn cũng đã bị ném đá. Trong chín người bị hành hung, anh Ha Krai, công an viên xã Phúc Thọ đã bị đánh đến ngất xỉu và dọa bị giết nếu còn tiếp tục đi giải tỏa nữa. Anh Ðinh Văn Vinh, cán bộ Hạt kiểm lâm Lâm Hà, phụ trách địa bàn xã Phúc Thọ bị đánh đa chấn thương, phải khâu năm mũi ở vùng miệng và theo chẩn đoán của bác sĩ là bị gãy một xương sườn. Anh Nguyễn Thông, cán bộ Ban quản lý rừng (QLR) Lán Tranh bị đánh đa chấn thương, dập mặt, gãy xương quai hàm. Hiện cả hai anh Vinh, Thông đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Lâm Ðồng.
Cần vào cuộc quyết liệt
Trước tình hình phức tạp và sự việc nghiêm trọng vừa diễn ra tại Phúc Thọ, ngày 04/07, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Văn Án đã gửi báo cáo khẩn cho UBND tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo. Trước đó, ngày 03/07, Huyện ủy Lâm Hà đã phải triệu tập cuộc họp khẩn cấp do đồng chí Phạm Kim Khang, Bí thư Huyện ủy chủ trì với sự tham dự của các cơ quan chức năng để giải quyết tình hình.
Sáng 05/07, ông Phạm Văn Án cùng lãnh đạo Chi cục kiểm lâm, lãnh đạo huyện Lâm Hà cùng các cơ quan như: Hạt kiểm lâm, Ban QLR Lán Tranh, công an huyện, chính quyền địa phương đã vào hiện trường khu vực giải tỏa tại tiểu khu 251 để nắm tình hình. Ghi nhận tại hiện trường, chúng tôi thấy: hàng loạt cây rừng bị chặt, cả khu rừng tự nhiên bị biến thành khu đất trống với vô số cây gỗ nằm la liệt. Nhiều cây gỗ to đang được cưa xẻ tại hiện trường và cà-phê đã được trồng rất nhiều trên diện tích rừng bị phá trái phép.
Trao đổi về vấn đề này, Chi cục phó Chi cục kiểm lâm Bùi Thanh Phong cho rằng: “Vụ việc xảy ra là do nhận thức chưa đúng của một số người, cộng với sự xúi giục, kích động của một số đối tượng cầm đầu. Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng điều tra, làm rõ và xử nghiêm theo pháp luật để lập lại kỷ cương”.
Ðây không phải là vụ chống người thi hành công vụ đầu tiên tại khu vực Lán Tranh. Quyền trưởng Ban QLR Lán Tranh Hồ Cảnh Minh cho biết: “Khu vực này luôn là “điểm nóng” phá rừng do đất đai màu mỡ, riêng khu vực tiểu khu 251 từ năm 2007 đến nay đã có gần 100 ha rừng bị chặt phá. Từ đầu năm 2008 đến nay đã có ba vụ chống người thi hành công vụ, thậm chí hồi tháng 02/2008, anh Ðinh Văn Vinh, cán bộ kiểm lâm và một cán bộ của huyện đội Lâm Hà đã bị những người phá rừng trái phép bắt làm con tin để gây sức ép với cơ quan chức năng. Chúng tôi mong rằng, cần có sự phối hợp tích cực và vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan có thẩm quyền để không xảy ra tình trạng lộn xộn”.
Chủ tịch UBND xã Phúc Thọ Hoàng Sơn thẳng thắn: “Một số người coi thường pháp luật, chống người thi hành công vụ mặc dù đã được tuyên truyền, vận động nhiều lần. Mong các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt. Chúng tôi biết rằng, cuộc chiến giữ rừng là đầy cam go và thách thức. Trên những cánh rừng ở nhiều nơi trong tỉnh, tính mạng của lực lượng giữ rừng đã từng đổ xuống. Những cán bộ kiểm lâm, lâm trường, các ban quản lý rừng và những hộ nhận khoán cũng như chính quyền các cấp vẫn đang ngày đêm bảo vệ “lá phổi xanh” của chúng ta”.
Tại cuộc gặp và thăm hỏi những người bị hành hung, ông Bùi Thanh Phong nói: “Các anh chị cứ yên tâm, chúng ta không lùi bước”. Còn anh Ha Krai thì khẳng khái: “Mình phải quyết giữ và bảo vệ rừng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào”.