Cuộc chiến chống lại hiện tượng Trái Đất nóng lên không nên chỉ dừng lại ở việc giảm lượng khí CO2 thải ra. Khí mê-tan, một loại khí gây hiệu ứng nhà kính (HƯNK) khác cũng gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Ấy thế mà những số liệu tính toán tác động của loại khí này vẫn đang còn được bàn thảo.
Nhằm ngăn không cho Trái Đất nóng thêm hai độ nữa, Hội đồng các bộ trưởng môi trường của Liên minh Châu Âu (EU) nhóm họp hôm 30 tháng 10 năm 2007 khuyến nghị các nước “giữ lượng khí gây HƯNK trong không khí ở mức gần bằng mức ổn định thấp nhất tức ứng với khoảng 450 phân tử CO2 trong một triệu phân tử không khí theo thể tích (ppmv)”. Cũng theo Hội đồng này, từ nay đến năm 2050 thì trong vòng 10 hay 15 năm nữa, lượng khí thải ra sẽ đạt mức cao nhất trước khi giảm xuống mức thấp hơn: giảm ít nhất 50% lượng khí đã thải ra năm 1990.
Ta chẳng thể nói gì hơn là hoan nghênh quyết định này. Rốt cuộc cũng sắp có kế hoạch triển khai các biện pháp cắt giảm khí thải gây HƯNK. Tuy nhiên, khi đi sâu xem xét vấn đề một cách cụ thể, cần phải cẩn trọng vì cụm từ “lượng khí CO2 tương ứng”, vốn dùng để chỉ cả nồng độ và các khí gây HƯNK, có thể gây nhầm lẫn nếu như định nghĩa và các nghĩa liên quan của cụm từ này không được các chuyên gia, cố vấn của các nhà chính trị, hiểu rõ.
Lượng khí CO2 tương ứng
Trước khi đi sâu tìm hiểu vấn đề này, cần nhắc lại một số khái niệm. Các-bô-nic là khí gây HƯNK chính nhưng không phải là duy nhất. Còn rất nhiều loại khí khác cũng góp phần làm gia tăng HƯNK. Đó là ô-xít ni-tơ (N2O), ô-zôn (O3) ở tầng đối lưu, clo-rua flu-ô các-bon (CFC) và cả mê-tan (CH4). CH4 được sinh ra từ hoạt động khai thác than, ga, dầu mỏ, từ chất thải các loài nhai lại, hay ở các vùng đất ẩm ướt, ở những bãi rác ngoài trời khi các chất hữu cơ phân hủy.
Mỗi khí gây HƯNK một cách khác nhau. Mỗi khí hấp thụ và phản xạ lại các tia sáng một khác và thời gian tồn tại của chúng trong không khí trước khi chuyển hóa cũng khác nhau. Để đoán biết những diễn biến của khí hậu, các nhà khí hậu học sử dụng các mô hình mô phỏng: họ lấy các số liệu cụ thể và áp chúng lên các kịch bản khác nhau và từ đó đưa ra các dự báo khác nhau. Nhằm đơn giản hóa việc công bố kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học đã quy nồng độ các loại khí gây HƯNK khác nhau về nồng độ CO2 tương ứng, tức khi nói nồng độ CO2 tương ứng thì cần hiểu đó là nồng độ của nhiều loại khí.
Liên minh Châu Âu khuyến nghị duy trì trong không khí lượng khí CO2 tương ứng ở mức ổn định là 450 ppmv. Nó dựa trên các kịch bản chi tiết do các nhà khoa học đưa ra và đã tính đến tác động của mỗi loại khí. Có thể đạt được mục tiêu này nếu đến năm 2050, nhân loại cắt giảm được 50% lượng CO2, 30% lượng CH4 và 30% lượng N2O thải ra so với lượng khí đã thải ra năm 1990. Nếu chỉ giảm mỗi 50% lượng CO2 thải ra thì không thể nào đạt mục tiêu ổn định lượng khí CO2 tương ứng ở mức 450 ppmv được, đây là nồng độ khí gây hiệu ứng nhà kính nhất thiết phải giảm để tránh cho Trái đất nóng thêm 2oC. Do vậy, cần cắt giảm đồng loạt mọi loại khí thải.
Tuy nhiên, ở các phần tiếp theo, tài liệu của Hội đồng châu Âu chỉ đề cập đến việc giảm khí CO2. Tương tự như thế, trong bản kết luận về vấn đề môi trường của Pháp, sau khi khẳng định mong muốn tuân thủ các khuyến nghị của EU, Pháp chỉ đưa ra những biện pháp giảm lượng khí CO2 thải ra mà không lần nào nhắc đến CH4. CH4 và các khí gây hiệu ứng nhà kính HƯNK khác không được nhắc đến trong các bản báo cáo hẳn là do các phương pháp tính toán, đánh giá ảnh hưởng các khí gây HƯNK để từ đó đưa ra các chính sách giảm thiểu các khí trên đã đơn giản hóa vấn đề. Đơn giản hóa đến mức chúng thành ra sai khi quy các lượng khí thải khác nhau ra tấn khí CO2 tương ứng.
Tuy nhiên, tấn khí CO2 tương ứng có ý nghĩa rất chính xác, nhưng lại thường bị lãng quên. Nó được xác định dựa vào mối tương quan giữa tác động làm cho Trái đất nóng lên của một khí gây HƯNK với tác động của khí CO2. Tác động của một loại khí lên khí hậu Trái đất được đo bằng tổng lượng bức xạ của chất đó trong một khoảng thời gian nhất định, 100 năm chẳng hạn, sau khi nó được thải ra. Để xác định được mối tương quan ấy, Ủy ban hợp tác liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đề xuất khái niệm “tiềm năng làm Trái Đất nóng lên” (PRG) tính đến cách chất khí hấp thụ tia hồng ngoại và thời gian chất ấy tồn tại trong không khí.
Giá trị của chỉ số PRG sẽ cho ta thấy được mối liên hệ giữa ảnh hưởng lên Trái Đất của một tấn khí gây HƯNK bất kì vừa mới được thải ra tại một thời điểm nhất định và ảnh hưởng của một tấn CO2 vừa mới được thải ra tại cùng thời điểm. Chẳng hạn, theo Nghị định thư Kyoto, vốn dựa trên các số liệu năm 1995 của IPCC, chỉ số PRG của CH4 trong 100 năm là 21. Như vậy, cứ một tấn CH4 thải ra hôm nay thì 100 năm sau nó sẽ tác động lên môi trường Trái Đất tương ứng với ảnh hưởng do 21 tấn CO2 vừa mới được thải ra hôm nay gây ra. Kể từ khi Nghị định thư Kyoto ra đời, chỉ số PRG của CH4 không ngừng tăng lên. Hiện nay, theo ước tính, chỉ số ấy là 25.
Nếu như các cố vấn chính trị chỉ đơn thuần quên cập nhật thông tin, vẫn cứ cho chỉ số PRG của CH4 là 21 thì không có gì nghiêm trọng cả. Thế nhưng, họ lại quên luôn rằng khi sử dụng chỉ số PRG để tính toán lượng khí thải ra, cần phải có thời điểm quy chiếu mới đánh giá được tác động của các khí ấy. Chỉ số PRG của CH4 chỉ có giá trị là 21 trong khoảng thời gian 100 năm. Một tấn CH4 thải ra tại một thời điểm bất kì vào năm 2000 chỉ có thể quy thành 21 tấn CO2 tương ứng trên cơ sở tổng hợp những tác động do cả CH4 và CO2 gây ra trong khoảng thời gian từ 2000 đến 2100. Đối với một lượng khí thải ra năm 2020, chỉ số PRG trên chỉ có giá trị trong khoảng thời gian từ 2020 đến 2120.
Năm 1992, Hội nghị lần đầu tiên các bên tham gia Hiệp định khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu đã thống nhất khuyến cáo các quốc gia kí hiệp định này rằng họ “có thể” áp dụng các chỉ số PRG trong một khoảng thời gian là 100 năm để thống kê, dự báo lượng khí thải ra và quy chúng ra thành lượng khí CO2 tương ứng. Khoảng thời gian này nhanh chóng được xem như một quy tắc và cũng như nhiều quy tắc khác, nhanh chóng bị lãng quên. Bị quên lãng đến mức đa số những người ra quyết định cho rằng chỉ số PRG luôn là 21 bất kể mốc thời gian nào.
Khi đánh giá vai trò của CH4 trong mối tương quan với CO2, cách nhìn nhận như trên sẽ để lại những hệ quả nghiêm trọng. Thời gian CH4 tồn tại trong không khí là khoảng 12 năm, ngắn hơn so với thời gian tồn tại của CO2. Do đó, chỉ số PRG của CH4 thay đổi rất nhiều tùy theo khoảng thời gian ta chọn để tính toán. Nếu khoảng thời gian đó không phải là 100 năm thì lượng CO2 tương ứng không phải gấp 21 (hoặc 25) lần nữa. Do vậy, cần tính đến khoảng thời gian kéo dài từ năm thải ra khí này đến năm được lấy làm mốc.
Chẳng hạn, năm 2005, Pháp thải ra 2,65 triệu tấn (tt) CH4 và 341 tt CO2. Hiện tại, lượng khí CH4 thải ra ứng với 56 tt CO2 (tức 16% lượng khí CO2 thải ra). Con số này chỉ đúng khi ta đánh giá các tác động do khí này gây ra cho đến năm 2105 vì chỉ số PRG được sử dụng ở đây là 21. Nếu ta chỉ tính đến năm 2055 thì con số đó không còn đúng nữa. Chỉ số PRG của CH4 tính trong 50 năm là 42. Khi đó, lượng CO2 tương ứng là 111 tt, chiếm 33% lượng khí CO2 thải ra. Như vậy, ảnh hưởng lên khí hậu của khí CH4 thải ra tại một thời điểm nhất định vào năm 2005 nghiêm trọng hơn nhiều. Khối lượng tương đối của CH4 thay đổi tùy theo khoảng thời gian ngắn hay dài.
Tuy nhiên, đó chưa phải là lỗi thông dụng duy nhất. Một lỗi khác là: lẫn lộn giữa lượng khí thải ra tại một thời điểm và lượng khí thải ra lâu dài. Ấy vậy mà, khái niệm PRG chỉ có giá trị đối với lượng khí thải ra tại một thời điểm nhất định. Thế nên, nếu áp dụng không thận trọng khái niệm này để đưa ra các số liệu mang tính lâu dài nhằm xem xét các hậu quả do những loại khí này gây nên trong một khoảng thời gian nhất định có thể dẫn đến những đánh giá sai lầm.
Nhân tố thời gian
Các nhà khoa học đã tiến hành so sánh hiệu quả đạt được trong 500 năm nếu ngừng thải hoàn toàn, ngay từ năm đầu tiên, một tấn khí CH4 với những hiệu quả mang lại nếu tại cùng thời điểm đó, ngừng thải hoàn toàn một tấn khí CO2. Họ nhận thấy rằng một tấn CH4 chỉ ứng với 21 tấn CO2 trong một khoảng thời gian là 250 năm. Nó ứng với 57 tấn CO2 trong 50 năm và với 39 tấn CO2 trong 100 năm. Như vậy, với mốc thời gian 50 năm, nếu xem chỉ số PRG của CH4 là 21 thì những hậu quả do HƯNK gây ra sẽ bị đánh giá thấp đi rất nhiều: mất 2,7 lần và 1,9 lần với mốc 100 năm.
Các nhà khoa học cũng đã thực hiện những phép tính tương tự cho tất cả các năm ngừng thải các khí gây HƯNK và theo
từng mốc thời gian khác nhau từ 0 cho đến 500 năm. Chỉ với phương pháp ấy các nhà khoa học mới có thể so sánh được các chính sách giảm lượng khí CH4 và CO2 thải ra khác nhau tại những thời điểm khác nhau và trong những khoảng thời gian khác nhau. Cho dù đó là những chính sách lâu dài hay chỉ áp dụng trong một khoảng thời gian.
Từ những nhận định trên, ta có thể rút ra nhiều kết luận. Trước hết, cần ý thức rõ những hạn chế của việc sử dụng chỉ số “tiềm năng làm Trái Đất nóng lên” để đo lượng khí gây HƯNK (không phải CO2) thải ra vì chỉ số này sẽ làm giảm mạnh vai trò của việc giảm lượng khí gây HƯNK có thời gian tồn tại ngắn.
Việc sử dụng các chỉ số PRG chỉ được xem là phù hợp một khi ta áp dụng chúng, năm này sang năm khác, cho những mốc thời gian đã được các nghiên cứu về khí hậu thừa nhận, đặc biệt là các mốc 2050, 2100 và 2150. Vấn đề càng quan trọng hơn khi hiện nay, sự quan ngại của các nhà khí hậu học càng gia tăng và họ không chỉ khuyến cáo phải duy trì nồng độ khí gây HƯNK ở mức ổn định trong một thời gian dài mà còn cần ngăn chặn tối đa không cho nồng độ các khí này vọt lên ở bất cứ thời điểm nào trong thế kỉ này. Một vấn đề nữa cũng hết sức quan trọng là tuân thủ thời gian cắt giảm lượng khí thải đã cam kết vì không thể nào thực hiện được các kịch bản khí hậu đã vạch ra một khi các quyết định lệch pha nhau, cho dù chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.
Lượng khí thải ra thực sự
Cuối cùng, ta nhận thấy rằng ảnh hưởng của các chính sách cắt giảm lượng khí CH4 thải ra được cam kết trong một thời gian ngắn có thể dài lâu hơn việc chỉ đơn thuần tính đến chỉ số PRG hiện nay. Ít nhiều lờ đi vai trò của khí mê-tan do những tính toán thiếu chính xác sẽ làm tổn hại đến đặc điểm ít nhiều mang tính chuyên nhất của mối liên hệ giữa vấn đề khí thải gây HƯNK và vấn đề năng lượng. Không, cuộc chiến chống lại hiện tượng nóng lên toàn cầu không thể chỉ gói gọn ở việc giảm sử dụng các chất đốt hoá thạch.
Ngoài ra, nếu như nồng độ CH4 trong không khí vốn tăng rất nhanh sau khi cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra đã giảm từ vài năm lại đây vì những lí do vẫn đang còn được bàn cãi thì nồng độ ấy hoàn toàn có thể tăng nhanh trở lại do băng ở Bắc cực tan ra chẳng hạn. Do vậy, điều quan trọng lúc này (trong bối cảnh bản báo cáo mới nhất của IPCC chỉ ra những hậu quả do bất ổn khí hậu gây ra trong tương lai không xa) là các chính sách cắt giảm lượng CH4 và những khí thải gây HƯNK khác phải dựa trên những lượng khí thải thực sự, phải khớp với các kịch bản của IPCC và phù hợp mục tiêu giảm nồng độ các chất này đã được đề ra tại các mốc thời gian quy định.
Hơn nữa, ngoài nỗ lực giảm lượng khí CO2 thải ra, trong tương lai gần, cần phải chú ý giảm lượng CH4 thải ra vì trong vài thập kỉ tới, ảnh hưởng của loại khí này lên môi trường sẽ rất nghiêm trọng. Cần phải tận dụng khoảng thời gian hai năm dành để đàm phán một kịch bản hậu Nghị định thư Kyoto, quyết định của Hội nghị Ba-li vừa qua, để đưa ra một cách nhìn nhận mới về vấn đề khí thải gây hiệu ứng nhà kính này.