An ninh lương thực cần được hiểu và phải bao gồm: đủ lương thực cho xã hội để không ai bị đói; người làm ra lương thực không bị nghèo đi, dù là nghèo đi một cách tương đối so với mặt bằng xã hội.
Lạm phát ở Việt Nam (VN) từ trước đến nay đều có dấu ấn của lương thực và nhiên liệu. Khi cả hai yếu tố trùng hợp thì lạm phát dễ bộc phát và càng bị thúc đẩy tăng cao. Nhiên liệu là yếu tố từ bên ngoài, chúng ta không thể kiểm soát được. Nhưng với lương thực, đất nước chúng ta cho đến nay có đủ khả năng giải quyết. Ưu thế này cần được tận dụng.
Nền công nghiệp gia công đã bộc lộ những nhược điểm lớn, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát toàn cầu, dầu hỏa ngày càng khan hiếm. Trong khi đó sức mạnh của nền công nghiệp chế biến thực phẩm gắn liền với thế mạnh nông nghiệp đã không được quan tâm đầu tư và có kế sách phát triển. Nông nghiệp cần được quan tâm lưu ý trên cả hai mặt: gia tăng đầu tư và tạo ra thể chế cho môi trường kinh doanh mới trong nông nghiệp và nông thôn.
An ninh lương thực đã trở thành vấn đề toàn cầu chứ không riêng gì với Việt Nam. Vai trò nông nghiệp thế giới đang thay đổi, nông nghiệp không chỉ cung cấp lương thực thực phẩm cho con người mà còn cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp năng lượng. Nông nghiệp sẽ trở lại là ngành có khả năng sinh lợi cao, đặc biệt khi nó kết nối với chuỗi chế biến thực phẩm.
Đầu tư lớn vào nông nghiệp và nông thôn là kế sách lâu dài, chống đỡ lạm phát hữu hiệu và tạo lập nền tảng cho nền công nghiệp chế biến thực phẩm mạnh.
An ninh lương thực cần được hiểu và phải bao gồm: đủ lương thực cho xã hội để không ai bị đói; người làm ra lương thực không bị nghèo đi, dù là nghèo đi một cách tương đối so với mặt bằng xã hội. Nếu chỉ nhấn mạnh về thứ nhất thì sản xuất sớm hay muộn cũng suy giảm, đất trồng lúa sẽ bị suy giảm. An ninh lương thực chỉ được đảm bảo khi lợi ích của người trồng lúa được tính đến.
Cho dù lo lắng với việc chống lạm phát nhưng trong mọi trường hợp giá lúa gạo thấp luôn có nguy cơ tiềm ẩn an ninh lương thực quốc gia.
Đòi hỏi đầu tư cho nông nghiệp
Một nghịch lý rất lớn hiện nay: giá lương thực tăng góp phần đẩy lạm phát tăng, nhưng khi lạm phát tăng thì người bị thiệt nhất lại là người làm ra lương thực.
Thứ nhất, mặt bằng giá lương thực thế giới đã được nâng lên nhưng số tiền gia tăng đó không đến tay người nông dân, vì người nông dân đã bán hết sản phẩm của họ trước khi giá tăng. Thứ hai, người nông dân bán sản phẩm nhưng thường không nhận được tiền ngay, đến khi nhận được tiền thì giá trị của đồng tiền đó đã bị giảm rất nhiều do lạm phát. Thứ ba, giá nông sản tăng nhưng nhiều loại vật tư cho sản xuất nông nghiệp còn tăng nhanh hơn và đang hình thành mặt bằng giá mới trong nước.
Để khắc phục điều này, Chính phủ cần có sự hỗ trợ đầu tư cho nông dân tăng cường năng lực dự trữ, đó là yếu tố hết sức quan trọng. Dự trữ của Chính phủ cũng không nên giao cho các công ty, dù đó là công ty nhà nước. Thời gian để dự trữ lúa gạo cho các nông hộ không dài nhưng nông dân rõ ràng bị hạn chế về kho chứa và nhu cầu tiền mặt để hoàn trả các khoản nợ chi phí sản xuất. Một hệ thống tín dụng tốt ở nông thôn có thể giúp cho việc này.
Trong thời kỳ lạm phát, biện pháp trợ cấp trực tiếp cho người nghèo không hiệu quả bằng việc cải thiện hiệu quả của chuỗi cung ứng nông nghiệp, bao gồm cả giảm thuế nhập khẩu đầu vào cho vật tư nông nghiệp, và giảm thuế đối với thương mại nông sản trong nước.
Biện pháp mang ý nghĩa dài hạn hơn là đầu tư cải thiện hiệu quả của kinh tế nông nghiệp, bao gồm cả công nghệ sau thu hoạch. Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới, năm 2000 ở châu Á, mức đầu tư công vào nghiên cứu và ứng dụng trong nông nghiệp chỉ chiếm 0,4% GDP khu vực nông nghiệp. Trong khi đó, con số tương ứng ở các nước phát triển là 2,36%. Từ năm 2000 đến nay, sự chênh lệch đó vẫn chưa có thay đổi nào đáng kể.
Đòi hỏi cải cách thể chế ở nông thôn
Cải cách thể chế ở nông thôn là cực kỳ quan trọng cho công cuộc đổi mới trong nông nghiệp, nông thôn.
Tăng cường khả năng nhận biết các dấu hiệu thị trường và năng lực kinh doanh của nông dân và ở khu vực nông thôn. Bao gồm: tăng cường việc cung cấp thông tin và đẩy mạnh việc ứng dụng Internet nông thôn. Hai việc tiếp cận này đều là đặc biệt quan trọng giúp người nông dân rộng mở, hiểu biết nhiều hơn để chọn lựa phương pháp sản xuất thích ứng cho mình. Điều này cũng giúp mạng lưới Internet phát triển, dịch vụ cung cấp tin mở rộng, các chương trình ứng dụng phát triển nhanh. Tinh thần kinh doanh thôi thúc học hỏi và cảm nhận nhu cầu đổi mới. Áp lực này sẽ buộc các cấp chính quyền địa phương, xã, huyện quan tâm hơn đến các vấn đề phức tạp trong thể chế vi mô, đặc biệt ở khu vực nông thôn.
Mô hình kinh tế hộ không còn thích ứng trong bối cảnh hiện nay. Từng nông hộ riêng lẻ sẽ không thể canh tác có hiệu quả trên mảnh đất nhỏ và cũng không thể đối phó các vấn đề từ toàn cầu hoá một cách hiệu quả. Vì vậy, hạn điền nên được xem xét để mở đường cho giai đoạn mới trong nông nghiệp. Tăng thu nhập bền vững cho nông dân chính là đầu tư vào hạ tầng, nguồn lực, thể chế tạo điều kiện cho người nông dân tiếp cận thông tin mới, gia nhập thị trường, tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp và chế biến thực phẩm toàn cầu.
Chống lạm phát chỉ thành công khi các giải pháp căn cơ liên quan đến sản xuất, đến cải cách thể chế, môi trường kinh doanh được cải thiện mạnh làm hồi sinh năng lực của các công ty, các hộ gia đình kinh doanh. Nông nghiệp là một lĩnh vực cực kỳ quan trọng trong cải cách. Nông thôn ổn định thì đất nước phát triển, nông thôn giàu có hơn thì đất nước tiến bộ.