Sau nhiều năm thực hiện chuyển đổi ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình kinh tế VAC, đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã hình thành gần 2.000 trang trại có quy mô vừa và nhỏ, giá trị sản xuất cao hơn 3 – 5 lần so với độc canh cây lúa. Thành công này có đóng góp của Hội làm vườn (HLV) tỉnh và sự hưởng ứng nhiệt tình của hàng ngàn hội viên.
Những năm qua, phong trào cải tạo vườn tạp, xây dựng mô hình kinh tế VAC ở Bắc Ninh phát triển khá rầm rộ, góp phần làm thay đổi diện mạo nhiều vùng nông thôn. Những khái niệm như trang trại VAC tổng hợp, kinh tế hàng hoá, chuyên canh bền vững… đã trở nên quen thuộc với hội viên, nông dân trong tỉnh.
Theo ông Nguyễn Xuân Vững, Phó chủ tịch HLV Bắc Ninh, để nghề vườn và kinh tế VAC tiếp tục phát huy thế mạnh, Bắc Ninh đã và đang thực hiện 5 giải pháp cơ bản: củng cố tổ chức HLV từ cơ sở; xây dựng quy hoạch, kế hoạch nghề làm vườn và kinh tế VAC hàng năm; đầu tư kinh phí phù hợp; HLV chỉ đạo quá trình hoạt động theo phương châm “gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm” trên các địa bàn; nhân rộng phong trào làm vườn tình nghĩa. Trong đó, tỉnh đã chỉ đạo các ban ngành chức năng nghiên cứu, sản xuất và phổ biến các loại giống cây trồng – vật nuôi mới, dụng cụ, máy móc thích hợp cho nghề làm vườn; đúc rút kinh nghiệm của các điển hình tiên tiến để phổ biến cho nông dân. HLV từ tỉnh đến cơ sở chủ động đứng ra tổ chức các hoạt động dịch vụ, cung ứng vật tư, phân bón, cây, con giống mới…
Có thể nói, những giải pháp trên đã được Bắc Ninh đưa vào thực tế khá nhuần nhuyễn và hiệu quả. Trong đó, huyện Tiên Du được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong việc thực hiện các giải pháp lớn như: quy hoạch vùng sản xuất; hỗ trợ đất đai, vốn, đưa công nghệ mới vào sản xuất, góp phần giúp bà con đầu tư, khai thác hiệu quả 430ha ruộng trũng, phát triển nuôi thuỷ sản theo hướng hàng hoá với mục tiêu tăng giá trị lên 2 – 3 lần so với độc canh cây lúa. Huyện Hội chú trọng chỉ đạo hội viên ở các xã Phú Lâm, Việt Đoàn, Liên Bão… xây dựng vùng nuôi thuỷ sản tập trung để đầu tư thâm canh, khắc phục tình trạng nuôi tự phát, manh mún.
Đến nay, toàn huyện đã chuyển 3.000ha ruộng trũng sang nuôi thả cá các loại, trong đó có 180ha nằm trong các dự án đã được phê duyệt, tạo ra nhiều vùng sản xuất thuỷ sản tập trung, có giá trị kinh tế cao, thu hút nhiều lao động nông thôn. Trên 200 hộ dân sản xuất theo mô hình này đã có thu nhập 45 – 50 triệu đồng/ha/năm, trừ chi phí, lãi khoảng 17 – 20 triệu đồng/ha/năm. Nhiều hộ có diện tích nuôi thả lớn, đạt thu nhập 60 – 80 triệu đồng/năm như gia đình ông Nguyễn Công An ở thôn Ngang Na (xã Hiên Vân), ông Đỗ Tất Triển ở thôn Liên áp (xã Liên Bão)… Trên vùng trũng, hơn 110 hộ dân đã hình thành mô hình kinh tế trang trại, sản xuất kinh doanh tổng hợp.
Cách làm của Hợp tác xã Nghĩa Đạo (Thuận Thành) cũng được coi là điển hình trong phong trào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Với mô hình luân canh 4 vụ: lúa xuân + dưa gang sớm + dưa gang muộn + cây vụ đông, HTX đã tạo được nhiều cánh đồng cho thu nhập 70 triệu đồng/ha/năm. Hay HTX nuôi trồng thuỷ sản Đình Bảng (Từ Sơn), HLV xã Bình Dương (Gia Bình), Phú Hoà (Lương Tài), Tam Đa, Trung Nghĩa (Yên Phong) … đã mạnh dạn đưa vào nuôi một số loài đặc sản giống mới như ba ba gai, ếch Thái Lan, rô phi đơn tính, nhím, hươu, cá điêu hồng… Đến giờ, cả tỉnh đều biết ông Nguyễn Thế Xuyên, Chi hội trưởng Chi HLV thôn Châu Cầu (Châu Phong – Quế Võ), người đầu tiên nuôi cá lóc; ông Nguyễn Duy Kiếm, hội viên thôn Phương Độ (Bình Dương – Gia Bình), người dám nuôi liền một lúc trên 3.000 con ếch Thái Lan.
Trong báo cáo kết quả công tác năm 2007 của HLV tỉnh Bắc Ninh còn dẫn chứng nhiều gương điển hình để chứng minh tính hiệu quả của phong trào phát triển kinh tế hộ. Điển hình như mô hình trang trại VAC gắn với sản xuất đa canh của gia đình anh Trịnh Đức Ha ở thôn Hiệp Sơn (Đông Cứu – Gia Bình). Năm 2004, anh Ha đầu tư gần 200 triệu đồng đào 2 ao nuôi cá thịt, 1 ao sản xuất cá giống, xây 700m2 chuồng trại để nuôi 150 con lợn, 100 con thỏ sinh sản và trồng 1.000 cây ổi Thanh Hà, 500 cây bưởi Diễn, hàng vạn khóm sả trên 7 mẫu ruộng trũng nhận khoán. Để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, đồng thời giữ gìn vệ sinh môi trường, anh sử dụng chế phẩm sinh học EM. Do EM làm tăng quá trình chuyển hóa thức ăn, sau khi ủ có mùi thơm nên gia súc, gia cầm và cá ăn rất tốt, giúp giảm ô nhiễm môi trường và 25-30% chi phí thức ăn. Bình quân mỗi năm anh Ha thu khoảng 10 tấn cá thương phẩm, bán 2 tấn cá giống, hàng tấn củ sả, 10 tấn ổi, … tổng doanh thu khoảng 200 triệu đồng.
Cũng theo ông Vững, trong số gần 2.000 trang trại của tỉnh thì có tới 75% trang trại cho thu nhập 68,3 triệu đồng/năm. Các địa phương đã thành lập được 237 chi hội VAC, 50 chi hội nghề cá, 33 câu lạc bộ khuyến nông với hơn 7.000 hội viên. Mô hình kinh tế VAC đã thu hút trên 8.000 hộ dân với khoảng 12.000 lao động tham gia sản xuất. Sau nhiều năm vận động và chuyển đổi cơ cấu cây trồng -vật nuôi, đến nay, 8 huyện, thành phố của tỉnh đã cải tạo được trên 1.500ha vườn tạp. Ngoài ra, năm 2007, Ban Thường vụ HLV tỉnh còn thành lập Ban chủ nhiệm lâm thời Câu lạc bộ trang trại tỉnh Bắc Ninh với 100 hội viên tham gia; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho 60 chủ trang trại…