ThienNhien.Net – Các kiểu thời tiết cực đoan như hạn hán hay lũ lụt đều liên quan đến sự nóng lên toàn cầu, và có thể gây ra sự lan truyền bệnh dịch, huỷ diệt các loài vật nuôi cũng như các loài động vật hoang dã.
Một nghiên cứu mới đây cho thấy những hiện tượng thời tiết cực đoan như thế sẽ làm phá vỡ mối quan hệ vốn có giữa sinh vật kí sinh và mầm bệnh, là nguyên nhân gây ra sự bùng nổ dịch bệnh trong vùng.
Nghiên cứu này được thực hiện bởi một nhóm các nhà khoa học đến từ trường Đại học California và nhiều cơ quan nghiên cứu khác. Từ năm 1994 – 2001, họ đã nghiên cứu loại vi rút gây bệnh ho sốt chó (CDV) – căn bệnh đã gây tử vong một số lượng lớn sư tử ở Vườn Quốc Gia Serengeti của Tanzania và khu vực miệng núi lửa Ngorongoro.
Theo nghiên cứu, trên cơ thể những con sư tử luôn có những loài ve, bét sống ký sinh. Thông thường những loài kí sinh này tồn tại cùng sư tử với mật độ thấp và vô hại đối với sư tử.
Tuy nhiên khi xuất hiện virut CDV ức chế hệ miễn dịch của sư tử, đồng thời tình trạng hạn hán làm cho số lượng các loài ký sinh hút máu mang mầm bệnh CDV tăng đột ngột, là nguyên nhân gây chết hàng loạt sư tử.
Năm 1994, số lượng sư tử ở Serengeti đột nhiên giảm xuống hơn 35 % sau dịch bệnh có kèm theo hạn hán. Hiện tượng này lại xuất hiện ở miệng núi lửa năm 2001.
Craig Packer đến từ trường Đạ học Minnesota cho biết: “Nghiên cứu này đã làm sáng tỏ các nhân tố sinh thái có thể tạo ra những hiện tượng huỷ diệt hàng loạt đối với động vật, đồng thời cũng đưa ra giả thuyết là sự kết hợp giữa yếu tố thời tiết cực đoan và dịch bệnh là nguyên nhân chính của hầu hết sự huỷ diệt trong tự nhiên”.
Số lượng cá thể sư tử đã được phục hồi trong vòng 3 đến 4 năm sau đó, nhưng vấn đề hiện nay là tình trạng biến đổi khí hậu làm cho các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán xảy ra thường xuyên hơn, đặc biệt ở Đông Phi. Do đó, nguy cơ xảy ra dịch bệnh cho các loài động vật hoang dã ở đây cũng như nhiều nơi khác trên thế thới đang ngày trở nên nguy hiểm.