Đã nhiều năm nay, nhân dân ở thôn 1, xã Quảng Lưu (Quảng Xương – Thanh Hóa) gần khu vực hồ nuôi tôm trên cát đang phải sử dụng nguồn nước ngầm bị ô nhiễm. Nhiều hộ dân đang đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt, đất nông nghiệp bị nhiễm mặn, bệnh tật phát sinh…
Chị Trịnh Thị Sành, một nông dân thôn 1, cho biết: “Đã gần 4 năm nay, nguồn nước ngầm ở các giếng khoan đều bị ô nhiễm không thể sử dụng được. Gia đình có 4 khẩu, dùng hà tiện cũng mất gần 20 lít nước/ngày. Nước ngọt xin về chủ yếu dùng để nấu cơm, canh, nước uống…”
Khan hiếm nước ngọt, các thành viên trong gia đình hằng ngày vẫn phải tắm, giặt bằng thứ nước ngầm bị ô nhiễm vừa chua, vừa mặn được bơm lên từ các giếng khoan. Nồi, xoong, chảo khi rửa bằng thứ nước này để qua đêm sáng hôm sau đều ngả màu. Quần áo giặt xong, khi mặc thô ráp, ngứa ngáy rất khó chịu…
Cảnh thiếu nước ngọt của gia đình chị Sành cũng là tình cảnh chung của 38 hộ dân, hơn 200 nhân khẩu ở thôn 1, xã Quảng Lưu. Anh Trịnh Bùi Quyết, một nông dân kể lại: “Từ lâu, khi dự án nuôi tôm trên cát hoạt động thì cũng là lúc hơn 20 ha lúa, rau màu ở xung quanh khu vực hồ nuôi tôm bị nhiễm mặn không sản xuất được, hoặc có sản xuất cũng chỉ cho năng suất thấp”.
Trao đổi vể vấn đề này, ông Nguyễn Công Sinh, Chủ tịch UBND xã Quảng Lưu, khẳng định: “Cuối năm 2001, xã đã quyết định chuyển 22 ha đất bãi biển trồng cây lâm nghiệp (phi lao chắn sóng) sang cho các đơn vị, doanh nghiệp là Trại giam Thanh Lâm thuộc Cục V26-Bộ Công an, Công ty Trang Sơn, Công ty Tuấn Hiền và gia đình ông Tống Đình Hùng, Nguyễn Văn An để thực hiện dự án nuôi tôm trên cát. Tuy nhiên, do quy trình thiết kế kỹ thuật các ao nuôi không bảo đảm theo quy định, nước mặn từ các ao nuôi bị ngấm ra ngoài, các đường ống xả nước thải thẩm thấu ra vùng đất đông – tây, đường 4C, tại thôn 1, gây ô nhiễm nặng nguồn nước sinh hoạt và làm nhiễm mặn đất nông nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của nhân dân”.
Trước tình hình trên, chính quyền xã Quảng Lưu đã tìm giải pháp khắc phục bằng cách tổ chức khoan thăm dò độ sâu từ 50 đến 60m, lắp các giếng khoan cho nhân dân nhưng nguồn nước vẫn bị nhiễm mặn nặng.
Địa phương cũng đã trích ngân sách để xây bể chứa nước mưa cho từng hộ gia đình, thế nhưng nguồn nước mưa không thể đáp ứng đủ cho nhân dân sinh hoạt trong cả năm.
Năm 2006, xã Quảng Lưu và các đơn vị, doanh nghiệp đã bàn bạc và thống nhất đầu tư 120 triệu đồng xây dựng một công trình dẫn nước sạch về cho các hộ dân thôn 1. Thế nhưng, do máy bơm, bể chứa và đường ống dẫn nước quá nhỏ, thiết kế không đúng quy trình kỹ thuật nên nguồn nước không về được các hộ gia đình. Nhân dân thôn 1 vẫn hằng ngày sống thiếu nước ngọt và nguy cơ đối mặt với những căn bệnh lạ. Nhiều năm nay nhân dân trong thôn đã liên tục làm đơn kiến nghị đến các cấp chính quyền, song tình hình vẫn chưa có gì sáng sủa.
Đã đến lúc, các ngành chức năng cần phải vào cuộc để phối hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị, doanh nghiệp làm rõ vấn đề, sớm tìm ra giải pháp hữu hiệu giúp nhân dân ở đây ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất.