Kỳ Anh là huyện khó khăn nhất của tỉnh Hà Tĩnh bởi điều kiện đất đai, khí hậu không thuận lợi cho việc thâm canh các loại cây trồng. Chẳng thế mà nhiều người thường ví vùng này là “chảo lửa, túi mưa”. Tuy nhiên, nhờ những bước đi mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà đời sống của bà con dần được nâng cao.
UBND huyện đã quy hoạch 16,2ha tại cánh đồng Vại, xã Kỳ Hoa (trước đây chủ yếu trồng lạc) để xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn. Các loại cây trồng chủ yếu là dưa, bầu, bí, lạc, đậu, ngô…
Nhằm giúp mô hình đạt hiệu quả cao, huyện giao cho Trung tâm ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ triển khai thí điểm 2ha trong năm 2007 và 1,6ha năm 2008 với 36 hộ tham gia. Ngoài việc hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn kỹ thuật, huyện còn đầu tư trên 100 triệu đồng xây dựng hệ thống kênh mương tại vùng quy hoạch.
Cũng như các hộ khác ở xóm Hoa Đông (xã Kỳ Hoa), gia đình chị Đào Thị Vân được cấp 1 sào (500m2) để trồng rau. Do năm đầu chưa có kinh nghiệm nên rau bị sâu bệnh gây hại nặng, năng suất thấp. Năm 2008, được sự hỗ trợ của Trung tâm ứng dụng chuyển giao khoa học nên năng suất vườn rau nhà chị cao hơn hẳn.
Chị cho biết: “Từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau tôi trồng các loại rau cải, sau khi thu hoạch 2 lứa bắt đầu trồng xen dưa non, bầu bí. Cuối tháng 3, đầu tháng 4 thu hoạch bí đỏ (thu hoạch ngọn, 2/3 quả non, 1/3 quả già), bí xanh, mướp đắng; đến cuối tháng 6 khi các loại rau hết mùa, bắt đầu trồng lạc”.
Ông Võ Xuân Sơn, Phó giám đốc Trung tâm ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ huyện Kỳ Anh, cho biết: “Với chủ trương không cho đất “nghỉ”, theo phương thức luân canh, xen canh các loại cây trồng nên thời gian nào chúng tôi cũng tạo ra nguồn rau xanh. Do vậy, hiệu quả của mô hình khá cao”.
Từ những thành công bước đầu của mô hình sản xuất rau an toàn tại đồng Vại, UBND huyện Kỳ Anh đã tổ chức cho cán bộ khuyến nông, nông dân ở các địa phương tham quan học tập để nhân rộng. Bà con đánh giá cao hiệu quả của mô hình, giúp nông dân từng bước thay đổi tập quán sản xuất độc canh, áp dụng tiến kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, tạo ra vùng rau an toàn chất lượng cao, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.