Trên chiều dài bờ biển 254km qua địa bàn tỉnh Cà Mau hiện đang có trên 15.000 dân sống cheo leo trước đầu sóng ngọn gió, có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào. Câu chuyện vòi rồng tấn công ám ảnh cuộc sống yên lành của người dân U Minh, Cà Mau.
Cư dân ven biển Cà Mau bị ám ảnh bởi những cái vòi rồng. “Chúng xuất hiện từ ngoài khơi biển cả. Có khi 2, 3 vòi cùng xuất hiện một lúc. Chúng di chuyển chậm theo sự hồi hộp đến đứng tim của cả xóm. Có lần chúng đã tấn công đúng xóm dân cư cửa biển Hương Mai này” – ông Trần Văn Ngữ, Trưởng ấp 7, xã Khánh Tiến, huyện U Minh bồi hồi kể lại.
Ông Ngữ nhớ rõ thời điểm bị vòi rồng tấn công. Đó là một buổi chiều tháng 06/2006. Bầu trời ảm đạm. Sấm sét vang rền.
Nuốt chửng nhà dân
Chiều hôm đó không có dự báo bão, ông Ngữ không có lệnh phải di dân như mọi khi. Khi trời giông gió, sấm sét thì cư dân ở cửa biển Hương Mai cũng không ra biển được. Họ tụm năm, tụm ba cùng với trà, rượu và nói chuyện tiếu lâm như những ngày mưa gió khác.
Ông Ngữ đến nhà Ba Dự ngồi uống rượu với anh em. Bỗng… “Tôi thấy phía Tây, ngoài khơi xuất hiện 2 cái vòi rồng, đi song song với nhau. Tôi không dám nói vì sợ làm kinh động mọi người, len lén quan sát coi chúng đang đi về hướng nào. Ba Dự cũng thấy, anh khều tôi nói nhỏ “có thấy hai cái chân thò xuống chưa?”. Tôi gật đầu và ra hiệu đừng manh động” – ông Ngữ kể.
Phải nói thêm rằng, chuyện xuất hiện những cái vòi rồng nơi đây là rất thường xuyên. Mỗi lần như vậy, người dân hồi hộp theo dõi, thầm khấn Phật – Trời cái vòi ấy đừng đi vào xóm mình. Đương nhiên không ai dám hô hoán, vì trong tâm linh mỗi người, đó là hoạt động hút nước của rồng do ông trời sai bảo, không được làm kinh động.
Hai cái vòi từ nhỏ xíu bằng chiếc đũa ăn, đen sậm, đã to dần và trắng xóa. Rõ ràng chúng đi về hướng xóm dân cư cửa biển Hương Mai. Ông Ngữ cùng nhiều bà con nhắm mắt khẩn cầu, vì không còn cách nào khác, chúng đã quá gần.
Vòi rồng. |
“Tôi thấy nó to bằng cái nhà rồi, khó thoát. Dân cư nhốn nháo, một vài người la toáng lên. Tôi trấn an mọi người rằng nó đang chuyển hướng Tây, ra ngoài vùng biển khơi” – ông Ngữ nhắm mắt, hồi hộp kể. Ông Ngữ thừa nhận mình nói bừa nhằm trấn an mọi người bình tĩnh, nhưng trong đầu ông đang nghĩ cách xử lý tình huống nguy cấp này.
Ông bỏ tiệc nhậu, đi về hướng mũi tấn công của vòi rồng, định di tản một số hộ dân nằm ngay mũi tấn công. Nhưng bất ngờ, hai cái vòi cùng chuyển hướng ra khơi. Ông Ngữ thở phào, đi luôn về nhà ăn cơm chiều với vợ con. “Nhưng khi tôi mới vừa và có một đũa cơm thì anh em ở ngoài cống Hương Mai gọi điện vào, vòi rồng đã tấn công, nuốt chửng một căn nhà và làm bị thương nặng thằng Cái Văn Côn. Tôi bỏ đũa chạy ra hiện trường. Một cảnh tượng khủng khiếp!”.
Toàn bộ cái nhà làm vựa cá tôm của anh Chim Văn Phương bị biến mất, không còn lại một cây cột, miếng tôn nào. Bà con chia nhau đi tìm thì phát hiện nó bị vòi rồng hút và quẳng vào bìa rừng, phía trong đê, cách chỗ cũ gần 20m.
Lúc này, bà con đã cõng anh Cái Văn Côn đi trạm xá. Bà con kể lại, khi vòi rồng hướng thẳng vào xóm, mọi người chạy tán loạn ra khỏi hướng đi của nó. Anh Cái Văn Côn cố gắng nán lại, niềng nịch mấy thùng tôm cá (anh đem đến bán cho vựa anh Phương) nên chạy không kịp, bị tôn nhà bay cắt gần lìa bàn chân. Anh phải điều trị cả tuần, tốn vài triệu bạc mà cái chân vẫn phải bị dị tật vĩnh viễn.
Ông Ngữ bần thần nói tiếp: “May mà cái vòng ấy đi vào khu trống nhất trong xóm, chỉ có cái vựa cá của Phương, chứ nếu nó đi dọc theo xóm thì trên 40 nóc nhà xóm này sẽ bị nuốt sạch. Nhiều người sau đó đã phải nấu mâm cơm cúng trời đất vì đã phù hộ cho vòi rồng không tàn phá nhà mình!”.
Ám ảnh
Ông Nguyễn Văn Ẹm, một cư dân có trên chục năm sống ở ven đê biển Tây gần cửa biển Hương Mai kể rằng, đã chứng kiến gần chục lần vòi rồng xuất hiện ở ngoài biển. Tuy nhiên chỉ một lần chúng tấn công vào xóm dân cư Hương Mai, còn lại là tự tan hoặc di chuyển đi chỗ khác.
“Vòi rồng ít xuất hiện, nhưng mỗi lần xuất hiện thì cư dân chúng tôi như ngồi trên lửa. Thường, chúng xuất hiện mà không được dự báo trước, dân cư không kịp di dời vào vùng an toàn. Nếu chúng tấn công vào xóm thì coi như chúng tôi phải chịu trận, bỏ của chạy lấy người. Nó thường đi với những cơn mưa đầu mùa, đầy sấm sét và giông gió lớn”. Vòi rồng ám ảnh mọi người, tuy nhiên đó không phải là nỗi ám ảnh duy nhất với những cư dân đã trót sinh sống ở những xóm dân cư ven mé biển như xóm Hương Mai này.
Ngồi trong căn nhà của mình, nhưng ông Nguyễn Văn Ẹm cứ nhìn ra hướng biển, nơi có những đám mây đang tích tụ đen dần. |
Ông Ngữ, trưởng ấp, cho biết: “Vào mùa mưa bão thì chính quyền và người dân nơi đây nơm nớp lo âu. Không biết sẽ bị bão lũ, sóng to nuốt chửng ngày nào. Và dù chưa từng bị thiên tai tàn phá nặng nề lần nào, nhưng những vất vả, khổ sở khi có bão thì người dân nơi đây đã hứng chịu quá nhiều!”. Ông Ngữ và mọi người cùng kể về những trận trốn chạy thiên tai.
Tháng 12/2006, hung tin một cơn bão mang tên Durian đang tấn công mạnh từ biển Đông vào các tỉnh ven biển miền Nam Việt Nam khiến cả xóm Hương Mai và chính quyền địa phương nơi đây táo tác như chim vỡ tổ.
Ông Ngữ chạy dài theo xóm thông báo từng nhà phải di dời ngay trẻ con và người già vào đất liền, trong lúc này một đội thông tin lo chạy xuồng máy đuôi tôm dọc theo chân đê thông báo với những cư dân ở rải rác trên đê và ven đê về tình hình cơn bão, yêu cầu di dời khẩn cấp. UBND xã Khánh Tiến thì điều hai chiếc ghe loại lớn khẩn cấp ra cửa Hương Mai đón bà con vào sâu trong đất liền… cả xóm xốn xang. Mọi việc làm ăn đều phải dừng lại, tập trung toàn lực phòng thiên tai. “Đó là cái chuyện thường xuyên ở xóm Hương Mai này. Năm nào cũng phải chạy bão vài lần” – ông Ngữ khẳng định.
Chạy bão dần dần trở thành một thói quen tất nhiên của mọi người. Ông Nguyễn Văn Yên, một hộ kinh doanh tạp hóa ở cửa Hương Mai cho biết: “Trong nhà lúc nào cũng phải có những cái bọc loại lớn nhất để khi có tin báo bão là thồn tạp hóa vào cổng qua chốt biên phòng gửi. Và một điều tất nhiên, ai cũng biết là vào mùa mưa thì bổ đồ ít lại, chấp nhận teo tóp việc buôn bán để bảo toàn tài sản”. Còn với những cơn mưa giông không được dự báo là bão, thì người đàn ông trong nhà đành thức trực vào ban đêm.
“Đêm nào mưa to, gió lớn là tôi không ngủ được, phải thức trực đến khi hết giông gió. Vì lỡ như có lốc xoáy cục bộ mình phải cõng con thơ, mẹ già chạy khỏi nhà. Những trường hợp này thì đành bỏ của lấy người thôi!” – ông Yên nói.
Nhưng vì cuộc mưu sinh, những người dân Hương Mai đành phải mạo hiểm sống nơi đầu sóng ngọn gió này. “Nguy hiểm chực chờ, nhưng bà con không có đường nào chọn lựa. Bởi bà con đa số nghèo, không còn nơi nào dung thân, hơn nữa phải sống ở mé biển như thế này mới tiện việc săn, bắt, hái lượm để mưu sinh qua ngày”, ông Ngữ buồn hiu.