Trong năm 2007, dù thị trường tài chính thế giới đang giảm sút niềm tin nhưng tổng vốn đầu tư mới vào lĩnh vực phát triển nguồn năng lượng "xanh" bền vững vẫn tăng vọt lên mức 148 tỷ USD, tăng tới 60% so với năm trước đó.
Báo cáo “Những xu hướng đầu tư vào năng lượng bền vững trên toàn cầu năm 2008”, do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) công bố ngày 01/07, phần lớn các khoản đầu tư mới rơi vào châu Âu, tiếp đó đến Mỹ.
Ba quốc gia Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil cũng thu hút lượng vốn đầu tư lớn, với tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng bền vững đạt 26 tỷ USD, tăng gấp 14 lần so với năm trước đó.
Tổng cộng, trong năm 2007, nguồn vốn đầu tư vào năng lượng bền vững trên thế giới đã đạt gần 205 tỷ USD, trong đó có hơn 98 tỷ USD được dành cho các dự án năng lượng tái sinh thế hệ mới, đặc biệt là vào năng lượng gió ở Mỹ, Trung Quốc và Tây Ban Nha. Hơn 50 tỷ USD khác được dành để phát triển công nghệ và mở rộng chế tạo năng lượng sạch, và 56,6 tỷ USD còn lại là vốn chuyển giao qua các vụ liên kết và sáp nhập.
Giám đốc điều hành UNEP Achim Steiner khẳng định công cuộc tìm kiếm nguồn năng lượng “xanh” đang lôi cuốn toàn thế giới, trong bối cảnh xuất hiện những lo ngại về biến đổi khí hậu, giá dầu và giá lương thực tăng chóng mặt có thể gây ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu trong thời gian dài.
Theo đánh giá của UNEP, ước tính tổng vốn đầu tư hàng năm để phát triển năng lượng “xanh” sẽ lên đến 450 tỷ USD vào năm 2012 và hơn 600 tỷ USD vào năm 2020./.