Biến đổi khí hậu (BĐKH) sẽ tác động mạnh đến sự phát triển kinh tế toàn cầu, trong đó có ngành du lịch, nhất là du lịch ven biển do ảnh hưởng của nước biển dâng. Ở Bà Rịa – Vũng Tàu, du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, vì vậy, việc điều chỉnh quy hoạch và chuẩn bị ứng phó với BĐKH và nước biển dâng là bước đi cần thiết để tiếp tục phát triển ngành kinh tế này của tỉnh nhà.
Du lịch ven biển sẽ bị ảnh hưởng
Hiện đang có 2 kịch bản về mực nước biển dâng vào năm 2100 ở Việt Nam do ảnh hưởng của BĐKH là nước biển có thể dâng 69cm hoặc 100cm. Theo tính toán của các nhà khoa học khi nước biển dâng thêm 1cm thì sự lấn mặn, xói mòn bờ biển là 10km. Nhưng dù kịch bản nào thì tác động của nước biển dâng đến kinh tế ven biển sẽ rất lớn, trong đó có ngành du lịch – hiện đang là ngành kinh tế biển mũi nhọn của Việt Nam với những bãi biển và kỳ quan nổi tiếng thế giới. Điều đó đòi hỏi những điều chỉnh của ngành du lịch để thích ứng.
Có thể kể đến 2 tác động chính là biến động các nguồn du khách truyền thống và ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng du lịch biển. BĐKH gây ra bão lụt, nóng lạnh cực đoan bất thường, sự bùng phát của các dịch bệnh nhiệt đới và khủng hoảng thảm thực vật… sẽ làm giảm thu nhập, dẫn đến giảm khả năng đi du lịch của cư dân. Thị trường du lịch do đó sẽ có những xáo trộn nghiêm trọng. BĐKH cũng gây thiệt hại lớn đối với cơ sở hạ tầng du lịch, ở các vùng núi cao sẽ bị mưa lũ và trượt lở đất đe dọa; ở vùng đất thấp ven biển sẽ bị nước biển dâng cao làm chìm ngập, bãi biển bị xâm thực…
Ngoài ra, lũ lụt ven bờ và nước dâng do bão kèm triều cường sẽ tấn công và phá hủy các cơ sở lưu trú được xây dựng trên các bãi biển, nhiều hòn đảo thấp có khả năng bị nhấn chìm. Những loại thiên tai này không chỉ gây thiệt hại cho chủ sở hữu các bất động sản mà còn làm giảm lượng du khách tìm đến các điểm du lịch này.
Phải hành động ngay
Ở Bà Rịa – Vũng Tàu, các điều kiện tự nhiên thuận lợi (bãi tắm, rừng nguyên sinh, núi…) và danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa khá dày dặc, kết hợp với cơ sở hạ tầng khá phát triển trong những năm gần đây đã tạo điều kiện cho du lịch phát triển. Trong đó, bờ biển là vùng có tiềm năng phát triển du lịch hàng đầu của tỉnh, đồng thời cũng là nơi có tính nhạy cảm cao với BĐKH.
Với nhiều tiềm năng phát triển du lịch biển, Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) đặt ra mục tiêu đến năm 2010 sẽ thu hút gần 7,2 triệu lượt du khách, vào năm 2015 là hơn 8,8 triệu và năm 2020 là gần 10 triệu. Theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Chủ nhiệm bộ môn Quản lý môi trường trường, Đại học Quốc gia Hà Nội, những mục tiêu nói trên của ngành du lịch BR-VT tỏ ra khá lạc quan vì chưa tính đến những tác động tiêu cực của BĐKH do đây là một quá trình chậm, ít được chú ý.
Tuy nhiên, việc bị biển xâm thực trong thời gian qua đã cho thấy tác động của BĐKH, đặt hoạt động du lịch vùng ven biển của BR-VT trước những thách thức. Hiện nay, ở khu vực Bãi trước cát đã bị cuốn đi nhiều; bãi biển Lộc An, Phước Thuận… bị xói lở nghiêm trọng với hàng chục ha rừng ngập mặn bị xâm thực; tình trạng nhiễm mặn gia tăng ở hạ lưu sông Dinh, bồi tụ ở Cửa Lấp, Phước Tỉnh… cũng diễn ra khá phổ biến.
Ngoài ra, việc phát triển các khu công nghiệp dọc sông Thị Vải đã làm mất 4.500 ha rừng ngập mặn và gần 100ha khác ở các vùng ven biển cũng bị chặt phá để nuôi trồng thủy sản, hạ tầng du lịch và chế biến thủy sản. Trong tương lai, sẽ còn nhiều diện tích rừng ngập mặn sẽ tiếp tục bị san lấp.
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, quá trình BĐKH diễn ra trong thời gian dài, đòi hỏi cách ứng xử có tính chiến lược và duy trì lâu dài. Vì vậy, việc cần làm ngay đối với du lịch BR-VT là tiến hành xác định và vẽ bản đồ những vùng nhạy cảm với BĐKH, tức những vùng có khả năng chịu thiệt hại nặng nề do bão, lũ lụt, xói lở, nhiễm mặn và ngập chìm để có thể tái định hướng cho công tác quy hoạch và đầu tư. Đó là những vùng đất thấp ven biển bao gồm cửa sông, bãi biển cát, cồn cát ven bờ, rừng ngập mặn, các đảo nhỏ và thấp… và không nên xây dựng các cơ sở hạ tầng cao cấp tại những vùng này.
Bên cạnh đó, cần bảo vệ và phát triển hệ thống rừng ngập mặn; thiết lập dải đệm an toàn giữa mép nước biển và khu vực phát triển cơ sở hạ tầng du lịch bên trong bằng cách phát triển dải cây xanh phòng hộ, bảo vệ và tôn tạo hệ thống cồn cát ven bờ, rặng san hô, các khối đá tự nhiên… vì đây là những hàng rào phòng vệ hiệu quả trước sự xâm lấn của biển. Đồng thời, lồng ghép chiến lược phát triển du lịch với các ngành kinh tế khác theo hướng bền vững. “BĐKH chắc chắn sẽ gây khó khăn và thiệt hại cho ngành du lịch, nhất là du lịch biển. Tuy nhiên đó cũng là lợi thế cho những địa phương biết ứng xử và đón trước như một thời cơ”- PGS.TS Nguyễn Đình Hòe nhấn mạnh.