Trở lại với 3 tộc người có nguy cơ biến mất (Kỳ 1)

Sau 10 năm, chúng tôi trở lại thăm 3 tộc người A rem, Rục và Mã Liềng từng được xem là những tộc người có nguy cơ bị biến mất. Chuyến đi đã để lại trong chúng tôi bao nhiêu suy nghĩ ngổn ngang khi đến thăm bản làng của người A rem và người Rục.

Kỳ 1: Nguy cơ quay lại hang đá 

Một ngày nắng gắt, chúng tôi quyết định trở lại với tộc người A rem. Từ km số 0 của đường 20 Quyết Thắng đến km 16+500 (Quảng Bình) là di tích Hang Tám Cô, đường còn dễ đi, nhưng muốn đến được bản 39 (km 39) nơi định cư của nguời A rem thì đúng là “con đường đau khổ”. Mùa nắng còn đỡ, chỉ cần có mưa xuống, con đường trở vô cùng nguy hiểm, và cơ man nào là sên và vắt.

Người trong hang đá

Chúng tôi đến với tộc người A rem lần này giữa lúc “ bão giá” đang hoành hành và người A rem đang trong thời kỳ giáp hạt. Một mùa khô khắc nghiệt đang bắt đầu tới nơi mà chưa bao giờ họ có đủ nước…

Chiếc xe chở chồm chồm như con ngựa chiến, bám sát bờ núi nhích từng đoạn một. Một bên là dốc núi sừng sững. Một bên là vực thẳm hun hút. Việc phát hiện ra tộc người A rem được coi là tộc người kỳ bí nhất giữa cao nguyên núi đá.

Tư liệu nghiên cứu về họ không nhiều. Người ta biết đến tộc người A rem từ sau hòa bình lập lại chừng vào khoảng năm 1954-1956. Lúc này chính quyền huyện Bố Trạch và Bộ đội Biên phòng đi gom những người trong hang đá này về để cho họ định cư.

Theo tư liệu còn lưu giữ, thì khi đó tộc người này còn đúng 110 người. Rồi chiến tranh, dịch bệnh, đói kém liên miên, đến khoảng năm 1982-1983, huyện Bố Trạch huy động các xã trong huyện trợ giúp cho A rem làm nhà, cung cấp màn chiếu, bò giống để chăn nuôi. Địa điểm định cư lúc đó ở km 12 cũng trên tuyến đường này.

Đến thời điểm đó, tộc người A rem chỉ còn đúng 85 người. Họ ở trên bản mới này chỉ được chừng 4 năm rồi lại tìm về các hang Va, hang Tho Đũa truyền thống của mình.

Đến đầu năm 1992, tộc người A rem được Nhà nước hỗ trợ theo dự án Bảo tồn và phát triển những tộc người có nguy cơ biến mất. Lúc này người A rem chỉ còn lại 83 người…

Bản 39 này được coi là nơi người A rem bám trụ lâu nhất trong lịch sử định canh, định cư của mình. 15 năm với bao biến cố thăng trầm, có lúc tưởng như người A rem lại quay trở vào hang khi vùng đất này kiệt nước, người ta phải đào những cái hố sâu nhảy nằm xuống đó như thời kỳ ở hang, với hy vọng chống chọi qua mùa nắng dữ… Rồi những thời kỳ cam go cũng qua và người A rem bám trụ ở bản 39 này cho đến tận bây giờ.

Bước ra với cộng đồng

Chiếc xe “xuyên lục địa” ngắc ngoải đến được lối rẽ vào bản rồi lại bon bon trên con đường phẳng vào trụ sở ủy ban. Bản 39 bây giờ như một thị tứ vùng cao. 50 ngôi nhà được đầu tư làm mới cách đây mấy năm bằng bê tông, cách điệu nhà sàn lợp tôn đỏ chói.

Người A rem đã có vẻ thảnh thơi hơn trong cuộc chiến chống đói nghèo và lạc hậu. Họ đang nằm ngay trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng di sản.

Lãnh đạo Vườn đã giao cho họ bảo vệ 1.000 ha rừng với mức 100.000 đồng/ha/năm. Số tiền mà họ được hưởng quy đổi thành gạo và một số nhu yếu phẩm khác. Chỉ như thế thôi thì 50 hộ dân ở đây đã có lời giải cho “vấn đề cái bụng” mang tầm chiến lược.

Lúc chúng tôi đến là thời điểm giáp hạt của người A rem. Nhưng họ có thể yên tâm về vấn đề lương thực. Những rẫy sắn đã 2-3 năm nay vẫn chưa phải sử dụng đến. Người A rem ở vùng đất hẹp này từ xưa đến nay vẫn cứ duy trì cuộc sống giản đơn vốn có của mình. Họ đang dựa vào rừng với cuộc sống “săn bắt hái lượm” những sản vật phụ.

Đã có thời họ như những người nguyên thủy bị thiên tai, bệnh tật dồn đuổi chuyển hết từ hang này qua hang khác. Gặp đồng loại, câu cửa miệng của người A rem là “Chăm rau A rem” (Tôi là người A rem). Họ khẳng định mình là người – Người A rem.
Ông Đinh Lầu, Chủ tịch UBND xã Tân Trạch cho biết, đây là xã có số dân ít nhất nước bởi thực chất dân số của cả xã này gói gọn chỉ ở bản 39 này thôi. Ông thông tin với chúng tôi rằng, giờ người A rem đã có một bước tiến dài trong chặng đường hòa nhập với cộng đồng.

Sự cách biệt của họ với các tộc người trong vùng, giờ gần như không còn. Người A rem đã có người biết trồng trọt, chăn nuôi, biết dự trữ. Có lẽ đó là điều thay đổi căn bản nhất của người A rem từ ngày có dự án đầu tư “Bảo tồn và phát triển tộc người có nguy cơ bị diệt vong”.

Già làng Đinh Đe sau khi nhấp một ngụm chè xanh đặc sánh, phả đặc khói thuốc khét lẹt, cười rổn rảng bảo: “Tao cứ nghĩ, rồi đến một ngày người A rem cuối cùng sẽ nằm xuống trên mảnh đất này. Rồi mãi mãi cái tên A rem biến mất. Thế mà giờ đây – ông đưa tay chỉ lũ trẻ đang đá bóng giữa trời mưa nặng hạt – người A rem đã lại nhiều và khỏe như cái cây rừng rồi…”.

Già làng Đinh Đe đã đúng. Người A rem hơn nửa thế kỷ qua cứ rơi rụng dần vì đói nghèo, bệnh tật và chiến tranh giữa mênh mang rừng thẳm. Khi chuyển từ hang về bản 39 này vào đầu năm 1993, tộc người này chỉ còn đúng 83 người.

Họ xác xơ, tơi tả. 5 năm trời định cư, dân số của tộc người này chỉ tăng thêm được 5 khẩu. Có những đôi vợ chồng sinh nở đến 8 lần nhưng chỉ nuôi được 1 đứa.

Ông Đặng Văn Đệ là Trưởng Ban Dân tộc miền núi của tỉnh Quảng Bình ngày đó, khi thực thi Dự án này, cứ mỗi lần nhận thông tin người A rem thêm một nhân khẩu là ông mừng rơn như chính ông có thêm một cháu nội hay ngoại vậy. Bây giờ người A rem đã có 144 nhân khẩu sống hòa hợp với người Ma Coong, Khùa và Vân Kiều ở bản 39 này.

 
Bản 39 của người A rem.

Rảo bước cùng Đinh Hân, Bí thư xã Đoàn và Đinh Rầu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã đến các hộ dân trong bản mới hiểu rõ được tộc người được đánh giá là cổ nhất Việt Nam đã có một bước tiến dài hòa nhập với cuộc sống hiện đại thế này.

Nhà ông Đinh Đu nằm ngay mé bản. Đinh Đu có 5 đứa con, dẫu vậy thì đây được coi là gia đình có của ăn của để nhất bản. Trong nhà có ti vi sử dụng năng lượng mặt trời. Dù đang là mùa giáp hạt thì Đinh Đu cũng còn 6 bao thóc lớn và nhiều rẫy sắn chưa phải dùng đến. Nhà nào trong bản cũng có radio.

Có 7 hộ sắm được xe gắn máy. Thiếu nữ A rem đã ăn diện hơn rất nhiều so với ngày chúng tôi đến cách đây 5 năm. Ngay giữa bản có một ngôi trường khang trang mà không phải bất cứ xã nào ở miền xuôi cũng có được.

Nơi đây có 9 giáo viên đang cắm bản để mang ánh sáng văn hóa cho 53 học sinh. Đinh Hân bảo, bản bây giờ gần đường, thuận lợi cho việc giao thương lắm. Các sinh hoạt đoàn cũng được duy trì dù nó không thường xuyên được như dưới xuôi…

Nguy cơ quay lại hang đá

Ông Đinh Rầu góp chuyện: “Người A rem đã tiến bộ nhiều rồi, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn lắm lắm. 100% số hộ người A rem vẫn thuộc diện nghèo. Người A rem bây giờ không còn ai đứt bữa, nhưng đã thực sự ổn định để phát triển chưa thì còn nhiều chuyện phải bàn. May mùa này có mưa nhiều nên bây giờ chưa đến nỗi khát”.

Người ta hứng nước mưa dự trữ và khe suối nhỏ trong vùng chưa đến lúc cạn kiệt. Mùa hạn, hệ thống cấp nước phải kéo dài gần 15 km hư hỏng liên miên nên người A rem phải lội rừng dăm cây số mới lấy được một can nước khe.

Mùa khô, người A rem cứ phải tản mát vào rừng. Cho đến giờ vẫn còn có những hộ muốn quay lại Hang Va hay hang Tho Đũa. Ông Rầu chỉ vào đám thanh niên đang xúm quanh chiếc xe máy vừa mới mua bảo: Chúng nó muốn có tiền để sắm xe.
Chúng nó vào rừng lấy sản vật và khai thác phế liệu chiến tranh. Bảo vệ bền vững khu rừng cho Di sản trở nên khó khăn. Đua nhau thế, chúng nó lơ là việc sản xuất. Ông Rầu thở dài: Nếu cứ thế thì cái đói, cái nghèo sẽ mãi luôn rình rập người A rem…
Hẳn ông Đặng Văn Đệ, trước khi nghỉ hưu có lý do để băn khoăn về tính bền vững của dự án bảo tồn và phát triển tộc người này. Gần 15 năm gắn bó với họ, ông Đệ vẫn chưa tìm ra lời giải thỏa đáng cho việc định cư bền vững và lâu dài của người A rem. Rừng giàu mênh mông của Phong Nha-Kẻ Bàng luôn hấp dẫn và là kho lương thực của người A rem.

Tập quán, phong tục, kể cả hủ tục vẫn đeo đẳng trong từng nếp nghĩ của người A rem. Rượu cồn, thuốc lá và sự quần hôn đang làm suy kiệt tộc người này. Vẫn còn đó “phát, đốt, cốt, trỉa”, còn đó lối chăn thả rong được chăng hay chớ, còn đó kiểu “no dồn, đói góp”. Nhà nào có cái ăn, các hộ trong bản đến xin ăn bằng hết rồi tiếp tục sang nhà khác.

Ông Đệ đưa ra một ví dụ: Dự án đầu tư 125 con bò. Nghĩa là mỗi hộ gần 3 con. Bò sinh sôi nảy nở nhanh và phát triển tốt. Tưởng là đầu tư đúng hướng. Nhưng không, sau 3 năm, cả bản chỉ còn 64 con. Hỏi bò đi đâu cả rồi. Họ trả lời nhẹ không, thả rong nó vào rừng nên bị sên và vắt cắn chảy máu cho đến chết… Sên và vắt như chúng tôi đề cập từ đầu bài viết ở vùng rừng này dày đặc hơn bất cứ vùng rừng nào trên dãy Trường Sơn.

Trước khi rời bản 39, chia tay với tộc người A rem, ông Phan Văn Bình, Bí thư Đảng ủy xã được tăng cường từ dưới xuôi lên đây hơn 3 năm nay đã đánh giá tổng quan về người A rem rằng, so với mươi năm về trước thì bộ mặt thôn bản của người A rem đã tiến xa vượt bậc.

Nhưng nếp nghĩ, nếp làm cũ xưa và những hủ tục thì vẫn còn đè nặng trong cuộc sống của người A rem. Con đường phát triển của người A rem cho đến giờ vẫn còn chông chênh và thách thức phía trước.

Nguy cơ người A rem cứ muốn quay trở lại hang luôn hiện hữu và là bài toán khó cho cộng đồng luôn hướng về người A rem với mong muốn, tộc người có nguy cơ bị diệt vong này, bằng sức mạnh nội thân của mình để tự phát triển.
Bản 39 đã lùi lại phía sau. Gió Lào đã ràn rạt bạt nghiêng lau lách. Những ánh mắt trẻ thơ A rem cứ mở to, ám ảnh. Họ đang gửi gắm thật nhiều trên con đường thăm thẳm về xuôi.