Các kết quả nghiên cứu về ô nhiễm môi trường 10 tỉnh, thành của Ngân hàng thế giới (World Bank), chúng ta không thể chỉ chạy theo các chỉ số tăng trưởng mà bất chấp môi trường sống đang bị hủy diệt rất nhanh. Cần có thái độ nghiêm túc trước những cảnh báo đó… .
Ngày 27/06/2008, World Bank đã công bố kết quả điều tra nghiên cứu môi trường của 10 tỉnh, thành phố ở Việt Nam (TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Ðồng Nai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Ðà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu và Cần Thơ) và đã đưa ra các con số về mức độ ô nhiễm tại các thành phố này. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội là hai thành phố có tỷ lệ ô nhiễm môi trường cao nhất và mỗi thành phố chiếm khoảng 50% tổng lượng chất thải đang gây ô nhiễm không khí, nước và đất của cả vùng công nghiệp trọng điểm ở mỗi miền.
Đáng lưu ý là ở Hà Nội, ô nhiễm môi trường nước chiếm 41,2% nhu cầu Oxy sinh học, 43,9% tổng lượng kim loại và 47,3% tổng các chất gây ô nhiễm, ô nhiễm đất chiếm 46,9% kim loại nặng và ô nhiễm không khí chiếm 46,7% các hợp chất hữu cơ của vùng công nghiệp trọng điểm phía Bắc.
Còn tại TP. Hồ Chí Minh, ô nhiễm nước chiếm 59,1% hóa chất và 56,8% kim loại, ô nhiễm đất chiếm 57,2% hóa chất, 52,5% kim loại và ô nhiễm không khí chiếm 50% tổng lượng các chất gây ô nhiễm của toàn vùng công nghiệp trọng điểm phía Nam.
Nếu xếp hạng ô nhiễm ở quy mô phường, xã thì phường Cam Giá, thành phố Thái Nguyên đứng đầu danh sách các phường, xã có tải lượng ô nhiễm cao nhất. Nơi này hiện có 5 nhà máy phát thải gần 100% tổng tải lượng ô nhiễm của toàn phường.
World Bank nhận định, ô nhiễm môi trường là thách thức chính đối với tiến trình đô thị hóa, công nghiệp hóa của Việt Nam. Các nhận định của World Bank đã cảnh báo chúng ta không thể chỉ chạy theo các chỉ số tăng trưởng mà bất chấp môi trường sống đang bị hủy diệt rất nhanh.
Đáng tiếc là một quan chức cấp cao về môi trường lại tuyên bố: “Nghiên cứu của World Bank chỉ nhằm giới thiệu một phương pháp nghiên cứu mới. Tuy nhiên, các số liệu chưa phản ánh đúng thực trạng. Các số liệu do World Bank nêu ra chỉ mang tính chất cảnh báo. Cần xem lại tính chính xác, cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn của báo cáo kết quả nghiên cứu”.
Ông này cho biết cơ quan chức năng sẽ chọn tiêu chí khác để đánh giá lại. Theo ông, Chính phủ đã đề ra 19 chỉ tiêu trong hệ thống chỉ tiêu quốc gia bao gồm: tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch, tỷ lệ kinh phí đầu tư cho môi trường, chất lượng môi trường của không khí, chất lượng môi trường của các dòng sông, tỷ lệ rác thải nguy hại được thu gom, tổ chức bộ máy, xã hội hóa môi trường…
Chúng tôi cho rằng, cần có thái độ nghiêm túc,đã đến lúc phải thực sự lo lắng trước tình trạng sức khỏe của nhân dân, đặc biệt là người dân hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và các trọng điểm ô nhiễm quá nặng đến mức nguy hiểm như thành phố Thái Nguyên hiện nay.