Để giải quyết ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi gia súc gia cầm và tình trạng khan hiếm chất đốt, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt Dự án khí sinh học ngành chăn nuôi tỉnh, giai đoạn 2007-2010, với quy mô xây dựng 1000 công trình. Đến cuối năm 2007, dự án đã triển khai tại 5 huyện, với quy mô 110 công trình.
Năm 2008, chỉ tiêu kế hoạch là 300 công trình tại 7 huyện, TP ở đồng bằng nhưng đến thời điểm hiện nay các địa phương đã đăng ký vượt xa so với kế hoạch ban đầu. Đến thời điểm hiện nay, đang triển khai xây dựng trên 150 công trình, trong đó có 70 công trình đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng thành công.
Ông Hồ Đức Lân ở thôn Kỳ Thọ Nam 1, xã Hành Đức huyện Nghĩa Hành, gia đình ông chi ra 4 triệu đồng cùng với 2 triệu đồng được hỗ trợ, đã xây dựng công trình biogas xử lý chất thải chăn nuôi. Nhờ vậy mà hiện nay toàn bộ phân và nước thải của 12 con heo, 5 con bò và 6 con dê của gia đình ông đưa vào công trình đã trở thành khí đốt dùng cho đun nấu sinh hoạt hằng ngày.
Ngoài việc sử dụng khí đốt nầy để đun nấu, gia đình chị Nguyễn Thị Nguyệt ở Thôn Bàn Thới xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành còn dùng để thắp sáng phục vụ sinh hoạt khi bị cắt điện và sưởi ấm chuồng trại vào mùa đông. Hộ Ông Võ Văn Hoạch ở thị trấn La Hà huyện Tư Nghĩa, hiệu quả của công trình đã đem lại lợi ích cho gia đình, nơi đây đã được nhiều bà con thăm quan học tập nhân rộng mô hình. Ông Nguyễn Đó ở thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê huyện Sơn Tịnh, đăng ký xin hỗ trợ xây dựng mô hình sử dụng phụ phẩm khí sinh học làm phân bón cho cây rau, công trình ở đây được xây thêm một bể chứa phụ để nước xả khi sử dụng đảm bảo độ trong và không còn mùi hôi, chính đây là nguồn phân bón dùng để sản xuất rau sạch trong hộ gia đình.
Bình quân mỗi công trình đã tiết kiệm cho mỗi gia đình khoảng 2 triệu đồng mỗi năm. Yếu tố môi trường ở đây đã được cải thiện rõ rệt, nước thải từ công trình khí sinh học là nguồn phân bón cho ruộng lúa, rau màu và nuôi cá.
Ông Nguyễn Phúc Long, Kỹ thuật viên Văn phòng Dự án khí sinh học Quảng Ngãi cho biết: mục tiêu của Dự án là đem lại nguồn chất đốt cho các hộ dân ở nông thôn, cũng như giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, hiệu quả bước đầu của Dự án mang tính thuyết phục cao, do vậy hồ sơ đăng ký tham gia vượt xa so với số dự kiến.
Có thể khẳng định rằng việc xây dựng và sử dụng công trình khí sinh học Biogas ở Quảng Ngãi đã thật sự mang lại hiệu quả thiết thực, không chỉ đem lại lợi ích từ kinh tế, môi trường được cải thiện rõ rệt, đặc biệt không ảnh hưởng đến sức khoẻ của gia đình và những người sống xung quanh, tình làng nghĩa xóm được tôn trọng.
Để đáp ứng nhu cầu của những hộ chăn nuôi trong tỉnh, Văn phòng Dự án khí sinh học Quảng Ngãi đã xin chủ trương để mở rộng quy mô dự án, để giúp cho các hộ chăn nuôi trong tỉnh có cơ hội tiếp cận với công trình khí sinh học, khai thác nguồn khí đốt sẵn có, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường của đông đảo bà con nông dân trong tỉnh./.