Mỹ và Nhật đang có kế hoạch sản xuất những vệ tinh có thể phát điện từ không gian về trái đất thông qua việc tận dụng nguồn năng lượng mặt trời sẵn có.
Tờ Live Science của Mỹ tiết lộ Nhật đang đẩy mạnh tiến độ xây dựng hệ thống này của họ để kịp đưa vào vận hành năm 2030. Nguồn tin từ Học viện Không quân Mỹ xác nhận họ đang có kế hoạch phóng một vệ tinh cỡ nhỏ với chi phí 10 triệu USD lên quĩ đạo thấp vào năm 2010 để thử nghiệm nhiệm vụ chuyển tải năng lượng điện.
Năm 1968, ý tưởng xây dựng trạm phát điện năng lượng mặt trời trên vũ trụ đã được đề cập ở Mỹ, tuy nhiên ý tưởng này không thể thực hiện bởi chi phí lên đến 1.000 tỉ USD và các phi hành gia phải ở trên không gian thời gian dài để lắp đặt hệ thống. Hiện nay với tiến bộ công nghệ, robot có thể làm thay công việc này cho con người nên chi phí lắp đặt giảm đi 100 lần. Xét về mặt kỹ thuật và kinh tế thì hoàn toàn có thể thực hiện được, nhất là trong bối cảnh giá dầu, năng lượng đang leo thang như hiện nay.
Đáng lưu ý là Cơ quan Nghiên cứu khai thác hàng không vũ trụ Nhật (JAXA) vẫn đang đầu tư đều đặn cho hệ thống năng lượng mặt trời ngoài không gian (SSPS) của họ từ hơn mười năm qua. Mục tiêu chính là sẽ phóng vệ tinh vào năm 2030 để cung cấp khoảng 1 gigawatt điện cho khoảng nửa triệu hộ gia đình trên mặt đất.
Để truyền tải một lượng lớn năng lượng từ không gian về mặt đất cần phải xây dựng cùng lúc một ăngten truyền tải rộng 2km trên không gian và một ăngten tiếp nhận có kích cỡ tương tự ở mặt đất. Ông Susumu Sasaki, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết hiện nay các nhà khoa học của JAXA đang nghiên cứu ứng dụng sóng vi ba và tia laser vào kỹ thuật truyền tải điện từ không gian về trái đất.
Live Science dẫn lời đại tá không quân Mỹ Michael Smith khẳng định giá thành sản xuất các vệ tinh phóng điện năng lượng mặt trời ngoài không gian có khả năng còn thấp hơn bởi Lầu Năm Góc đã công bố kế hoạch đầu tư 10 tỉ USD để xây dựng một vệ tinh thí nghiệm 10 megawatt trong mười năm. Cũng theo ông Smith, nguồn năng lượng mặt trời ngoài không gian là vô tận và không bao giờ cạn nên chỉ cần khai thác một phần cũng đủ đáp ứng nhu cầu năng lượng điện hiện nay và trong tương lai của trái đất.