Trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Mỹ, hai nước Việt Nam và Mỹ đã đạt được nhiều thoả thuận quan trọng về việc củng cố mối quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực giáo dục và biến đổi khí hậu.
Lập nhóm đặc trách về hợp tác giáo dục Việt-Mỹ
Ngày 25/06, một Biên bản Ghi nhớ về hợp tác giáo dục Việt-Mỹ đã được ký kết giữa Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách Ngoại giao nhân dân, ông James Glassman, và Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, ông Phạm Vũ Luận.
Theo đó, để phát triển các chiến lược nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác giáo dục đại học, gồm cả sự liên hệ giữa các tổ chức giáo dục, hai bên đã đồng ý thiết lập Nhóm hoạt động giáo dục với 3 nhiệm vụ trọng tâm: Thứ nhất là khuyến khích sự phát triển sâu rộng hơn đối với những mối liên hệ và chương trình hợp tác chung giữa các trường đại học Mỹ và Việt Nam, (bao gồm các cuộc thảo luận về cách thức tốt nhất để xây dựng một trường đại học ở Việt Nam theo mô hình Mỹ với sự hỗ trợ của các trường đại học, cao đẳng Mỹ, và đơn giản hóa quy trình thiết lập các chương trình giáo dục và trao đổi ở Việt Nam); Thứ hai, tăng số sinh viên Việt Nam học tập ở các trường đại học và cao đẳng Mỹ, đặc biệt là bậc Tiến sỹ, trong đó có sáng kiến của Mỹ nhằm tăng số sinh viên Việt Nam học tại các trường đại học của Mỹ ở tất cả các cấp, và mong muốn của Việt Nam trong việc chứng kiến nhiều người Việt nhận bằng tốt nghiệp của Mỹ; Thứ ba là tăng cường các chương trình giáo dục được thiết kế để giúp sinh viên Việt Nam đáp ứng các kỹ năng cần thiết cho nền kinh tế đang hiện đại hóa của Việt Nam.
Lập tiểu ban chung để xúc tiến hợp tác trong lĩnh vực biến đổi khí hậu
Mỹ sẽ cùng hợp tác để thúc đẩy các nỗ lực của Việt Nam đối với các biện pháp thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Cụ thể hơn, hai nước đã cam kết sẽ cùng lập ra một tiểu ban chung theo quy định của Hiệp định Song phương về Khoa học & Kỹ thuật để xúc tiến những lĩnh vực hợp tác cụ thể. Việt Nam và Mỹ sẽ cùng hợp tác để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu thông qua một số các hoạt động có sẵn hoặc đã được lên kế hoạch.
Tháng 10 tới, Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ sẽ thành lập Viện DRAGON (Mạng lưới Nghiên cứu & Quan sát Toàn cầu Delta) ở Cần Thơ để tìm cách giải quyết các vấn đề môi trường hiện đang đe doạ khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là sự biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Mỹ sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy sản xuất năng lượng sạch và các tiêu chuẩn về nhiên liệu. Năm 2007, Việt Nam đã trở thành quốc gia thứ 20 tham gia nhóm Đối tác đưa khí mêtan tới thị trường (Methane to Markets Partnership) do Mỹ khởi xướng.Đây là một sáng kiến quốc tế nhằm khuyến khích việc thu hồi và sử dụng khí mêtan như một nguồn năng lượng sạch.
Đầu năm nay, Sở Lâm Nghiệp Mỹ đã cam kết giúp đỡ Việt Nam đối phó với các ảnh hưởng của khí hậu trong quản lý rừng. Một chương trình quản lý lưu vực sông Đồng Nai do USAID tài trợ đã dẫn đến việc áp dụng chính sách thử nghiệm về “trả tiền cho các dịch vụ môi trường” trên toàn quốc. Việt Nam đang đối phó với những thách thức của biến đổi khí hậu bằng nhiều cách, trong đó có việc thành lập một ban chỉ đạo quốc gia về biến đổi khí hậu, do chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lãnh đạo. Việt Nam cũng đang dự thảo một kế hoạch hành động quốc gia tổng thể nhằm tìm các biện pháp thích ứng với và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.