Ô nhiễm kiến trúc là một khái niệm đang được giới chuyên môn quan tâm. Hiểu thế nào về “ô nhiễm kiến trúc” và làm sao để chống nó? Kiến trúc là một nghề làm nghệ thuật bằng kỹ thuật. Sáng tạo không gian và góp phần nâng cao chất lượng sống cho con người là điều lớn nhất mà kiến trúc sư mang lại cho xã hội. Mỗi tác phẩm của kiến trúc sư là một sản phẩm đóng góp vào việc tạo lập hình ảnh cho đô thị. Vậy mà hiện nay nạn “ô nhiễm kiến trúc” đang làm xấu đi hình ảnh của đô thị nói chung và của kiến trúc sư nói riêng.
Ô nhiễm kiến trúc cần nhìn nhận khách quan dưới nhiều góc độ khác nhau, để từ đó tìm ra được phương thức hữu hiệu nhằm ngăn chặn nạn dịch này. Nạn ô nhiễm kiến trúc có thể thấy ở nhiều thể loại kiến trúc khác nhau, từ các công trình lớn đến các nhà dân nhỏ lẻ trong đô thị. Xã hội dường như bất lực trước sự phát triển kiểu tự phát của những công trình kiến trúc kiểu “không giống ai” đang ngày càng được mọc lên ở hầu khắp các đô thị Việt Nam.
Nguyên nhân sâu xa của nạn ô nhiễm kiến trúc chính là sự buông lỏng trong việc quản lý đô thị, dẫn đến tình trạng tuỳ tiện trong thiết kế, hình ảnh của ngôi nhà được quyết định bởi chủ đầu tư, bởi ý thích cá nhân của từng chủ nhà. Sẽ không có được một công trình đẹp nếu như không có được một chủ đầu tư thông minh. Bệnh hình thức cộng với sự hiểu biết “ngô nghê” về kiến trúc đã làm nên những hình ảnh méo mó về đô thị của Việt Nam trong thời gian qua.
Công trình kiến trúc phải mang hơi thở của thời đại làm ra chúng, mỗi một công trình phải là một thông điệp thời gian để gửi gắm cho thế hệ tương lai về từng giai đoạn phát triển của xã hội. Vậy mà ở Việt Nam, chúng ta đang đi ngược lại quy luật đó, trong một thời gian dài và cả hiện tại chúng ta vẫn cho xây lên những công trình mang hình thức kiến trúc kiểu “nhại cổ”, nhái kiểu Pháp cổ với những chi tiết gờ phao đắp điếm một cách vụng về, phi tỷ lệ.
Thật đáng buồn là hiện tại ngay tại nước Pháp, nơi sinh ra những hình thức kiến trúc đó họ cũng không làm như vậy. Còn ở nước ta nếu điểm qua các trụ sở làm việc của hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân, các trụ sở làm việc của các sở ban ngành của các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Yên Bái… và đáng buồn là ngay cả ở thủ đô Hà Nội những hình thức kiến trúc “ngây ngô” đó cũng vẫn qua được những vòng xét duyệt để xây dựng.
Tiêu biểu phải kể đến những công trình như: bảo tàng Phòng không – không quân trên đường Trường Chinh – Hà Nội, trụ sở bộ Tài Chính, trụ sở bộ Công Thương, trụ sở sở Tài nguyên – môi trường Hà Nội… và còn rất nhiều các công trình khác nữa ở các địa phương trong cả nước. Điều đó chứng tỏ một sự bất lực trong quản lý kiến trúc đô thị hoặc là sự vô cảm trước cái đẹp của một bộ phận những người có trách nhiệm đối với việc tạo lập hình ảnh đô thị.
Vai trò kiến trúc sư ở vị trí nào đối với việc phát triển bộ mặt kiến trúc đô thị? Nước ta tại thời điểm hiện tại có khoảng 7.000 kiến trúc sư trên 84 triệu dân, nhưng chỉ khoảng 1/3 trong số đó là đang hoạt động đúng nghề nghiệp, con số còn khá khiêm tốn, hơn nữa sân chơi lại không công bằng. Sản phẩm của kiến trúc sư là sản phẩm của trí tuệ, nó đòi hỏi sự tìm tòi sáng tạo bền bỉ của kiến trúc sư, nhưng ở Việt Nam, chủ thể của sự sáng tạo kiến trúc không hẳn là các kiến trúc sư, mà nó luôn bị can thiệp bởi ý kiến chủ đầu tư, bởi những toan tính mang tính vụ lợi.
Trong bối cảnh đó không thể có những sản phẩm tốt, không thể có sự sáng tạo và đột phá, nó chỉ dừng lại ở ở sản phẩm ĐÚNG nhưng chưa ĐẸP. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những sản phẩm mang tính sản xuất hàng loạt, từ địa phương này sang địa phương khác chỉ vì cái “thích” rất tầm thường của chủ đầu tư. Trong đó cũng phải kể đến sự thiếu bản lĩnh của một số bộ phận kiến trúc sư, họ dễ dàng thoả hiệp để dự án “trôi”, hoặc chấp nhận vẽ cho xong, điều này làm cho nạn ô nhiễm kiến trúc càng thêm trầm trọng, bởi nó được tạo ra bởi chính những người có hiểu biết về kiến trúc và đô thị.
Có lẽ không ở đâu trên thế giới các kiến trúc sư lại “được” vẽ nhiều những mẫu nhà dân tự xây như ở Việt Nam. Trên cùng một dãy phố chúng ta có thể điểm mặt được rất nhiều phong cách kiến trúc khác nhau, từ cổ điển đến hiện đại, trong một thời gian dài từ những năm 90 khái niệm quy hoạch kiểu “chia lô” mặt tiền đã tồn tại làm giảm giá trị sử dụng đất đô thị, giảm giá trị đầu tư và kinh doanh của Nhà nước và hệ quả của nó là những dãy phố mọc lên như “nấm sau mưa” mỗi ngôi nhà là một cái “tôi” của ông chủ sở hữu nó.
Bài học đau xót phải kể đến đoạn đường vành đai I đoạn Kim Liên – Ô Chợ Dừa ở Hà Nội, nút giao thông Ngã tư Sở, Ngã tư Vọng Hà Nội với những ngôi nhà siêu mỏng, siêu nhỏ, những dãy phố vừa xây xong đã “cũ”. Nạn ô nhiễm kiến trúc ở các đô thị lớn đã như một bệnh dịch chưa có thuốc đặc trị thì nay nó lại đang lây lan sang các đô thị vệ tinh, để ngày ngày chúng ta phải chứng kiến cảnh “nhà sàn xuống phố” còn “chóp nhà hát Lớn” lại mọc khắp các thôn quê.
Thật đáng buồn khi các làng quê Việt Nam đang bị “thành thị hoá” bởi những công trình kiến trúc xa lạ đang dần thay thế những nếp nhà dân gian. Những giá trị của kiến trúc truyền thống đang xói mòn và có nguy cơ phá vỡ những chuẩn mực về kiến trúc cổ tồn tại bao đời nay. Đâu đó người ta vẫn thấy những ngôi chùa, ngôi đình mái được đổ bằng bê tông dán ngói, mái lợp tôn thay cho mái ngói, những cột bê tông thay thế các cột gỗ bao đời…
Vậy phải làm gì để chống lại nạn ô nhiễm kiến trúc hiện nay? Đã có rất nhiều hội thảo chuyên đề và chúng ta cũng tốn không biết bao nhiêu giấy mực để viết về nó, nhưng kết quả thì dường như không theo ý muốn. Không thể có được một bộ mặt đô thị đẹp và hoàn chỉnh nếu như chúng ta vẫn cứ để tồn tại những khái niệm “nhà dân tự xây”, sự manh mún của từng ngôi nhà nhỏ lẻ với 3m đến 4m mặt tiền mang phong cách kiến trúc khác nhau sẽ không bao giờ cho ta được một dãy phố đẹp. Ngoài những biện pháp mang tính pháp lý cần được xem xét và quy định cụ thể hơn chúng ta cần có những kế hoạch tuyên truyền để nâng cao dân trí về mặt thẩm mỹ kiến trúc.
Các cuộc triển lãm và hội thảo về kiến trúc còn quá ít trong đời sống xã hội, hoặc nó mới chỉ hướng tới một bộ phận nhỏ của giới kiến trúc mà chưa có tính tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Vai trò của kiến trúc sư trong xã hội phải được tôn trọng, người quyết định đến vẻ đẹp của công trình phải là kiến trúc sư hoặc là một hội đồng có chuyên môn về kiến trúc. Việc xã hội hoá kiến trúc phải được thể hiện cụ thể hơn, để thực sự mỗi người dân phải thấy rõ trách nhiệm của mình đối với đô thị và môi trường sống của chính mình.