Một nhà khoa học thuộc Hội Kiến trúc sư Bà Rịa – Vũng Tàu vừa đưa ra ý tưởng dùng thiết bị vô lăng (còn gọi là bánh đà) để tích trữ năng lượng sức gió, khai thác năng lượng này trong bất kỳ tình huống nào, kể cả trong những trận "siêu bão".
Đề tài “Tích trữ để làm chủ năng lượng gió bằng vô lăng” được KTS Trần Đình Bá trình bày tại hội thảo khoa học “Các phương pháp mới trong việc tích luỹ năng lượng gió” (Viện Vật lý TP.HCM, ngày 20/0).
Theo KTS Trần Đình Bá, việc tích trữ năng lượng của điện gió từ trước tới nay thực hiện được là nhờ vào ắc quy, song, ắc quy có khối lượng tích điện nhỏ, lại dùng axít độc hại, giá thành cao, trong quá trình sử dụng gây tổn thất điện năng theo thời gian.
Trong khi đó, ý tưởng dùng thiết bị vô lăng (còn gọi là bánh đà)để tích trữ năng lượng sức gió trong mọi điều kiện tốc độ gió, thời gian, thời tiết để sử dụng lâu dài là hoàn toàn hợp lý, do năng lượng cơ học được chứa trong vô lăng hết sức đơn giản và an toàn.
Quy trình điều khiển – làm chủ – khai thác năng lượng gió bằng thiết bị vô lăng của KTS Bá gồm: quy trình tích năng, quy trình khai thác và quy trình bảo dưỡng sửa chữa.
Trong đó, quy trình tích năng sử dụng năng lượng từ trục quay của cánh quạt gió khởi động trực tiếp vô lăng, năng lượng của gió sẽ làm tăng tốc vô lăng và tích lũy năng lượng. Quy trình khai thác có thể thực hiện khi năng lượng được tích đầy, cho phép vận hành các loại máy công cụ hoặc máy phát điện theo nhu cầu sử dụng. Trong giai đoạn này, năng lượng gió vẫn được tích vào vô lăng để bù đắp phần năng lượng đã tiêu hao do máy công cụ đã sử dụng.
Quy trình bảo dưỡng, sửa chữa cho phép dừng cánh quạt gió để bảo dưỡng sửa chữa, thậm chí có thể thay thế cánh quạt gió bằng cách tăng hoặc giảm bán kính hoặc điện tích cánh quạt cho phù hợp với điều kiện thu được nhiều năng lượng nhất.
Ông Bá cho rằng, cách tốt nhất để tích trữ được năng lượng của gió vào bánh đà là khuyếch đại vận tốc của trục quay cánh quạt gió, để năng lượng của nó truyền thẳng vào bánh đà.
Cách làm này cho phép khai thác năng lượng gió trong bất kỳ tình huống nào, dù gió mạnh hay yếu. Thậm chí ngay cả trong những trận “siêu bão”, vẫn có thể khai thác được năng lượng và tích trữ nó để sử dụng lâu dài, giống như việc tích nước vào một đập thuỷ điện siêu lớn trong những trận lũ lớn nhưng an toàn hơn đối với các con đập thuỷ công – thuỷ điện.
Việc chế tạo và vận hành vô lăng tương đối đơn giản bởi vô lăng chỉ là một khối kim loại có hình trụ đồng trục đặt trên hai gối đỡ làm bằng vòng bi chịu được sự phá hoại của li tâm khi ở tốc độ cao. Ngoài ra, vô lăng không bị hao mòn và không cần phải làm mát như động cơ nhiệt, không gây tiếng ồn, không thải ra chất độc hại nên việc khai thác năng lượng gió bằng vô lăng có thể đặt bất kỳ vị trí nào mà không cần phải phụ thuộc vào tốc độ gió, bản đồ năng lượng gió, lại không tác động xấu đến môi trường.
KTS Trần Đình Bá hy vọng, ý tưởng điều khiển và làm chủ năng lượng gió nói trên có thể sẽ là một trong những giải pháp khả thi cho toàn cầu chứ không chỉ cho Việt Nam trong tương lai.
Tuy nhiên, sau khi nghe KTS Trần Đình Bá trình bày ý tưởng “Tích luỹ để làm chủ năng lượng gió bằng vô lăng”, nhiều nhà khoa học có mặt tại hội thảo cho rằng để áp dụng vào thực tế thì vô cùng khó khăn. Một cán bộ phòng Vật lý năng lượng cao thuộc Viện Vật lý hạt nhân còn thẳng thắn cho rằng, ý tưởng đó là… siêu thực.
GS.TS Nguyễn Mộng Giao, Viện Vật lý tại TP.HCM cũng thừa nhận rằng, hiện KTS Bá chưa có giải pháp để giải quyết vấn đề tích trữ năng lượng gió bằng vô lăng một cách cụ thể. Cũng theo ông Giao, việc tích trữ năng lượng gió là một trong những vấn đề mà cả thế giới đang đau đầu, tuy nhiên, giải pháp nào để có thể tích trữ năng lượng gió một cách tuyệt đối vẫn còn là một câu hỏi hóc búa đối với các nhà khoa học.