Dự án trồng điều cao sản ở 2 xã Ia R’vê và Ia Lốp – huyện Ea Súp, tỉnh Đắc Lắc với tổng vốn đầu tư lên đến 140 tỉ đồng đã trở thành… "phá sản"!
Năm 2002, Binh đoàn 16 được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư dự án trồng điều cao sản ở 2 xã Ia R’vê và Ia Lốp – huyện Ea Súp, tỉnh Đắc Lắc. Đến nay, hơn 12.000ha điều đã đến thời kỳ đưa vào kinh doanh. Nhưng buồn thay, dự án trồng điều cao sản với tổng vốn đầu tư lên đến 140 tỉ đồng đã trở thành… “phá sản”!
“Người đàn bà đẹp, nhưng không đẻ”
Đó là cách nói vui của một cán bộ huyện Ea Súp về cây điều của dự án nói trên. Bởi hầu hết diện tích điều ở đây (được trồng qua các năm 2002 – 2003 – 2004) đều khá xanh tốt, sau 2 năm trồng đã ra rất nhiều hoa, nhưng không đậu quả, hoặc chỉ đậu “ví dụ”, mỗi cây lơ thơ dăm bảy quả.
Theo ông Lê Thanh Hải – Chủ tịch UBND xã Ia R’vê – thì hiện nay có 1.475 hộ dân của xã nhận khoán 6.000ha điều của các đơn vị thuộc Binh đoàn 16 đang rơi vào tình trạng hết sức khó khăn. Vì điều không có quả – nói chính xác là đậu quả không đáng kể – năng suất bình quân chỉ đạt… 17kg/ha.
Đến thăm hộ ông Phan Châu Hoàng – ở thôn 9, ông cho biết: “Quê ông ở xã Phú Đức, huyện Châu Thành, Bến Tre, lên lập nghiệp ở đây năm 2002, nhận khoán 7ha điều, nhưng tổng sản lượng thu được chỉ 100kg/vụ, bán được 1 triệu đồng”. Nhà có 4 khẩu, không đủ sống, nên hàng ngày ông Hoàng phải vào rừng săn lùng, tìm cây cảnh đưa về bán để mua gạo sống qua ngày.
Ông Hoàng cho biết thêm: “Không bám được cây điều, mỗi hộ phải kiếm ăn một cách, có người quay về quê cũ, có người phải làm “lâm tặc” bất đắc dĩ, chặt trộm gỗ rừng bán, có người phải phá rừng để lấy đất sản xuất trồng đậu, đỗ, củ mì… nhằm có thêm thu nhập, nuôi sống gia đình”.
Điều không quả vì thiếu nước
Cũng theo ông Lê Thanh Hải thì cây điều ở đây không đậu quả chủ yếu do thiếu nước tưới. Điều ra hoa vào khoảng tháng 12 hàng năm, lúc đó thời tiết Ea Súp đã vào mùa khô, độ ẩm thấp, cộng với tầng đất canh tác ở đây mỏng, nên cây điều bị thiếu nước nghiêm trọng; thiếu nước nhưng lại không có nguồn nước tưới, nên hoa điều héo nhanh, không thể đậu quả. Bằng chứng về việc này là những cây điều trồng quanh nhà, có độ ẩm cao hơn thì cho năng suất cao hơn hẳn.
Theo một cán bộ Viện Khoa học – kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, vấn đề thiếu độ ẩm cho cây điều ở thời kỳ ra hoa đã được cảnh báo trước khi thực hiện dự án, nhưng đã không được những người quản lý dự án quan tâm.
Việc tìm nguồn nước tưới cho điều hiện nay là “bất khả thi”, vì nếu lấy nước từ hồ Ea Súp phải làm kênh dài khoảng 30km, lại phải đầu tư hàng trăm tỉ đồng, biết moi đâu ra vốn mà làm; còn nếu khoan giếng ngầm thì phải khoan tới hàng ngàn giếng, mỗi giếng sâu tới 80m mới có nước, vừa tốn kém, vừa phá vỡ tầng nước ngầm, rất nguy hại đối với môi trường. Và vì thế, hiện nay người ta phải tính tới việc chặt bỏ để chuyển sang trồng cây khác.
Dự án “phăng teo”
Theo ông Lê Thanh Hải thì trước mắt, người ta sẽ phá bỏ khoảng 6.400ha để trồng cây khác. Nơi đất tốt sẽ trồng cây nguyên liệu giấy như keo lá tràm, keo tai tượng, hiện hàng triệu cây giống đã được ươm, sẽ được đưa vào trồng trong tháng 7 tới; nơi đất thấp, có thể làm hồ đập thì chuyển sang trồng lúa; còn lại sẽ giao cho dân tự sản xuất. 5.600ha điều còn lại sẽ tiếp tục theo dõi, chăm sóc đến năm 2012, nếu có hiệu quả thì giữ, không hiệu quả thì sẽ phá nốt…
Tuy nhiên, theo ông Hải và một số cán bộ nông nghiệp của huyện Ea Súp thì không nên chờ đến năm 2012, vì cây điều có hiệu quả hay không đến bây giờ đã được khẳng định là không. Vì thế, nên chuyển đổi sang cây khác càng sớm càng tốt. Chuyển đổi càng sớm thì người dân nhận khoán cây điều trên địa bàn càng sớm đỡ vất vả.
Như vậy là dự án trồng điều cao sản ở vùng kinh tế mới Ia R’vê – Ia Lốp, huyện Ea Súp với tổng vốn đầu tư 140 tỉ đồng, về cơ bản đã bị phá sản. Đây là một trong những dự án góp phần “làm nghèo” đất nước. Lỗi tại ai, ai phải chịu trách nhiệm? Hẳn rồi đây, các cơ quan có thẩm quyền buộc phải xem xét vấn đề này. Nhưng hậu quả của nó thì đất nước và nhân dân phải còng lưng chịu đựng…