ThienNhien.Net – Mới đây các nhà khoa học đã đề xuất sáng kiến cho rằng việc rải đá vôi vào lòng đại dương sẽ thúc đẩy khả năng hấp thụ CO2 và giúp khôi phục các rạn san hô.
Chúng ta đều biết đại dương hoạt động như một bể chứa các-bon khổng lồ. Trong 200 năm qua, đại dương đã hấp thụ khoảng 50% lượng CO2 mà con người tạo ra. Trong các “bể chứa” này, các-bon được hấp thụ bằng cách hoà tan vào nước và liên kết với ion cacbonat. Nhờ đó mà bầu khí quyển của chúng ta trong lành hơn và tốc độ biến đổi khí hậu cũng nhờ đó mà sẽ chậm lại.
Nhưng càng ngày tốc độ phát thải CO2 vào không khí càng tăng – và lớp nước bề mặt các đại dương cũng đang dần trở nên bão hoà, lượng ion cacbonat trong nước đại dương đang ngày càng giảm. Điều đó có nghĩa là đại dương của chúng ta đang dần mất đi khả năng hấp thụ loại khí nhà kính này.
Không những thế, tình trạng đại dương ngày càng bị axít hóa còn ảnh hưởng bất lợi đến các rạn san hô và các loài động vật thân mềm vốn là những loài sinh vật sử dụng ion cacbonat và canxi để tạo ra bộ xương ngoài cơ thể.
Trước thực trạng đó, Danny Harvey, một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về khí hậu tại trường Đại học Toronto, Canada, tin rằng vấn đề này sẽ được giải quyết bằng cách sử dụng đá vôi – một loại đá mà thành phần chính của nó là canxi cacbonat.
Theo một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí New Scientist, đá vôi ít hoà tan trong nước, nên nó sẽ chìm sâu vào lòng đại dương, nơi có nồng độ cacbonat thấp và hoà tan từ từ để giải phóng ion cacbonat. Sau đó, nhờ dòng đối lưu nước giàu cacbonat này sẽ được chuyển lên bề mặt và có thể hấp thụ nhiều CO2 hơn.
Theo nghiên cứu của Danny Harvey được đăng trên tạp chí Chuyên ngành Địa vật lý cho thấy nơi tốt nhất để chúng ta rải đá vôi là vùng biển phía Bắc Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, Ken Caldeira đến từ Viện Khoa học Carnegie ở Stanford, California, khi phát biểu trên Tạp chí New Scientist lại cho rằng lợi ích của việc làm này sẽ là quá muộn trong bối cảnh cuộc chiến đấu chống lại sự ấm lên toàn cầu hiện nay. Ông còn tỏ ra nghi ngờ rằng chưa chắc nó sẽ đem lại hiệu quả chống lại biến đổi khí hậu ít nhất sau thập kỷ tới.