ThienNhien.Net – Mới đây, Liên Hợp Quốc (LHQ) đã kêu gọi nhiều nhà lãnh đạo châu Á chấp thuận kế hoạch chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2020 để ngưng việc hủy hoại các loài động thực vật. “Khoảng 80% đa dạng sinh học được biết đến trên thế giới chứa đựng trong các khu rừng, ở đó có khoảng 1,6 tỷ người đang sống dựa vào nguồn tài nguyên này”, theo lời Ahmed Djoghlaf, giám đốc điều hành LHQ. Công ước về Đa dạng sinh học (CBD) cũng đã có một cuộc họp báo ở Manila.
“Dự án chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2020 là khả thi, có thể làm được”, Djoghlaf nói.
Trong một cuộc họp ở Đức hồi tháng Năm, 65 nước đã cam kết ủng hộ lời kêu gọi của Quỹ Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) về việc ngừng phá rừng vào năm 2020, nhưng chỉ có 2 nước – Campuchia và Việt Nam – đến từ Đông Nam Á.
Djoghlaf cho biết, thế giới đã mất khoảng 13 triệu hecta rừng mỗi năm, tương đương 36 sân bóng đá mỗi phút. Khoảng 95 nước đã hoàn toàn mất rừng.
“Ở Đông Nam Á, cháy rừng đã phá hủy 10 triệu hecta rừng trong thời gian từ năm 1997 – 2006. Nhiều cây cối cũng bị chặt do canh tác nông nghiệp luân canh, buôn bán gỗ lậu và khai thác mỏ trên diện rộng”, Djoghlaf nói.
Với tỷ lệ phá rừng hiện tại, khu vực này sẽ mất 3/4 trong tổng diện tích 47 triệu hecta rừng và tới 42% độ đa dạng sinh học vào năm 2100, theo lời Rodrigo Fuentes, người đứng đầu Trung tâm Đa dạng sinh học Đông Nam Á.
Djoghlaf và Fuentes đều cho rằng sự phá hủy đa dạng sinh học cũng sẽ tác động đến an ninh toàn cầu và nền kinh tế thế giới do gia tăng cạnh tranh về nguồn lương thực và nhiên liệu có hạn.