Được nhiều tổ chức từ thiện giúp đỡ và chính quyền biết đến, song phần lớn những đứa trẻ ở "xóm nhà thuyền" tại bãi sông Hồng (Hà Nội) vẫn không khai sinh, không hộ khẩu, không được đến trường…
Đứng trên bờ bãi Phúc Xá, đoạn nằm cách ngay dưới gầm cầu Long Biên không xa, người ta đã nhìn thấy khoảng 20 “nhà thuyền” được cất từ những thùng phuy sắt, tre nứa, ghép thêm vài tấm ván, xốp; mỗi “căn nhà” chỉ rộng chừng dăm mét vuông, nằm bồng bềnh trên mặt nước.
Có mặt ở xóm nhà thuyền đúng vào lúc bọn trẻ ở đây vừa trở về nhà từ những lớp học do các tình nguyện viên giúp đỡ tổ chức. Về đến bãi sông, lũ trẻ tung tẩy nhét cuốn vở vào cạp quần rồi xắn ống quần lên quá gối để lội về nhà.
Theo chân Mai, 15 tuổi, đang học lớp 4 tại lớp học mái ấm tình thương, chúng tôi lội vào thuyền nhà em. Căn nhà quá sơ sài, gần như chẳng có gì ngoài một bầy chó mới đẻ, mấy con mèo và một đàn vịt con đang chạy quanh nhà. Cả nhà em Mai đang quây quần chuẩn bị ăn bữa trưa. Trên sàn nhà chỉ có một túi bún và một bát nước mắm. Bố em Mai kể: “Có nhiều hôm trời mưa to nên mấy mẹ con chẳng nhặt được bao nhiêu giấy, rác. Bởi vậy chúng nó đành bữa ăn bữa nhịn hoặc ăn qua loa như thế này”.
Anh Vũ Văn Học, 44 tuổi (bị dị tật ở chân và gần như không đi lại được nhiều) và chị Phạm Thị Thanh, 43 tuổi, bố mẹ em Mai, là những người đã đến xóm nhà bè này được gần 13 năm. Không có tiền thuê nhà trong khi con còn nhỏ, vợ chồng anh Học tìm ra được ra bãi sông này, lúc đó cũng đã có vài hộ sinh sống. Nhưng để làm một bè như vậy cũng phải mất một số tiền mà trong tay anh chị chẳng có đồng nào. Anh chị đành dựng tạm cái bạt ở ven bờ bãi con sông để hằng ngày cả nhà vừa đi nhặt rác vừa đi ăn xin, những mong kiếm đủ số tiền dựng một cái bè trên sông để có chỗ an cư lạc nghiệp mà không sợ bị xua đuổi như khi sống ở trên bờ.
“Dân xóm này không trộm cắp, cũng chả nghiện ngập gì, chỉ biết mót rác kiếm ăn thôi”, chị Thanh tâm sự. Chị cho biết thêm: “Trước đây chính quyền cũng cấm không cho ở, mỗi lần bị đuổi mọi người trong xóm lại chạy nhưng mấy năm trở lại đây địa phương cho phép xóm bãi bè được quyền định cư trên bãi sông, nên cuộc sống bây giờ mới bớt lo đi và mọi người yên ổn làm ăn”.
Ba đứa con của anh chị – Mai 15 tuổi, Mạnh 11 tuổi, Hương 6 tuổi, chưa kể một cậu con trai bị tai nạn rơi xuống sông mất cách đây không lâu, tất cả đều không có giấy khai sinh. Mấy năm về trước Mai và Mạnh cũng như những đứa trẻ khác của xóm bãi hoàn toàn mù chữ, suốt ngày chỉ bám mẹ đi nhặt rác trên phố, nhưng rồi các nhóm tình nguyện đến làm công tác vận động các gia đình cho con em mình đến lớp. Lúc đầu anh chị cũng không đồng ý, với suy nghĩ nghèo học để làm gì. Rồi các em cũng được đi học, chỉ là học buổi sáng, tuần ba buổi, còn thời gian còn lại các em phụ giúp cha mẹ kiếm sống. Nhiều đứa trẻ xóm nhà bè đã trở thành những lao động chính như em Tùng (con anh Huỳnh), em Mai. Hằng ngày, cứ khoảng 6 giờ tối các em lên chợ Đồng Xuân, Long Biên hoặc Bắc Qua rồi từ đây tản ra các đường phố khác để nhặt rác, từ 12 giờ đêm đến 1 giờ sáng lũ trẻ tập trung lại chợ cùng phân loại rác rồi đem bán ngay…
Mặc dù được các tổ chức tình nguyện tận tình giúp đỡ, với mong muốn các em đều biết chữ và tương lai sẽ thoát khỏi cảnh sống vất vưởng và các em theo học cũng rất chăm chỉ nhưng theo như lời chị Linh, mẹ của 4 cô con gái đang theo học ở các lớp tình thương thì mục đích học chỉ là vì “các anh chị tình nguyện đã hứa là sẽ giới thiệu việc làm cho các em”. “Em đang học lớp 4 nhưng sang năm em nghỉ, em muốn ở nhà phụ giúp mẹ nhặt rác nhiều hơn”, cô bé Mai nói.
Gánh nặng cơm áo gạo tiền đã sớm đè nặng lên đôi vai nhỏ bé của những đứa trẻ xóm bãi. Chị Thanh tâm sự “cho học vậy thôi chứ nghèo lại học dốt nữa nên cũng chẳng hy vọng gì đâu”. Trong khi người mẹ nói như vậy, cậu bé Mạnh lấy ngay cây bút chì vẽ đoàn tàu đang chạy xịch xịch trên cầu Long Biên. Mạnh nói em ước gì được đi học vẽ và trở thành họa sĩ. Còn cô bé Hà 11 tuổi thì lại ước mơ trở thành người nấu ăn như mấy cô chị mặc dù em học rất giỏi môn toán. Hà nói vậy vì em mới nghe nói đang có một dự án dạy nấu ăn và giới thiệu việc làm cho các em có hoàn cảnh khó khăn.
Hơn 6 giờ chiều, những đứa trẻ lại lục tục cùng đồ nghề cho công việc bới rác của mình len lỏi qua ngóc ngách của những căn nhà lụp xụp trên bãi sông. Chúng nhanh chóng băng qua đường, hòa vào dòng người xe tấp nập để tiếp tục công việc thường ngày của cuộc mưu sinh…