Hà Nội hiện có 4 con sông, gồm: sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu. Gọi là sông nhưng trong con mắt của nhiều người, đó chỉ là những đường cống thoát nước lớn. Sự ô nhiễm nặng nề không chỉ là nỗi buồn tiếc của những người yêu Hà Nội mà còn là nỗi ám ảnh của nhiều người dân sống bên bờ các con sông này.
Ô nhiễm và không “hoàn thành nhiệm vụ”
Có thể nói chính quyền thành phố đã có nỗ lực cải tạo 4 con sông này nhằm cải thiện tình trạng úng ngập của Hà Nội, đồng thời mang lại cảnh quan đẹp cho thủ đô. Trong vài năm trở lại đây, các con sông này đã được kè hai bên bờ, nạo vét lòng sông và vớt rác thường xuyên.
Thế nhưng, mọi nỗ lực trên cũng chưa thể làm cho những con sông đã từng đi vào thơ, ca, nhạc, họa này thơ mộng trở lại. Thực tế, cho đến nay tình trạng ô nhiễm tại các con sông trong nội thành không hề giảm đi mà vẫn đang tiếp tục tăng lên.
Theo Sở Tài nguyên – Môi trường Hà Nội, tổng lượng nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất công nghiệp ở khu vực nội thành khoảng 500.000m3/ngày, đều tiêu thoát qua hệ thống cống và 4 sông tiêu chính là Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu. Trong đó, nước thải từ hoạt động sản xuất, bệnh viện và cơ sở dịch vụ chứa nhiều chất gây ô nhiễm chưa được xử lý chiếm tới 90%.
Bị ô nhiễm vì gánh vác nhiệm vụ thoát nước thải, chống úng ngập song thực tế những con sông này hiện không thể đảm đương nổi vai trò chủ lực trong việc chống ngập úng của thủ đô. Dự án thoát nước cho Hà Nội giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư 187,36 triệu USD bao gồm vốn ODA 139 triệu từ Chính phủ Nhật Bản và 48,36 triệu USD từ nguồn vốn trong nước đã gần hoàn thành nhưng mỗi khi có những trận mưa lớn, Hà Nội vẫn tiếp tục lâm vào tình trạng ngập úng ở nhiều nơi.
Trận mưa lớn ngày 18/06 vừa qua cho thấy, nước ở 4 con sông này đã đầy ắp, dâng lên cao chưa từng thấy, trong khi nhiều đường phố Hà Nội vẫn ngập sâu trong nước
Nỗi ám ảnh của người dân
Với những người dân sống ven bờ những con sông này, sự ô nhiễm thực sự là một nỗi ám ảnh dai dẳng. Sông Tô Lịch ngoài những đoạn đã được cống hóa thì đoạn dọc đường Bưởi đến Ngã Tư Sở, dọc Kim Giang về đến khu vực Cầu Bươu đều lộ thiên. Việc kè bờ, trồng cỏ và cây cảnh ven bờ khiến cảnh quan con sông này được cải thiện hơn trước.
Thế nhưng, chỉ những người dân sống ở đây mới thấu hiểu nỗi khổ khi phải chung sống với một dòng sông đen kịt đầy rác rưởi, bốc mùi khó chịu trôi qua trước nhà. Muỗi, côn trùng cũng từ đó mà ra. Con sông Kim Ngưu đoạn chảy qua khu tập thể Quỳnh Mai cũng trong tình trạng tương tự.
Chị Mai Hà (KTT Quỳnh Mai) cho biết: “Từ ngày kè con sông này tôi đã hy vọng tình trạng sẽ được cải thiện nhưng đến nay, cảnh quan thì có vẻ thay đổi phần nào song sự ô nhiễm mỗi ngày một nặng nề hơn. Vào những ngày nóng nực, các nhà ở đúng hướng gió thổi về KTT đều phải đóng cửa. Chiều hè, không dám dạo bộ bên bờ sông cũng vì không khí không được trong lành”.
Cũng như vậy, con sông Lừ đang là nỗi ám ảnh ghê gớm của những hộ dân sống dọc bờ sông. Người dân thuộc 2 phường Phương Liệt, Trương Định (Q. Hoàng Mai) hiện rất bức xúc vì sự ô nhiễm đang tăng lên ở đoạn sông dài chừng 3km chảy qua địa bàn này. Nước sông đen kịt vì ô nhiễm lại kèm thêm chất thải rắn nổi lềnh bềnh khắp mặt sông.
Theo anh Trần Mạnh Dũng (tổ 23 P. Phương Liệt), ô nhiễm ngày càng nặng là vì các hộ dân đang lấn chiếm hai bên bờ con sông này. Ở đoạn cuối ngõ 177 phố Định Công nằm sát khu chung cư Đại Kim, hiện có hơn 10 căn nhà tạm mới được người dân địa phương xây dựng trong vòng 2 tháng nay.
Hầu hết những căn nhà này đã được cho người nơi khác đến thuê ở và kinh doanh dịch vụ như: hàng cơm, quán nước, sửa chữa xe đạp, xe máy… Các cửa hàng tạm bợ này vẫn hàng ngày vô tư xả rác xuông lòng sông.