ThienNhien.Net –Hiện nay, một tổ chức phi chính phủ của Mỹ đang cố gắng sử dụng các vệ tinh để truyền tải các thông tin về sự phát triển đến người dân nghèo ở châu Phi và châu Á. Ông Jason Forauer, giám đốc chương trình First Voice International (FVI) cho biết công nghệ này có điểm mạnh là giá rẻ, có thể tiếp cận với những nơi hẻo lánh nhất và có thể được sử dụng cho bất kì mục đích phát triển nào.
Truyền tải kịp thời các thông tin về mọi lĩnh vực, từ các cơn sóng thần cho đến các biện pháp tình dục an toàn…đến dân cư ở các vùng xa xôi là một thách thức mà các nhà nghiên cứu đã phải vật lộn hàng thập kỉ qua, đặc biệt ở châu Phi và châu Á – những nơi mà vấn đề về khoảng cách địa lý và ngôn ngữ trở thành rào cản lớn đối với quá trình trao đổi thông tin.
Các vấn đề như tài nguyên khan hiếm, tỉ lệ thất học cao và thách thức trong việc tiếp cận với các khu vực hẻo lánh, nghèo đói nhất thế giới đang ngày càng gia tăng. Để vượt qua các trở ngại này, các cơ quan phát triển đang tăng cường khai thác sử dụng công nghệ sóng vệ tinh để truyền tải thông tin đến người dân ở các khu vực hẻo lánh nằm ngoài phạm vi hoạt động của đường dây điện và vùng phủ sóng của điện thoại ở khu vực châu Phi và châu Á. Thuận lợi của công nghệ này đó là giá rẻ, có thể tiếp cận với những nơi hẻo lánh nhất và có thể được sử dụng cho bất kì mục đích phát triển nào.
FVI là một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ chiếm khoảng 5% thời lượng phát sóng của mạng lưới sóng vệ tinh thương mại Worldspace. Worldspace có hai vệ tinh là AfriStar và AsiaStar, có thể tiếp cận châu Phi, phần lớn châu Á và Trung Đông, cùng nhiều khu vực ở Thái Bình Dương và châu Âu với đường truyền chất lượng kĩ thuật số.
Khai thác tối đa công nghệ
Theo FVI, công nghệ này cho phép truyền tải các chương trình phát thanh cũng như tài liệu trên các trang Web hiệu quả tới các vùng châu Phi, châu Á, Thái Bình Dương, tới hàng tỉ người ở hơn 100 quốc gia nơi mà Internet, điện thoại và đường dây điện không thể tiếp cận. Đơn giản là vì không còn cách nào để có thể tiếp cận với nhiều người ở những nơi cực kì hẻo lánh như thế với một chương trình chất lượng tương đương và có giá thấp hơn.
FVI đang cố gắng kết hợp các công nghệ để giúp các cộng đồng dân cư đạt được hiệu quả tối đa của các chương trình phát sóng. Với một thiết bị thu nhận sóng vệ tinh đơn giản với giá khoảng 100 USD, người dân có thể thu nhận các chương trình phát sóng, tải nội dung thông qua một trạm máy tình được thiết kế đặc biệt.
Ông Forauer cho biết, FVI có thể thay đổi hệ thống tuỳ theo nhu cầu người dân. Ví dụ nếu không có điện, có thể lắp đặt các tấm pin mặt trời để cung cấp điện cho máy tính hoặc đầu thu sóng. Nếu như có một máy phát sóng radio FM hoặc AM, nội dung có thể được phát sóng lại qua các máy radio di động. Đó là một viễn cảnh hấp dẫn bởi vì chỉ có 1 trong 10 người ở các nước đang phát triển có một cái radio tiêu chuẩn.
Trong các trường hợp khác như thu thập thông tin về nông nghiệp ở châu Phi, đường vận chuyển của vệ tinh được sử dụng để thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, từ email đến các tin nhắn điện thoại, để đảm bảo dân cư nhận được các thông tin quan trọng về vụ mùa và khí hậu.
Công nghệ cao không cần bảo trì nhiều
Nội dung của chương trình phát phụ thuộc vào tổ chức hiến tặng, cộng tác viên và các cộng đồng dân cư. Ông Forauer giải thích: “Chúng tôi không phải là nhà cung cấp thông tin, chúng tôi chỉ cung cấp hệ thống công nghệ thông tin liên lạc. Các thiết bị sử dụng không cần bảo trì nhiều bởi vì các cộng tác viên địa phương đang được huấn luyện để trông coi và bảo quản các công nghệ mới”.
Các chương trình đã sử dụng đường truyền vệ tinh của FVI nhằm thiết lập các mạng lưới báo cáo thông tin, từ vấn đề nông nghiệp ở châu Phi cho đến việc thiết lập hệ thống phát sóng các thông tin về HIV/AIDS và buôn lậu người ở vùng sâu vùng xa của Lào.
Theo ông Sharon Smith, quản lý khu vực Đông Nam Á, Thái Bình Dương, thì: “Dự án thí điểm rõ ràng đã cho thấy sóng vệ tinh đã gia tăng tối đa hiệu quả thông tin liên lạc ở các vùng xa xôi, nhờ đó góp phần cải thiện việc tiếp cận vấn đề sức khoẻ và các thông tin phát triển kinh tế liên quan khác”.