Pa Nho là một bản điển hình trong xây dựng kinh tế, văn hoá của cộng đồng người thiểu số huyện Hướng Hoá – Quảng Trị. Tôi thật sự bị hút hồn trước vẻ đẹp thanh bình, đầm ấm của Pa Nho.
Những người dân mang họ Bác Hồ nơi đây đều tự hào rằng dù chưa giàu đẹp được như các thành phố, thị xã, nhưng bản làng của họ đã khác rất xa với ngày xưa, mỗi đồng bào bây giờ đang là “ông chủ” của những trang trại làm ăn lớn trên núi rừng quê hương. Và ai cũng bảo: Hồ Thị Ka Nưm – người phụ nữ Vân Kiều – là một ngọn đèn của bản…
Khát vọng thay đổi
Những ngày này bao giờ cũng rộn ràng, khấp khởi trong lòng mỗi người dân trên mảnh đất Khe Sanh – một địa danh đã trở nên quá nổi tiếng, mang “thương hiệu toàn cầu” kể từ sau ngày chiến dịch Khe Sanh toàn thắng giòn giã 09/07/1968. Tôi tìm gặp chị Ka Nưm. Người nhà chạy ra đồng gọi chị, nhưng chị bảo lúa đang chín rộ, tranh thủ gặt cho xong để còn tham gia tập văn nghệ biểu diễn trong đêm bản Pa Nho chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày quê hương giải phóng nên… hẹn nhà báo sau.
Tôi vượt suối ra cánh đồng lúa nước của Ka Nưm, đó là những ô ruộng lúa trĩu nặng hạt vàng ươm ngay trên đất đồi nhờ hệ thống dẫn thuỷ ngược từ suối lên. Ka Nưm dừng tay gặt, nói vọng lên: “Ka Nưm mắc ra đồng gặt lúa thì cán bộ tìm gặp người khác cũng được, làm ăn khá giả như Ka Nưm ở Pa Nho bây chừ không hiếm như trước nữa mô”.
Không bắt đầu câu chuyện như vẫn thường thấy, rằng sẽ kể ra chị trồng cây gì, nuôi con gì, Ka Nưm chỉ tay ra đồng lúa, nói: “Cán bộ thấy chưa, trong số hơn mười người gặt lúa giúp nhà Ka Nưm hôm nay có đến bốn – năm người đàn ông đấy. Bây chừ, chồng, con trai trong nhà đã làm giúp vợ, mẹ nhiều việc lắm. Không như ngày xưa, mẹ và các dì, bác của lứa chúng tôi đều phải làm lụng rất khổ sở, nặng nhọc, từ lấy củi, lấy nước cho đến làm rẫy đều một tay người phụ nữ hết; hồi chế độ cũ, người vợ Vân Kiều như là “con ở”, phục vụ cho cả gia đình chồng. Nhờ có Đảng của Bác Hồ, người phụ nữ Vân Kiều đã khác xưa rất nhiều. Tôi hiện làm cán bộ phụ nữ của Pa Nho, tôi thường nói với chị em rằng mình muốn đổi đời, muốn có cuộc sống khá giả, bình đẳng trong gia đình, xã hội thì trước tiên phải nỗ lực, siêng năng làm kinh tế. Mình phải giàu có lên, có nhiều tiền, nhiều gạo thì cuộc sống mới thay đổi, và khi đó thân phận của mình cũng sẽ… không còn như xưa”.
Biến đồi trọc thành… vàng
Nghe tin Hội Phụ nữ huyện được tài trợ dự án giúp phụ nữ nghèo phát triển kinh tế cải thiện đời sống, Ka Nưm xung phong làm người đầu tiên của bản. Chị kể: “Cách đây mười – mười lăm năm, quanh đây đều là đất trống đồi trọc do hoá chất của Mỹ rải trong chiến tranh. Ngày xưa, măng tre nhiều là thế, chỉ cần ra khỏi nhà là đã lấy được gùi này gùi nọ, nay một mụt măng để nấu canh chua cũng tìm đỏ con mắt. Tôi nghĩ hay là vào rừng sâu lấy giống tre nứa về trồng để lấy măng. Rất may, Hội Phụ nữ huyện bảo là có dự án hỗ trợ vốn, kỹ thuật giúp chị em trồng tre lấy măng. Thế là Ka Nưm suốt ngày, suốt trưa trên rẫy để phát đốt làm đất trồng tre”.
Rừng tre rộng hơn 2ha của Ka Nưm đã cho thu hoạch măng cách đây bốn năm. Vào vụ, các thương lái vào tận rẫy thu mua mỗi ngày lên đến bốn – năm tạ măng tươi. Năm được giá, có ngày Ka Nưm thu tiền triệu từ bán măng. Ngay bên dưới rừng tre là ruộng lúa nước và ao nuôi cá, tổng diện tích cũng gần 2ha. Lúa nước mỗi vụ nhà chị thu hoạch từ năm mươi đến sáu mươi bao, còn ao cá mỗi năm cũng góp thêm vào “ống tre giữ của” nhà chị vài chục triệu đồng. Nghe Ka Nưm kể các nguồn thu, tôi thấy không có gì lạ khi chị đang là chủ ngôi nhà xây hai tầng khang trang, đẹp đẽ vào bậc nhất của bản Pa Nho thế này.
Tôi nói: “Bất động sản nhiều thế, chị là tỉ phú rồi chứ không phải chỉ là triệu phú như các giấy khen ghi đâu nhé”. Ka Nưm cười bẽn lẽn: “Định… quên, nhưng mà cũng phải kể nốt thôi, còn vườn càphê chè mỗi năm cũng được thêm vài chục tấn quả tươi nữa…”.
Ông Hồ Văn Đăng – nguyên Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hướng Hoá, hiện về hưu sinh sống tại bản Pa Nho – đưa tôi đi để “mắt thấy tai nghe” chuyện làm ăn của đồng bào Vân Kiều ở Pa Nho. Ông bảo người có thu nhập cao như Ka Nưm ở Pa Nho không ít, nhưng Ka Nưm là điển hình của một thế hệ phụ nữ Vân Kiều không cam chịu, có ý chí và quyết tâm đổi đời rất cao.
“Ka Nưm không chỉ là một phụ nữ siêng năng, ham công tiếc việc, mà còn là người có nhiều khả năng, biết tính toán và có nhiều sáng tạo, sáng kiến. Để trông coi, quản lý, thu hoạch chừng ấy diện tích từ măng tre, lúa nước cho đến càphê, ao cá, rõ ràng Ka Nưm phải là người giỏi giang. Nhìn cái cách cô ấy ngăn suối dẫn thuỷ tưới cho ruộng đồi hoặc mang nước về ao để nuôi cá, có lẽ các kỹ sư thuỷ lợi cũng phải nể nang”. Ka Nưm không nói nhiều về bản thân và những thành quả từ đôi bàn tay đầy khát vọng và ý chí của chị, chị ngượng ngùng nói với tôi là “mình không quen trả lời phỏng vấn”.
Nhưng khi tôi theo chị xuống ao vớt cá đãi khách, thì chị xoè ngửa hai bàn tay với rất nhiều cục u chai cứng ra cho tôi xem rồi nói: “Em có biết bàn tay chị đã bao nhiêu lần rách tươm chảy máu rồi lành lại không? Chị nhớ mãi câu thơ hồi đi học bổ túc văn hoá là “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Hồi đó chị nghĩ mần răng sỏi đá mà thành cơm được, nhưng nay chị thấy chính hai bàn tay chị đã biến đất trống đồi trọc thành rừng xanh tốt, thành những ruộng lúa, vườn cây cho thu nhập nhiều tiền, vậy là sỏi đá thành vàng, bạc nén làm của chứ không chỉ là… cơm” (!).
“Ai cũng phải giàu lên”
Câu nói ấy của Hồ Thị Ka Nưm được những người dân bản Pa Nho nhắc lại mỗi khi bàn tính chuyện làm ăn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi của đồng bào. Chị Ngô Thị Toán – Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Hướng Hoá – nói: “Ka Nưm là một phụ nữ Vân Kiều điển hình trên nhiều mặt, làm kinh tế gia đình giỏi, chị còn là người mẫu mực của bản làng trong sinh hoạt, đời sống cộng đồng với bà con. Tấm lòng của Ka Nưm rất tốt, hết lòng thương yêu, giúp đỡ mọi người, đặc biệt là chị em phụ nữ Vân Kiều cùng cảnh ngộ”. Dù tất bật với công việc, Ka Nưm vẫn luôn sẵn sàng bỏ thời gian đến tận nơi chỉ bày kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi cho những chị em Vân Kiều khác.
Vào mùa thu hoạch cá, măng, càphê, lúa, Ka Nưm luôn tìm cách mướn những chị em còn nghèo khó, chưa có nhiều kỹ năng, kinh nghiệm trong công việc đến làm cho mình. Thông qua công việc, chị chuyện trò khơi gợi lên trong những chị em đó cái ham muốn làm giàu. Ka Nưm kể: “Năm ngoái, măng vừa được mùa lại được giá, tư thương vào tận rừng tre giành nhau mua. Nếu là người ham hố, chị bán thẳng cho tư thương để được nhiều tiền, nhưng chị vẫn giao cho những chị em Vân Kiều ở quê vào thu hoạch rồi mang đi bán kiếm tiền chênh lệch, mua sắm thêm áo quần cho con cái.
Chị nghĩ là thông qua những việc như vậy, nhận thức của những người phụ nữ Vân Kiều như chị sẽ ngày càng cao lên, khi có khát vọng và ham muốn thì không có việc gì con người ta không làm được. Một số gia đình phụ nữ Vân Kiều quê chị ở tận Pa Tầng trở nên giàu có trong mấy năm lại đây là nhờ trước đó có đến thăm và đi xem cơ ngơi làm ăn của Ka Nưm ở Pa Nho đấy”.
Trong ngôi nhà rộng rãi đầy đủ tiện nghi, Ka Nưm dành hẳn một gian để những chị em Vân Kiều và các cháu nhỏ tụ họp chuyện trò sinh hoạt văn hoá văn nghệ. Anh Nguyễn Đức Tuận – Trưởng phòng Văn hoá thông tin huyện Hướng Hoá – tự hào nói: “Pa Nho là một bản điển hình văn hoá, nơi đây các sinh hoạt cộng đồng đặc sắc của dân tộc thiểu số Vân Kiều được duy trì và phát triển tốt, bản làng được xây dựng đẹp đẽ, văn minh, bà con sống với nhau đậm đà tình làng nghĩa xóm, nghĩa đồng bào…”. Như để minh chứng cho phát biểu của mình, anh Tuận đưa tôi đến dự khán một buổi tập văn nghệ chuẩn bị cho hội diễn mừng 40 năm ngày giải phóng Khe Sanh của phụ nữ bản Pa Nho. Nhìn Ka Nưm hoà vui trong xiêm áo Vân Kiều rực rỡ của chị em, tôi hiểu thêm rằng câu nói “ai cũng phải giàu lên” không chỉ vàng đồng, bạc nén mà đủ…