Mỗi khi có lũ lớn từ thượng nguồn đổ về, người dân Đồng bằng sông Cửu Long lại đứng ngồi không yên. Nhưng đó là chuyện của 5 năm trước, hiện nhiều người dân vùng lũ xã Mỹ Thọ (Cao Lãnh – Đồng Tháp) lại mong lũ lớn hơn, kéo dài hơn để họ được hưởng trọn vẹn “đặc ân” mà thiên nhiên ban tặng với mô hình nuôi cá trên ruộng lúa.
2 vụ lúa – 1 vụ cá
Vừa kéo tay lưới, vừa lựa những con cá to bỏ vào khoang xuồng để kịp phiên chợ sáng, anh Bùi Minh Quang ở ấp 3, xã Mỹ Thọ khoe: “Mùa nước nổi, chúng tôi làm cả ngày không hết việc. Sáng thì thăm đăng lưới, trưa cho cá ăn, chiều giăng lưới bắt cá…; không còn ai thất nghiệp như mấy năm trước”.
Để áp dụng mô hình nuôi cá trên ruộng lúa, ở góc ruộng, anh Quang đào một con mương rộng 3m, dài 30m, sâu 2m và thả 80kg cá giống các loại như chép, mè trắng, mè Vinh, rô phi… Thời điểm thả cá là ngay sau khi xuống giống lúa đông xuân, khoảng 20/12 dương lịch, nhưng phải sạ hàng để cá dễ dàng bơi lên ruộng kiếm ăn. Thu hoạch xong lúa vụ hè thu cũng là lúc nước lũ tràn đồng, cá được đưa lên ruộng, xung quanh được bảo vệ bằng đăng tre và lưới cước. Lúc này, vừa nuôi vỗ, anh Quang vừa thu tỉa cá lớn, thời gian thu tỉa kéo dài trong suốt mùa lũ.
Anh Quang cho biết, lợi thế của mùa này là nguồn thức ăn tự nhiên phong phú và nguồn nước bạc nên cá lớn nhanh, chỉ cần bổ sung thêm cám hoặc cua, ốc. Với 80kg cá giống, thả nuôi trên 3ha mặt nước, mỗi năm anh Quang thu hoạch trên 3 tấn cá các loại, với giá dao động từ 6.500 -18.000 đồng/kg, trừ chi phí, lãi hơn 20 triệu đồng.
Cạnh ruộng của anh Quang là ruộng của chị Ngô Thị út, rộng hơn 1ha. Chị út thả rô phi, chép, mè trắng, mè Vinh. Chị nói: “Mùa nước rảnh rỗi, nuôi cá coi như lấy công làm lời, không tốn chi phí thức ăn, hơn nữa chúng tôi có tiền trang trải cho vụ đông xuân. Với 1ha mặt ruộng, thả 20kg cá giống, mỗi vụ tôi thu lãi gần 10 triệu đồng”.
Kỹ sư Trần Quang Chính, Trạm trưởng Trạm Thủy sản huyện Cao Lãnh cho biết: “Nuôi cá trong ruộng lúa thì đồng ruộng vẫn nhận được nhiều phù sa, năng suất lúa vụ sau tăng nhờ chất thải của cá. Hơn nữa, ốc bươu vàng bị cá tiêu diệt nên khi xuống giống vụ đông xuân nông dân không tốn chi phí mua thuốc diệt ốc”.
Năm 2004, huyện Cao Lãnh chỉ có vài hecta làm theo mô hình này nhưng đến mùa lũ năm 2007, diện tích nuôi cá trên ruộng ngập lũ đã tăng lên 60ha, năng suất bình quân 1,2 – 1,5 tấn/ha, tập trung nhiều nhất ở xã Mỹ Thọ (33ha). Ông Nguyễn Thành Công, Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Thọ cho biết: “Nhiều gia đình trước đây cuộc sống rất khó khăn nay đã khấm khá nhờ áp dụng mô hình 2 vụ lúa – 1 vụ cá”.
Để mô hình được nhân rộng
Nuôi cá trên ruộng lúa không khó, nhưng để đạt hiệu quả cao, bà con nên có ao ương cá giống khoảng 100m2 cạnh ruộng nuôi, sâu 1,5 – 2m. Thả cá giống ngay sau khi xuống giống lúa đông xuân hoặc chậm nhất là sau tết Nguyên đán, để đến khi nước lũ vừa lên ngập ruộng (tháng 6 – 7 dương lịch), cá đã lớn. Gặp nước lũ kết hợp với nguồn thức ăn tự nhiên phong phú, cá sẽ nhanh lớn và bắt đầu tiến hành thu tỉa kéo dài đến khi nước rút. Tránh thu hoạch đồng loạt khi nước lũ rút vì thời điểm này trùng với mùa cá thiên nhiên nên bán không được giá”.
Theo anh Lê Văn Nguyên, người có thâm niên 5 năm nuôi cá trong mùa lũ ở ấp 3 xã Mỹ Thọ, đào ao ương bên cạnh ruộng nuôi còn có tác dụng là, khi nước lũ rút cạn, số cá chưa kịp lớn có thể nuôi neo lại đến mùa khô, bán rất được giá. Ngoài ra, trong quá trình nuôi phải thường xuyên thăm đăng lưới để kịp thời phát hiện cua hoặc chuột cắn phá. Kỹ sư Chính cho biết thêm: “Nếu thả nuôi xen tôm càng xanh thì mô hình này sẽ tăng hiệu quả gấp nhiều lần vì lợi nhuận 1kg tôm tương đương 10kg cá”.
Nuôi cá trên ruộng lúa vào mùa lũ đã chứng minh được hiệu quả và tính bền vững của nó. Tuy nhiên, cái khó là nhiều hộ dân vẫn còn thiếu vốn đầu tư vì chi phí đăng, lưới cho 1ha lên tới 2 triệu đồng, chưa kể chi phí cá giống. Anh Quang cho rằng: “Nếu được ngân hàng hỗ trợ vốn, kéo dài thời gian cho vay, chúng tôi có thể neo cá đợi khi giá cao mới bán, tránh lệ thuộc vào thị trường”.
Theo kỹ sư Chính, mô hình này rất phù hợp để xóa đói giảm nghèo. Các địa phương trong vùng lũ nên tập huấn kỹ thuật, xây dựng các mô hình điểm để nhân rộng cho bà con. Đó cũng là cách giúp người dân nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích, sống chung với lũ.