Qua kết quả xét nghiệm các mẫu nước tại khu vực hạ lưu sông Sài Gòn, Đồng Nai và một số kênh rạch trên địa bàn do Sở KH – CN tỉnh Bình Dương mới thực hiện cho thấy nguồn nước ở Bình Dương đang bị ô nhiễm nặng. Nồng độ chất hữu cơ trong nước tại sông Sài Gòn (khu vực cầu Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một) và sông Đồng Nai (khu vực xã Thạnh Phước, huyện Tân Uyên) vượt chuẩn cho phép 1,1 lần. Nồng độ amoniac vượt chuẩn cho phép 12,6 lần.
Nước trên các kênh rạch chảy qua thị xã Thủ Dầu Một và các huyện Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Dầu Tiếng, Phú Giáo… đều nhiễm chất hữu cơ và vi sinh vượt chuẩn cho phép TCVN 5942-1995, loại B từ 2-4 lần. Nguyên nhân dẫn đến việc nguồn nước ở Bình Dương bị ô nhiễm là do nước thải công nghiệp chưa qua xử lý đổ ra môi trường và một số nguyên nhân khác như rác thải lẫn lộn trong các nguồn nước, nông dân bón phân cho lúa và hoa màu chưa phân huỷ hết gặp trời mưa chạy xuống kênh rạch, sông suối…
Tại một số khu vực dân cư gần KCN Việt Hương như đường 22/12 (xã Thuận Giao), rạch Chòm Sao (xã Hưng Định, Bình Nhâm và một phần thị trấn Lái Thiêu) huyện Thuận An, nước thải công nghiệp chưa qua xử lý đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống và sức khỏe nhiều người dân ở đây.
Sáng 14/06, cùng một số cán bộ Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Bình Dương, có mặt tại xã Hưng Định, huyện Thuận An. Anh Trần Lê Vũ – một người dân ở ấp Hưng Lộc, xã Hưng Định bức xức: “Những lúc trời mưa, dòng nước thải ô nhiễm từ rạch Chòm Sao dâng cao chảy thẳng vào vườn và nhà dân mang theo nhiều chất độc hại cùng mùi hôi rất khó chịu”.
Ông Trần Văn Hội – Trưởng ấp Hưng Lộc cho biết: “Lợi dụng trời mưa, một số công ty, xí nghiệp trong KCN đã xả nước thải thẳng ra môi trường, ấp Hưng Lộc có 591 hộ dân, trên 3.200 người thì đã có 180 hộ trên 700 người thường xuyên phải gánh chịu hậu quả xấu từ môi trường nước bị ô nhiễm. Nhiều vườn cây trái của người dân bị chết trụi, thả cá xuống ao thì cá bị chết, dịch bệnh dễ phát sinh”.
Không chỉ có nguồn nước mặt bị ô nhiễm, nguồn nước mạch tại nhiều khu vực ở Bình Dương cũng đang bị ô nhiễm bởi chất hữu cơ và vi sinh. Nhiều nơi do khai thác tràn lan quá mức nên mực nước ngầm đã bị hạ thấp đáng kể. Tại các khu vực ở địa bàn huyện Thuận An, Dĩ An chỉ từ năm 2005 đến nay, mực nước ngầm ở các địa tầng đã tụt hạ từ 1m – 1,5m. Đặc biệt là ở KCN Sóng Thần (huyện Dĩ An) do quá nhiều doanh nghiệp tự khoan giếng ngầm để khai thác nước nên mực nước tụt giảm mỗi năm khoảng 2m. Khu vực xã An Phú (huyện Thuận An), mực nước ngầm giảm 1m – 1,5m mỗi năm.
Ông Lê Văn Gòn – Phó Giám đốc Công ty Cấp thoát nước – tài nguyên – môi trường tỉnh Bình Dương khẳng định: “Nước mạch bị ô nhiễm là do quá trình đào lấp giếng không đúng qui trình kỹ thuật nên nước bẩn chảy xuống, thâm nhập vào tầng nước ngầm. Trong lúc năng lực cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt sản xuất của công ty cấp thoát nước chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu sử dụng nên nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình đã tự khoan giếng. Khai thác nước ngầm quá mức cho phép chính là nguyên nhân dẫn đến việc tầng nước ngầm bị tụt dần. Nước ngầm không phải là vô tận nên nếu tình trạng khoan giếng, khai thác vô tội vạ như hiện nay thì chẳng bao lâu nữa, nguồn tài nguyên vô cùng quý giá này sẽ bị cạn kiệt”.
Để cải thiện chất lượng môi trường, đặc biệt là môi trường nước, UBND tỉnh Bình Dương đã lập kế hoạch bảo vệ môi trường giai đoạn 2007- 2010. Theo kế hoạch này, Bình Dương sẽ cải tạo nâng cấp hệ thống thoát nước đô thị và công nghiệp. Tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một số công trình cấp nước sạch tập trung tại một số địa phương chưa có nguồn nước sạch, đặc biệt là các xã vùng xa, vùng sâu như huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo và Bến Cát. Tiếp tục chỉ đạo ban quản lý các KCN, Sở TN – MT, các ngành chức năng kiểm tra, xử lý việc các KCN không xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung, các doanh nghiệp tự đổ nước thải công nghiệp chưa qua xử lý ra môi trường.